Dẫu vậy, bằng những trang viết mang hơi thở, nhịp đập gần gũi với đời sống nghệ thuật và tính phát hiện trong đối thoại chân thực, nhà văn Phạm Xuân Trường đã giúp bạn đọc tiếp cận và hiểu sâu hơn nhiều gương mặt văn nghệ sĩ vừa thân quen, vừa độc đáo trong cuốn sách “Góc nhìn đa chiều trong sáng tạo văn học, nghệ thuật” do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân vừa phát hành.

Cuốn sách giới thiệu 23 gương mặt nghệ sĩ thuộc nhiều thế hệ. Đó là những gương mặt trưởng thành qua năm tháng chiến tranh ác liệt như nhà văn Văn Lê, nhà văn Chu Lai, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu, NSND Trà Giang, NSND Thu Hiền... Cùng với đó là lớp nghệ sĩ trẻ mang trong mình những hoài bão, dấn thân trong sáng tạo nghệ thuật như nhà văn Nguyễn Đình Tú, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư...

Xuyên suốt cuốn sách là góc nhìn đa chiều về hành trình khát vọng, sáng tạo nghệ thuật của các thế hệ nghệ sĩ. Với nhà văn, nhà thơ, đạo diễn Văn Lê thì viết là “để tự giải tỏa những uẩn khúc ở ngay trong lòng mình”, nhà văn Chu Lai có tâm niệm “chỉ có yêu thương mới làm cuộc đời này đẹp lên”. Đi lên từ thanh âm ngọt ngào, trong sáng, NSND Thu Hiền khẳng định “dân ca là nguồn cội, sống mãi trong lòng công chúng”, còn nhạc sĩ Trần Tiến luôn khát khao là “ngọn lửa” để “sưởi ấm và an ủi những cõi đời buồn chán, cô đơn và giá lạnh”...

leftcenterrightdel
Bìa cuốn sách. 

Đi từ những trăn trở, băn khoăn đến tận cùng những sáng tạo riêng biệt của mỗi người nghệ sĩ, bạn đọc sẽ nhận ra hành trình sáng tạo của họ đều gặp nhau ở điểm chung của “tâm và tầm” như tác giả Phạm Xuân Trường đã đúc kết. “Tâm” là để mở lòng mình, hòa vào đời sống con người, những góc khuất, số phận riêng lẻ, những hạt bụi nhỏ bé giữa vũ trụ bao la, rộng lớn. “Tầm” là để vươn tới đỉnh cao trong địa hạt của sự sáng tạo mà vẫn đau đáu thắp lên “ngọn lửa” khát vọng nhân văn, đấu tranh vì ước vọng tốt đẹp dành cho con người.  

Trong “Góc nhìn đa chiều trong sáng tạo văn học, nghệ thuật”, cách tiếp cận, đặt vấn đề của tác giả Phạm Xuân Trường khá tinh tế, thể hiện cái tâm của người say mê và nặng lòng với chữ nghĩa. Trong từng bài viết, tác giả đã lựa chọn cách đối thoại mộc mạc, chân thành như những người bạn vẫn thường rủ rỉ, tâm tình với nhau về chuyện đời, chuyện nghề hay “chuyện bếp núc” đằng sau ánh hào quang. Bởi thế mà từng câu chuyện được kể nhẹ nhàng, dễ đi vào lòng bạn đọc.

Cùng với sự dung dị, gần gũi của nội dung, cuốn sách còn thu hút bạn đọc bằng những bức chân dung nghệ sĩ đa màu sắc được vẽ minh họa bởi Trần Thắng-họa sĩ nổi tiếng trong lĩnh vực thiết kế, minh họa sách, báo. Những bức vẽ thể hiện sự cẩn trọng và chu đáo trong từng trang sách khi đến tay bạn đọc. Ở đó, chúng ta có thể vừa được đọc những câu chuyện riêng biệt trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật bằng ngôn ngữ, vừa chiêm ngưỡng chân dung nghệ sĩ qua nét màu chân thực, giàu sức gợi.  

Ở mỗi câu chuyện, mỗi kỷ niệm về các nghệ sĩ, nhà văn Phạm Xuân Trường luôn viết bằng sự chân thành, đồng cảm và đồng điệu, để từ đó giúp bạn đọc tự suy ngẫm và rút ra những bài học cho riêng mình. Như điều tác giả đã viết lại trong một đối thoại nhỏ: “Trái tim thời nào cũng chỉ đập có từng ấy nhịp trong lồng ngực. Ai đến được trái tim người khác thì sẽ ở lại làm bạn với họ”.

NGUYỄN ĐỨC HÀ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.