Những đóng góp to lớn cho ngành tình báo và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc của ông Ba Quốc giai đoạn sau năm 1975 vẫn là những bí mật chưa được nhắc đến. Cuốn truyện “Người thầy” (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, năm 2023) của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục II đã phần nào giải đáp những thắc mắc ấy.

 “Người thầy” là tác phẩm văn học đầu tay của tác giả Nguyễn Chí Vịnh. Về mặt thể loại, tác phẩm được viết theo lối tự truyện với kết cấu đơn tuyến, nhân vật kể chuyện xưng tôi dẫn dắt toàn bộ mạch truyện. Ở đó, nhân vật “tôi” với vai trò là người học trò, cấp dưới trực tiếp của ông Ba Quốc đã đưa bạn đọc trải qua nhiều câu chuyện thú vị xung quanh các sự kiện lịch sử, mối quan hệ với những nhân vật quan trọng của Đảng, Nhà nước, Quân đội, ngành tình báo và chuyện đời tư chưa được giải mật. Đó là những bảo chứng hấp dẫn mà cuốn sách mang đến cho độc giả. 

leftcenterrightdel
      Bìa cuốn sách "Người thầy". 

Điểm thú vị ở cuốn “Người thầy” là tác giả đã làm sống dậy nhân vật Ba Quốc trong giai đoạn ít người biết đến. Thậm chí, chính những người con của ông khi nhắn nhủ với tác giả cũng cùng chung thắc mắc: “Nhưng còn đoạn đời sau giải phóng, khi mà anh, chị được gần gũi ông, thì lại không được biết gì”. Đây là thời kỳ đầy khó khăn, biến động, mở ra những yêu cầu mới chưa từng có với ngành tình báo Việt Nam. Có thể nhắc đến những sự kiện nổi bật trong giai đoạn này như Việt Nam làm nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ... Trước những sự kiện đó, ông Ba Quốc đã có những tham mưu xác đáng, nhanh chóng, quyết liệt, ví như yêu cầu thay đổi nguyên tắc trong hoạt động tình báo để phù hợp với tình hình mang tính sống còn của đất nước, dự báo, đặt nền móng cho hoạt động tình báo trong tương lai...

Tác giả Nguyễn Chí Vịnh đã phát huy tốt ưu thế của người hoạt động trong ngành tình báo, cũng là người học trò thân cận, được thầy Ba Quốc vừa ân cần, vừa nghiêm khắc dìu dắt khi mới chập chững bước vào nghề. Tác giả đã mang đến cho độc giả cái nhìn đầy đủ, sâu sắc về những kỹ năng, phẩm chất được rèn giũa của người hoạt động tình báo, những lần thoát hiểm ngoạn mục, những thành công phải đánh đổi bằng hạnh phúc, thậm chí cả tính mạng bản thân...

Tác giả đã khéo léo lựa chọn lối hành văn đơn giản, không cầu kỳ nhưng thuyết phục, giải quyết vấn đề gọn trong từng chương, phần. Tác giả chia sẻ rằng, viết về một con người như ông Ba Quốc vô cùng khó, chiêm nghiệm được những bài học từ ông để có những đúc rút, đánh giá càng khó hơn. Tác giả đơn giản chỉ muốn kể lại những câu chuyện mình trực tiếp được nhìn, được biết, được nghe trong quãng thời gian gắn bó với ông Ba Quốc.

Cuốn sách có giá trị với bạn đọc nhiều lứa tuổi, nhất là các bạn đọc trẻ, vì tác giả không chỉ nhắc đến công lao của ông Ba Quốc mà còn viết về bài học kinh nghiệm sống, đó là những trăn trở, hy sinh thầm lặng, những khó khăn phải vượt qua cả về mặt đạo đức, tình cảm của cá nhân. Như chính ông Ba Quốc từng tâm sự, có hai điều quan trọng nhất trong cuộc đời, đó là tình yêu và lý tưởng. Tình yêu chỉ có một và lý tưởng cũng chỉ có một mà thôi. Có lẽ, chính sự nhất quán ấy đã giúp ông Ba Quốc trở thành huyền thoại, “con át” của ngành tình báo quốc phòng Việt Nam.

NGUYỄN ĐỨC HÀ