Văn học Quảng Ninh hòa chung trong dòng chảy với văn học dân tộc, có bản sắc độc đáo. Cuốn sách “Văn học Quảng Ninh” (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2021) của hai tác giả Hoàng Thị Thu Giang và Phạm Học với độ dày gần 600 trang, được trình bày thành 4 chương, với những phân tích, lập luận cô đọng, súc tích đã khắc họa được diện mạo văn học Quảng Ninh với những đặc trưng riêng biệt, trải qua các giai đoạn từ văn học dân gian đến văn học viết; từ văn học trung đại đến văn học hiện đại; làm nổi bật những giá trị nghệ thuật giàu chất nhân văn trong suốt quá trình phát triển của văn học Quảng Ninh.
 |
Bìa cuốn sách. |
Thông qua những trang viết, có thể thấy một cách nhìn toàn diện, xuyên suốt về văn học Quảng Ninh trong tổng thể lịch sử phát triển của nó. Từ văn học dân gian Quảng Ninh với những sáng tác về văn học dân gian miền núi và trung du qua các tác phẩm, như: “Sự tích giống tre mọc ngược”, “Sự tích đàn đá thần”...; văn học dân gian vùng duyên hải và hải đảo, như: “Sự tích đảo Trà Cổ”, “Vè sửa đình Quan Lạn”, “Vè Trần Hưng Đạo khao quân”...; văn học dân gian vùng mỏ đến các thể loại truyện kể, ca dao Quảng Ninh. Văn học trung đại Quảng Ninh với rất nhiều áng văn, thơ của các tác giả trong và ngoài tỉnh viết về vùng đất này. Văn học hiện đại Quảng Ninh với các sáng tác từ đầu thế kỷ 20 đến nay, nổi bật là các tác phẩm thuộc dòng văn học cách mạng và các gương mặt đổi mới sau năm 1986.
Ở bất cứ giai đoạn nào, văn học Quảng Ninh cũng có những thành tựu, những gương mặt, tiếng nói riêng giàu bản sắc. Vùng đất với truyền thống tốt đẹp, một nền văn học đa dạng, nhiều màu sắc đã tạo nên sức hút kỳ lạ đối với các văn nghệ sĩ tài năng từ mọi miền đất nước đến đây sáng tác, trau dồi bút lực, góp phần bồi đắp, làm giàu có thêm cho văn học Quảng Ninh. Có thể kể đến các tác giả, tác phẩm nổi tiếng, như: Vi Huyền Đắc với tác phẩm “Kim tiền”; Võ Huy Tâm với “Vùng mỏ”; Trần Nhuận Minh với “Nhà thơ và hoa cỏ”; Sỹ Hồng với “Thành phố thời mở cửa”...
Qua những tác phẩm tiêu biểu, người đọc có thể cảm nhận được một cách đầy đủ về quá trình hình thành và phát triển rộng dài của nền văn học Quảng Ninh. Cùng với đó, hình ảnh các danh thắng của tỉnh cũng được miêu tả sinh động trong thơ văn như những tác phẩm về vịnh Hạ Long, về chiến địa Bạch Đằng hay Yên Tử. Người đọc sẽ như được trải mình trong cảnh và tình, cũng như hiểu hơn về vùng đất, con người Quảng Ninh qua những trang văn, áng thơ.
Cuốn sách "Văn học Quảng Ninh" là một công trình nghiên cứu công phu, toàn diện về lịch sử hình thành, vận động của văn học Quảng Ninh. Qua cuốn sách, có thể tin rằng, vùng đất mỏ vẫn mãi là nguồn cảm hứng thôi thúc các tác giả tiếp tục cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị trong tương lai, góp phần phát triển phong phú nền văn học Việt Nam.
LỆ THU