Mỗi tấm ảnh được để trong một ô cửa sổ. Cánh cửa sổ kéo che ảnh đi thì lại hiện ra những dòng ký ức. Đây là ký ức của người thân, của những người từng biết đến liệt sĩ lúc sinh thời. Những tấm ảnh liệt sĩ, không u buồn, chất chứa nỗi niềm, mà tất cả dường như đang sống lại.
Bà Nguyễn Thị Bích, 72 tuổi, là vợ liệt sĩ Trần Ngọc Dem. Ông Dem là người Campuchia. Năm 13 tuổi, ông được tập kết ra miền Bắc học tập theo diện học sinh miền Nam. Học hết lớp 9, ông Dem nhập ngũ. Năm 1970, ông bà cưới nhau và có một người con. Sau đó, ông nhận lệnh sang chiến đấu tại Campuchia, lúc đó người con mới 2 tháng tuổi. Đến năm 1982, gia đình bà Bích mới nhận được giấy báo tử. Từ đó đến nay bà ở vậy nuôi con. Cuộc sống tuy còn nhiều vất vả song tâm hồn bà thảnh thơi, tự hào với chồng, con và bà con xóm giềng.
 |
Ông Phạm Văn Thắng, 59 tuổi, lặng người ngắm ảnh ông chụp cùng cha là liệt sĩ. |
Tất cả những điều trên đây là những gì tôi đọc được ở dòng trạng thái cảm xúc bên cạnh bức ảnh. Có thể nói, với cách làm này, Ban tổ chức triển lãm đã làm cho những bức ảnh trở nên sinh động. Những “cửa sổ” chứa ảnh ẩn chứa câu chuyện có tác dụng như một gợi ý tương tác để người xem có quyền lựa chọn tương tác hoặc không. Được biết rằng, để gom góp những câu chuyện, trạng thái cảm xúc này, một nhóm sinh viên của Khoa Di sản văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã dành trọn một tháng hè, đã đến từng gia đình liệt sĩ ở làng Lai Xá, nghe người thân liệt sĩ kể chuyện.
Làng Lai Xá có 74 liệt sĩ, nhưng triển lãm chỉ giới thiệu được 20 liệt sĩ. Con số này đưa đến gợi ý triển lãm có thể được tổ chức nhiều lần nữa để giới thiệu đủ hơn những liệt sĩ. Ông Đinh Mạnh Cường, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Kim Chung, cho biết: “Tôi tin rằng tư liệu người dân lưu giữ còn rất nhiều, song do nhiều lý do người ta chưa đưa ra hết. Thành công của triển lãm lần đầu tiên này sẽ là cơ sở cho những lần tổ chức sau”.
Triển lãm được bố cục làm 3 phần: Ký ức sâu đậm; Day dứt nhớ thương và Ký ức mong manh. Phần “Ký ức mong manh” mắc vào lòng người xem như một lưỡi câu khó gỡ. PGS, TS Nguyễn Văn Huy, cố vấn của triển lãm, kể: “Liệt sĩ của làng nhiều người hy sinh còn rất trẻ, tuổi đời mới mười chín đôi mươi. Ký ức về họ có lẽ đậm sâu nhất chính là của những bậc cha mẹ, người nuôi dưỡng họ. Vậy nhưng chính những bậc sinh thành này giờ đây cũng mong manh như ngọn đèn trước gió. Và khi ngọn đèn tắt, bao nhiêu ký ức về liệt sĩ sẽ theo họ đi mãi”.
Gia đình cụ Phan Thị Bé có 5 người con trai, 4 người nhập ngũ. Người con trai cả là Lê Văn Phiến, được mẹ thương nhất. Có lẽ bởi vì anh phải đi ở đợ suốt thời niên thiếu. Năm 1964, anh Phiến nhập ngũ, chiến đấu và hy sinh tại Buôn Ma Thuột ngay trong tháng 3-1975, lúc đó anh là trung úy, chính trị viên đại đội. Biết tin con hy sinh, cụ Bé đau đớn khóc cạn nước mắt. Suốt nhiều năm, cụ giục giã các con đi tìm mộ anh. Ông Bang (là con thứ) kể: “Sau chiến tranh, đi lại rất khó khăn. Bản thân tôi cũng bị thương gãy một chân tại chiến trường Quảng Trị năm 1972 nhưng mẹ giục quá cũng phải khăn gói đi tìm mộ anh. Đến khi tìm được mộ rồi, cụ vẫn chưa yên lòng, bắt phải đưa anh tôi về quê. Thời đó làm việc này rất khó. Thế nhưng không làm thì mẹ lại đau khổ quá mà sinh ra ốm đau, bệnh tật. Cuối cùng, bằng mọi giá gia đình đưa được anh tôi về quê. Lúc đó, bỗng mẹ khỏe lại, sống thêm được 13 năm nữa rồi qua đời ở tuổi 93”.
Những bà mẹ thương con đến đau khổ mỏi mòn, ốm yếu không phải hiếm gặp ở làng quê này. Tình thương ấy càng nhân lên gấp bội khi nhìn lại những kỷ vật. Có người ngỡ rằng không có kỷ vật thì sẽ không nhớ đến nữa. Họ đâu biết rằng, những ký ức mong manh ấy, dù mờ nhưng sẽ chẳng bao giờ có thể đứt đoạn. Khai thác ký ức là một phương pháp “khơi nguồn cảm xúc” để làm sống những hình ảnh cũ. Đây cũng là điều tạo nên sự khác biệt của triển lãm rất ấn tượng này.
Bài và ảnh: NGUYÊN PHONG