QĐND - Sau khi trở thành nữ VĐV cầu lông đầu tiên Việt Nam giành huy chương ở SEA Games, Vũ Thị Trang một lần nữa được nhắc tới khi lọt tới vòng 3 Giải cầu lông vô địch thế giới 2014.

Sau tay vợt Nguyễn Tiến Minh, đến lượt Vũ Thị Trang cũng gặp may. Đối thủ của Tiến Minh ở vòng 2 Giải vô địch cầu lông thế giới (diễn ra tại Đan Mạch) là A-bi-an đã bỏ cuộc, giúp Tiến Minh lọt vào vòng 3 mà không phải đổ mồ hôi. Trong khi đó, với Vũ Thị Trang (105 thế giới), tuyển thủ này đã gặp may bởi theo lịch thi đấu ở vòng 2, Trang gặp hạt giống số 15 của giải Hi-rô-xê (hạng 17 thế giới). Tuy nhiên, tay vợt người Nhật Bản đã bất ngờ bỏ cuộc vì bị chấn thương trong những buổi tập trước giải đấu.

Tỏa sáng từ năm 18 tuổi, Vũ Thị Trang trở thành tay vợt nữ số 1 Việt Nam khi tuyển thủ này giành HCĐ Ô-lim-pích trẻ 2010, rồi gần nhất là HCĐ lịch sử tại SEA Games 27. Vũ Thị Trang đã từng bước khẳng định được chỗ đứng của mình trong làng cầu lông khu vực bằng lối chơi kỹ thuật, thi đấu hết mình.

Vũ Thị Trang đang có phong độ tốt. Ảnh: Lekima Hung.

Gia đình Trang không dư dả về kinh tế để có thể chi phí tiền cho con gái du đấu, cọ xát nâng cao trình độ như cách mà tay vợt nam số 1 Việt Nam Nguyễn Tiến Minh nhận được từ gia đình. Tuy nhiên, với tài năng trời phú, cộng với sự khổ luyện, yêu nghề, tận dụng những chuyến tập huấn, thi đấu bằng kinh phí hạn hẹp của địa phương và bộ môn cầu lông (Tổng cục TDTT) đã giúp Trang tiến bộ trông thấy. Tay vợt Nguyễn Tiến Minh khi đánh giải quốc tế luôn gặp khó khăn khi không có người tập cùng. Nhiều khi, Tiến Minh phải nhờ bảo vệ nhà thi đấu tập cùng. Với Vũ Thị Trang cũng vậy, không có đồng đội tập cùng thì Trang nhanh trí nhờ tập ké với tay vợt khác. Có những giải đấu quốc tế, bị loại ngay từ vòng đầu đã khiến Trang rất khổ tâm, vì trong sâu thẳm, Trang mong muốn tiến thật sâu để có cơ hội đối mặt với những tay vợt đẳng cấp hơn. “Chính những trận đấu với đối thủ ở trình độ cao hơn sẽ giúp tôi nhanh chóng nhìn ra điểm yếu của mình”, Trang tâm sự cùng chúng tôi trước khi lên đường dự tranh Giải cầu lông vô địch thế giới 2014 đang diễn ra ở Đan Mạch. 

Tay vợt người Bắc Giang này còn chia sẻ: “Mong muốn của tôi là được sang châu Âu tham gia thi đấu nhiều giải hơn. Độ khốc liệt các giải mời châu Âu không thể bằng giải châu Á, nhưng tiền thưởng hay bài học rút ra từ đó rất hữu ích với tôi cũng như các tay vợt Việt Nam. Một chuyến đi như thế tiêu tốn từ 1.200USD trở lên. Nếu dự giải Super Series chỉ cần thắng một trận đã được 2000USD. Còn dự giải Challenge phải vào tứ kết mới được thưởng. Các giải mở rộng phải thắng hai trận mới được nhận thưởng”.

Trở lại Giải cầu lông vô địch thế giới 2014 đang diễn ra ở Đan Mạch, tay vợt nữ số 1 Việt Nam Vũ Thị Trang đã có một giải đấu để đời. Ở vòng 1, Trang đã chơi tuyệt hay, đánh bại tay vợt người Bra-xin Lô-hai-ni (hạng 62 thế giới) với tỷ số 2-0 (21-9, 21-12). Ngay sau khi có kết quả bốc thăm, giới chuyên môn đã lo cho Trang khi tuyển thủ Việt Nam phải đối mặt với một đối thủ mạnh đến từ Bra-xin. Tuy nhiên, bằng phong độ tuyệt vời, Vũ Thị Trang đã thắng trận trong sự "tâm phục khẩu phục" của Lô-hai-ni.

Đến vòng 2, đối thủ của Trang là Hi-rô-xê bị chấn thương, xin bỏ cuộc giúp tay vợt nữ Việt Nam đi tiếp. Vào vòng 3, tương đương với tốp 16 thế giới, Trang đã chắc chắn có được 4.800 điểm thưởng, để từ vị trí 105 thế giới (xếp hạng vào ngày 21-8) nhảy vọt vào tốp 80, thậm chí 70 thế giới ở lần xếp hạng tới. Cái thiếu của Trang so với Tiến Minh là sự đầu tư mạnh mẽ về tài chính của liên đoàn cầu lông địa phương và của nhà tài trợ. Tiến Minh được ngành thể thao TP Hồ Chí Minh hỗ trợ đắc lực và hằng tháng, tay vợt này nhận được tiền tài trợ không nhỏ từ Becamex Bình Dương và một số mạnh thường quân khác. Nếu có nhà tài trợ hỗ trợ đắc lực, được thi đấu nhiều giải quốc tế, chắc chắn Vũ Thị Trang sẽ thăng tiến mạnh hơn trên bảng xếp hạng thế giới.

PHAN LÊ