Tuy nhiên, cuộc thi mới chỉ dừng lại ở các sáng tác văn học, trong khi những người trẻ hiện nay có thể làm được nhiều việc trong lĩnh vực văn chương, nên chăng có thể mở rộng thêm hạng mục cuộc thi?

Những ai quan tâm đến Cuộc thi "Văn học tuổi 20" sẽ còn nhớ đến những tác giả, tác phẩm đoạt giải, như: Nguyên Hương (giải nhất lần I với tập truyện ngắn "Quà muộn", năm 1995), Nguyễn Ngọc Tư (giải nhất lần II với tập truyện ngắn "Ngọn đèn không tắt", năm 2000), Trần Thị Hồng Hạnh (giải nhất lần III với truyện dài "Bài học đầu tiên", năm 2004), Trương Anh Quốc (giải nhất lần IV với tiểu thuyết "Biển", năm 2010), Nhật Phi (giải nhất lần V với tiểu thuyết "Người ngủ thuê", năm 2014), Mai Thảo Yên (giải nhì lần VI với truyện dài "Người lạ", năm 2018)... Ngoài ra, từ Cuộc thi "Văn học tuổi 20", gần 30 năm qua, những cái tên khác từng tham gia và được giải, như: Phong Điệp, Nguyễn Ngọc Thuần, Mai Anh Tuấn, Phan Việt, Dương Thụy, Võ Diệu Thanh, Nguyễn Thiên Ngân, Đinh Phương, Hiền Trang, Phạm Thu Hà, Phạm Bá Diệp... đang tiếp tục là những gương mặt tạo được dấu ấn trong đời sống văn học đương đại. Từ cuộc thi này, theo dõi những cây bút tham gia và gặt hái giải thưởng, chúng ta nhận ra chất lượng thực sự cũng như uy tín của Cuộc thi "Văn học tuổi 20".

 Ban tổ chức trao giải "Văn học tuổi 20" lần VI, năm 2018 cho các tác giả giành giải nhì (không có giải nhất). Ảnh do Nhà xuất bản Trẻ cung cấp 

Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào những thành tựu ở mảng sáng tác, độc giả sẽ nhận ra những điểm còn hạn chế, ít nhất là trong việc phát hiện những cây bút trẻ ở lĩnh vực dịch thuật và lý luận phê bình. Thế hệ trẻ bước ra từ Cuộc thi "Văn học tuổi 20", như: Nhật Phi, Phạm Thu Hà, Hiền Trang... đang cho thấy, họ có năng lực không chỉ ở lĩnh vực viết mà cả ở lĩnh vực đọc, quan sát, đánh giá đời sống văn học đương thời (cả trong và ngoài nước). Ở đây, cần phải nêu thêm những cái tên, có thể không tham gia Cuộc thi "Văn học tuổi 20", nhưng họ đang sống, viết bằng nguồn tri thức, tinh thần của tuổi 20. Đó là Nguyễn Thị Thúy Hạnh, Ngô Viết Hoàn, Lê Quốc Hiếu, Đặng Thái Hà, Phạm Minh Quân, Thanh Nguyệt, Kiều Chinh, Đức Anh, Nguyễn Đình Minh Khuê, Hà Trang, Huế Trần... Điểm chung nhất của những tác giả trẻ ở trên là có thể đọc và dịch các tác phẩm văn học, nghiên cứu, lý thuyết văn học nước ngoài một cách chủ động. Điều đó cho thấy, họ đang chuyển động cùng nhịp điệu, đồng đại với văn chương nghệ thuật thế giới. Vấn đề ở đây là Cuộc thi "Văn học tuổi 20" mới dừng lại ở địa hạt sáng tác, thành ra, những cây bút nghiên cứu, phê bình, dịch thuật trẻ tuổi vẫn chưa được ghi nhận một cách thỏa đáng như là một tác giả thực sự khi tham dự vào đời sống học thuật nước nhà.

Để chuẩn bị cho một mùa "Văn học tuổi 20" tiếp theo, thiết nghĩ, cần có những động thái mở rộng quy mô và thể loại, nhằm thu hút, cổ vũ, phát hiện những tên tuổi mới, trẻ, đang hoạt động sung sức trong đời sống văn học đương đại Việt Nam.

PHONG CA