Cuốn sách "Thái ấp-điền trang thời Trần (thế kỷ XIII-XIV)" do NXB Khoa học xã hội và Mai Hà Books xuất bản năm 2019 của Phó giáo sư (PGS), Tiến sĩ (TS) Nguyễn Thị Phương Chi; được biên soạn dựa trên cơ sở luận án tiến sĩ của tác giả do GS Trần Quốc Vượng hướng dẫn và đã được bảo vệ thành công vào tháng 2-2001.
 |
Bìa cuốn sách. |
Tác giả đầu tư kỹ lưỡng vào Lời mở đầu với dung lượng lên đến 21 trang (trong tổng thể 370 trang của toàn cuốn sách) chỉ để giới thiệu và cho người đọc một cái nhìn khái lược nhất về thái ấp-điền trang là gì. Bên cạnh đó, PGS, TS Nguyễn Thị Phương Chi cũng thẳng thắn thừa nhận những điều kế thừa được cùng những thiếu sót trong các công trình đi trước của Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, Trương Hữu Quýnh... khi nghiên cứu về thái ấp- điền trang nói riêng và vấn đề ruộng đất trong lịch sử Việt Nam nói chung. Từ đó, đưa ra lý do chúng ta cần phải có một nghiên cứu hệ thống, cụ thể và sâu sắc hơn với hai loại hình sở hữu ruộng đất đặc trưng của thế kỷ XIII-XIV này.
Nội dung chương I đi vào trình bày cụ thể và chi tiết về những tiền đề, điều kiện hình thành các thái ấp, điền trang thế kỷ XIII-XIV. Trong đó, tác giả nhấn mạnh đến yếu tố sinh thái, yếu tố ít được quan tâm ở các nghiên cứu trước đó, đặt thái ấp-điền trang trong mối liên hệ với môi trường tự nhiên để thấy hết được độ đặc sắc. Điều kiện tự nhiên-môi trường, đặc biệt là vai trò của các dòng sông, các ngã ba sông sẽ tác động đến sự phân bố và phạm vi của các thái ấp-điền trang.
Ở chương II, tác giả phác họa tương đối kỹ càng diện mạo một số thái ấp và điền trang của các quý tộc, vương hầu, quan lại thời Trần từ đầu triều đại cho đến cuối thế kỷ XIV, như thái ấp Quắc Hương của Trần Thủ Độ, thái ấp Vạn Kiếp của Trần Hưng Đạo, thái ấp Độc Lập của Trần Quang Khải... Từ đó, tác giả mô hình hóa hình ảnh của các thái ấp, điền trang thời Trần để cung cấp cho người đọc một hình dung so sánh cụ thể nhất. Những điểm giống và khác nhau giữa thái ấp với điền trang, giữa thái ấp-điền trang thời Trần với thái ấp- điền trang ở nước ngoài cũng được mang ra phân tích và mổ xẻ trên nhiều phương diện.
Chương III là những nhận định chung về thái ấp, điền trang thời Trần trên các góc độ ruộng đất, lực lượng sản xuất, vị trí địa lý và vấn đề quân sự. Với nguồn tài liệu thu thập phong phú, đa dạng khi đi điền dã, thực địa, PGS, TS Nguyễn Thị Phương Chi đã mang đến cho người đọc nhiều kiến thức mới, qua đó, tác giả đưa ra những nhận định khá táo bạo về vai trò của các thái ấp-điền trang thời Trần, nêu ý nghĩa tích cực của hai loại hình này trong việc kết hợp nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là khi cả nước đang dồn lực chống giặc ngoại xâm với phương châm “tông tử duy thành”, dùng chính các thái ấp, điền trang của tôn thất, quý tộc nhà Trần làm thành lũy.
NGUYỄN MAI PHƯƠNG