Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trò chuyện với Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Trần Văn Hải, Giám đốc Học viện Múa Việt Nam.
Phóng viên (PV): Học viện Múa Việt Nam sẽ có những thay đổi như thế nào để xứng đáng với vị thế mới, thưa ông?
NSƯT Trần Văn Hải: Năm 2019 đánh dấu mốc quan trọng của đội ngũ lãnh đạo, giảng viên, diễn viên và học sinh Học viện Múa Việt Nam khi đón nhận nhiệm vụ mới của Chính phủ giao cho, đồng thời kỷ niệm 60 năm thành lập (25-10-1959 / 25-10-2019). Học viện Múa Việt Nam có chức năng tổ chức, quản lý đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực từ trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học và sau đại học có chất lượng cao trong lĩnh vực nghệ thuật múa, đáp ứng nhu cầu của xã hội và hội nhập quốc tế; đào tạo học sinh, sinh viên tài năng tham dự các cuộc thi quốc gia, quốc tế; nhận nhiệm vụ đặt hàng của các ngành; là trung tâm nghiên cứu nghệ thuật múa hoạt động trong và ngoài nước; sưu tầm, nghiên cứu múa dân gian dân tộc Việt Nam và nghệ thuật múa nước ngoài; xây dựng hệ thống chương trình, giáo dục chính quy, chuẩn để áp dụng cho đào tạo múa thống nhất trên toàn quốc; thành lập nhà hát thực hành biểu diễn…
 |
NSƯT Trần Văn Hải. |
PV: Quá trình triển khai kế hoạch hoạt động, điều khó khăn của học viện là gì, thưa ông?
NSƯT Trần Văn Hải: Được xác định là loại hình nghệ thuật đặc thù, những năm qua, nghệ thuật múa đã được quan tâm đầu tư trong nhiều đề án chung về đào tạo nguồn nhân lực nghệ thuật cũng như biểu diễn. Tuy nhiên, với đội ngũ giảng viên vẫn cần được quan tâm hơn nữa. Nếu có các chính sách phù hợp về mức lương, thù lao đào tạo nhằm nâng cao đời sống cho giảng viên, biên đạo thì chắc chắn họ sẽ chuyên tâm, dành đam mê, tâm huyết cho công tác giảng dạy, bồi dưỡng được nhiều tài năng cho nghệ thuật múa. Mới đây, Chính phủ có đề án đầu tư đào tạo ngành nghề khó tuyển sinh với 300 chỉ tiêu theo đơn đặt hàng, như: Xiếc, múa, nghệ thuật truyền thống… trong đó có chỉ tiêu đào tạo diễn viên múa và giáo viên giảng dạy. Đây là nguồn động viên khích lệ học viện có thêm nguồn kinh phí để bảo đảm công tác đào tạo.
PV: Thưa ông, học viện có những bước đổi mới nào trong công tác tuyển sinh ngay trong năm đầu tiên trên vai trò mới?
NSƯT Trần Văn Hải: Trong công tác tuyển sinh quốc gia năm nay, học viện triển khai phương pháp tuyển sinh mới khi kết hợp với các tỉnh, thành phố làm công tác sơ tuyển. Tháng 7 vừa qua, học viện đặt hàng với các sở văn hóa, thể thao và du lịch, trung tâm văn hóa-thông tin các tỉnh từ Thanh Hóa tới Quảng Trị sơ tuyển, sau đó tổ chức chung tuyển tại Nghệ An đã chọn được một số học sinh có chất lượng. Từ ngày 1 đến 3-8 chung tuyển phía Bắc, tổ chức tại Hà Nội, số lượng thí sinh tham gia ứng tuyển lớp diễn viên múa chất lượng cao 3 hệ: 5 năm, 6 năm và 2-3 năm khá đông (gần 400 thí sinh).
 |
Tác phẩm “Cuội già” của biên đạo Nguyễn Hải Trường (Học viện Múa Việt Nam) giành huy chương vàng Cuộc thi Tài năng trẻ biên đạo múa 2019. Ảnh: CHÂU XUYÊN. |
Năm nay, học viện tiếp tục xây dựng đề án đào tạo tài năng nghệ thuật đặc thù, trong đó có múa, được Chính phủ phê duyệt (giai đoạn 2017-2030). Công tác đào tạo lớp tài năng này rất thuận lợi, nâng cao chất lượng trên cơ sở chọn ra các tài năng xuất sắc sau một năm học (hệ 5 hoặc 6 năm). Hiện học viện đang có một lớp (10 học viên) và chuẩn bị chọn lớp thứ hai. Học viên lớp tài năng chất lượng cao này được miễn hoàn toàn học phí, sử dụng miễn phí cơ sở hạ tầng, thiết bị học tập, có học bổng hằng năm, được tham gia các cuộc thi tài năng trong nước và quốc tế, được hưởng hệ thống đào tạo bởi các thầy tốt nhất, có chế độ học tập với chuyên gia, cuối khóa học dự tính được đi thực tập biểu diễn tại nước ngoài.
PV: Học viện có những định hướng gì để có thể hội nhập, tạo sự lan tỏa của nghệ thuật múa Việt Nam với bạn bè quốc tế, thưa ông?
NSƯT Trần Văn Hải: Tôi rất vui và tự hào khi thời gian qua, nhiều giảng viên, biên đạo, diễn viên múa trưởng thành từ mái trường này đã tỏa sáng và tạo dựng vị trí nghề nghiệp của mình cả trong nước và quốc tế. Nhiều nghệ sĩ đã sống được bằng nghề và khẳng định tài năng bằng nghề, họ tham gia ở các thành phần biên đạo, diễn viên, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật cho các chương trình nghệ thuật lớn, nhỏ khắp đất nước. Học viện cũng đã “xuất khẩu” được không ít tài năng biên đạo tới các quốc gia châu Âu, họ trở thành những nhà quản lý của các nhà hát nghệ thuật lớn (như Huy Trần, Giám đốc nghệ thuật của Nhà hát Pfalztheater Kaiserslautern, Đức; Vũ Ngọc Khải làm việc tại Nhà hát Konzert Theater Bern, Thụy Sĩ...) và các tài năng này thường xuyên trở về quê hương để tham gia giảng dạy, tập huấn, biểu diễn...
Khi nâng cấp lên học viện, cũng có nghĩa công tác trao đổi, hợp tác với quốc tế sẽ phải chuyên nghiệp hơn. Trong giai đoạn 2020-2025, học viện sẽ triển khai kế hoạch điều chỉnh, nâng cấp cơ sở hạ tầng; điều chỉnh, nâng cao chất lượng giảng dạy, trình độ chuyên môn, biểu diễn. Trong tương lai sẽ có phân viện múa tại Huế và TP Hồ Chí Minh. Đây là những cơ sở để học viện thu hút sự quan tâm, hợp tác của quốc tế. Ngoài ra, học viện cũng thường xuyên duy trì các mối quan hệ, hợp tác với các quốc gia có nghệ thuật múa phát triển, như: Pháp, Đức, Bỉ, Trung Quốc, Ấn Độ… để mời các chuyên gia tới tư vấn, giảng dạy và trao đổi dự án nghệ thuật; tạo điều kiện cho giảng viên, biên đạo, diễn viên, học viên có cơ hội tham gia các festival, khóa đào tạo, thi tài năng quốc tế. Tương lai, học viện thu hút cả học viên trong khu vực và quốc tế đến học tập.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
VƯƠNG HÀ (thực hiện)