Ông Keijo Norvanto - Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam kỳ vọng cuốn sách sẽ góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ động vật và thúc đẩy đối thoại giữa văn học và khoa học trong cộng đồng độc giả Việt Nam. 

Chiều 19-7, tại Nhà xuất bản Kim Đồng (số 55 phố Quang Trung, phường Hai Bà Trưng, TP Hà Nội), cuốn sách “Nàng tiên cá cuối cùng” của nữ nhà văn Phần Lan lida Turpeinen chính thức ra mắt độc giả. Chương trình do Nhà xuất bản Kim Đồng phối hợp với Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam và tổ chức The Initiative of Children's Book Creative Content (ICBC) thực hiện, trong khuôn khổ “Tuần lễ Văn học Phần Lan”. 

Cuốn sách "Nàng tiên cá cuối cùng". 

“Nàng tiên cá cuối cùng” lấy cảm hứng từ số phận của bò biển Steller, một loài động vật biển có vú từng sống ở vùng biển Bắc Thái Bình Dương. Năm 1741, nhà tự nhiên học Georg Wilhelm Steller đã phát hiện và có những mô tả chi tiết đầu tiên về loài sinh vật này. Loài bò biển hiền lành nhanh chóng trở thành nạn nhân của các đoàn săn bắt sau khi bị con người phát hiện. Trong vòng chưa đầy 30 năm, chúng đã bị tuyệt chủng hoàn toàn.

Giao lưu trực tuyến giữa PGS, TS Nguyễn Thành Nam, nhà văn Di Li, 2 dịch giả Bùi Việt Hoa và Võ Xuân Quế (theo thứ tự từ trái sang phải). 
Chương trình đã thu hút sự quan tâm của đông đảo độc giả, trong đó có nhiều bạn trẻ yêu mến văn học, khoa học và các vấn đề môi trường. 

Tác phẩm dẫn người đọc qua ba thế kỷ từ thời điểm khám phá, săn bắt, cho đến nỗ lực phục chế bộ xương hiếm hoi của loài vật này tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Phần Lan vào năm 1952. Câu chuyện khơi dậy nhiều suy ngẫm về nghịch lý: Chính con người đã hủy diệt thiên nhiên, rồi lại quay về tìm cách phục dựng những gì từng bị xóa sổ.

Điểm nổi bật của cuốn sách nằm ở cách kể chuyện độc đáo: Thay vì chỉ thuật lại lịch sử, tác giả Iida Turpeinen đã khéo léo lồng ghép các kiến thức khoa học như giải phẫu, địa chất và tiến hóa vào mạch truyện văn học, tạo nên sự hòa quyện giữa cảm xúc và lý trí. Cách tiếp cận này được đánh giá là hình thức truyền tải khoa học hiệu quả, đặc biệt phù hợp với độc giả trẻ.

“Tôi thực sự xúc động trước hành trình của nhà khoa học Steller và cảm thấy ngưỡng mộ niềm say mê khoa học cũng như văn học trong từng trang viết của tác giả. Tôi khâm phục cách chị đưa những kiến thức khoa học vào tác phẩm mà không hề khô cứng. Chỉ với loài bò biển, chị đã kể được một câu chuyện hấp dẫn, lôi cuốn”, nhà văn Di Li nhận xét.

Nhà văn Di Li (bên phải) và PGS, TS Nguyễn Thành Nam – Phó trưởng khoa Sinh học; Giám đốc Bảo tàng Sinh học (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ góc nhìn về cuốn sách.

Dịch giả Võ Xuân Quế, người chuyển ngữ tác phẩm từ tiếng Phần Lan sang tiếng Việt, cũng cho rằng thành công lớn của “Nàng tiên cá cuối cùng” nằm ở khả năng dung hòa giữa văn chương và khoa học. Theo ông, việc chuyển hóa một luận án tiến sĩ thành một tác phẩm văn học cuốn hút thể hiện không chỉ sự am hiểu sâu sắc mà còn là năng lực sáng tạo của tác giả.

“Nàng tiên cá cuối cùng” là một tác phẩm thấm đượm tính nhân văn, khơi gợi cảm xúc, buộc người đọc phải đối mặt với những câu hỏi lớn về trách nhiệm của con người đối với thế giới tự nhiên và những di sản mà chúng ta để lại. Dưới ngòi bút của Iida Turpeinen, lịch sử không chỉ là những sự kiện vĩ đại mà còn là tổng hòa của những câu chuyện cá nhân, những cuộc đời đã góp phần định hình thế giới của chúng ta.

Các khách mời chụp ảnh lưu niệm. 

Với “Nàng tiên cá cuối cùng”, nữ nhà văn Iida Turpeinen đã vinh dự nhận Giải thưởng Văn học Helsingin Sanomat dành cho tác phẩm đầu tay xuất sắc nhất và lọt vào danh sách đề cử của Giải thưởng Finlandia - giải thưởng văn học lớn nhất tại Phần Lan và Giải thưởng Torch-Bearer - giải thưởng nhằm tôn vinh các tác phẩm văn học Phần Lan nổi bật trong năm có triển vọng thành công trên thế giới. Tính đến nay, cuốn sách đã được dịch và xuất bản tại nhiều nước trên thế giới như Đan Mạch, Vương quốc Anh, Pháp, Hy Lạp, Italia, Hungary, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ... 


Tin, ảnh: TRẦN HẢI LY

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.