“Bức tranh” về Ngày Độc lập
Cuốn sách dựng lại thời điểm lịch sử ngắn gọn nhưng rất quan trọng trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thời điểm Bác Hồ viết bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Đây là cuốn sách mà tác giả Kiều Mai Sơn đã dày công thu thập, tìm hiểu, phân loại và đối chiếu các nguồn tài liệu để có thể có được những tư liệu chi tiết, cụ thể, xác tín về bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo và hoàn thiện.
 |
Bìa cuốn sách |
Đó là tư liệu của những người được sống, làm việc cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh viết lại hay kể lại trong các cuốn: Hồi ký Vũ Đình Hòe; Hồi ký Trần Huy Liệu; Hồi ký Võ Nguyên Giáp; Hồi ký Lê Thanh Nghị…
Là một cây viết trẻ nhưng đi sâu vào khai thác đề tài lịch sử, tác giả Kiều Mai Sơn đã chia sẻ về những khó khăn khi thực hiện tác phẩm. Anh cho biết: Khó khăn lớn nhất là hiện nay không còn bản gốc của Tuyên ngôn Độc lập. Vì vậy, khi tiếp cận với tư liệu, tôi phải tiến hành việc đối chiếu, so sánh tư liệu văn bản Tuyên ngôn Độc lập trên các tờ báo in ngay sau Quốc khánh 2-9-1945 với văn bản hiện hành được in trong “Hồ Chí Minh toàn tập”.
Với “Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập”, tác giả đã đặt văn bản Tuyên ngôn Độc lập vào trong tư duy nhất quán của Bác Hồ trong suốt quá trình đi tìm đường cứu nước. Đó là quá trình thống nhất và bền bỉ từ “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” (1919) gồm 8 điểm và “Bản án chế độ thực dân Pháp” (1925).
Tiến sĩ Tonnesson, nhà sử học Na Uy, khi nghiên cứu về lịch sử Cách mạng Tháng Tám 1945 của Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá: "Tuyên ngôn Độc lập ngày mùng 2-9-1945 của Việt Nam nằm trong nguồn cảm hứng chủ yếu của một đường lối đấu tranh lớn, ra đời sau Chiến tranh Thế giới thứ hai: Đó là quá trình giành độc lập dân tộc trên phạm vi toàn cầu”.
Cũng qua các tài liệu mà tác giả tìm được, chúng ta được biết, Bác Hồ đã tìm đọc nguyên bản Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ khi còn ở Chiến khu Việt Bắc. Sau khi soạn thảo, Người cho đọc và tham khảo ý kiến của các thành viên Chính phủ lâm thời là những trí thức uy tín trước khi hoàn thiện. Đó là minh chứng rõ ràng cho tác phong làm việc khoa học của Người, cũng như thái độ cầu thị, trọng thị tri thức của Người.
Qua hồi tưởng của Tổng Bí thư Trường Chinh và hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Khi bản Tuyên ngôn lịch sử được thảo xong, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho đọc để thông qua tập thể và đó là những giờ phút nhiều cảm xúc nhất của Người.
Tiếng nói đại diện cho toàn thể nhân dân Việt Nam
“Tuyên ngôn Độc lập” từ sản phẩm trí tuệ của một cá nhân đứng đầu Chính phủ đã trở thành tiếng nói đại diện cho toàn thể nhân dân Việt Nam tuyên bố với toàn thể thế giới về nền Độc lập bất khả xâm phạm của dân tộc Việt Nam.
Đọc “Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập”, bạn đọc ngày nay có thể hình dung được một bức tranh sống động và cụ thể về Ngày Độc lập 2-9 tại Quảng trường Ba Đình 76 năm về trước.
 |
"Tuyên ngôn độc lập" - Bản được lưu hành ở Hà Nội ngay sau ngày 2-9-1945. Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh cung cấp. |
Tuyên ngôn Độc lập sau khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trước quốc gia đồng bào đã được dịch ra tiếng Anh, Pháp… để công bố với toàn thế giới về việc khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á…
Chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử về một một câu chuyện mà tác giả cảm thấy thú vị trong quá trình thực hiện cuốn sách, tác giả Kiều Mai Sơn cho rằng: Đó là hợp tác Việt – Mỹ đã có ngay từ khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn chưa ra đời. Ở Chiến khu Việt Bắc, những người Mỹ nhảy dù xuống Tân Trào huấn luyện quân sự cho cán bộ Việt Minh. Lãnh tụ Hồ Chí Minh khi đó, đã đề nghị với người Mỹ tìm cho mình văn bản Tuyên ngôn Độc lập 1776 của nước Mỹ. Vì thế, Bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam mở đầu là dẫn lại Tuyên ngôn Độc lập 1776 của nước Mỹ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Để thực hiện cuốn sách này, tác giả phải mất rất nhiều thời gian nghiên cứu, sưu tập tài liệu. Tác giả Kiều Mai Sơn cho biết: Cuốn sách ra đời cũng khá tình cờ. Sau khi Nhà xuất bản Kim Đồng cho ra mắt sách “Suốt đời học Bác” (2020), Nhà xuất bản có gợi ý để tôi thực hiện một bản thảo tương tự về đề tài Cách mạng Tháng Tám 1945. Dựa trên những tư liệu đã có, tôi tổ chức bản thảo ban đầu có tên gọi “Ngày Độc lập”. Sau đó, Nhà xuất bản Kim Đồng đề nghị tập trung vào bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
“Tôi nghĩ rằng, nhiều năm nay, chúng ta đã quá quen thuộc với nội dung của bản Tuyên ngôn Độc lập, song hành trình ra đời của Tuyên ngôn Độc lập ra sao thì chưa có tác giả nào viết cụ thể và chi tiết. Nội dung cuốn sách “Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập” đã phản ánh hành trình đó”, nhà báo Kiều Mai Sơn cho biết.
Trong cuốn sách, tác giả đã trích lại những chi tiết trong cuốn hồi ký của ông Vũ Kỳ, thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đêm ấy, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đang ngồi giữa lòng Hà Nội soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập, mở đầu một kỷ nguyên mới cho dân tộc: Kỷ nguyên Độc lập, Tự do. Thật là kỳ diệu. Cách mạng là một sự kỳ diệu. Và chính Người, từ Nguyễn Ái Quốc đến Hồ Chí Minh, đã cùng với toàn dân làm nên điều kỳ diệu đó”.
Giáo sư sử học Furuta Motoo, Trường Đại học Tokyo, Nhật Bản đánh giá: “Theo tôi, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tư tưởng của Người mang tính thời đại rất lớn, chứ không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với riêng dân tộc Việt Nam”.
“Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập” là cuốn sách ý nghĩa góp phần tìm hiểu văn bản chính luận Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh nói riêng và giúp người đọc hiểu sâu sắc thêm về một thời điểm lịch sử trọng đại của dân tộc Việt Nam và thế giới nói chung.
KHÁNH HUYỀN