Với mỗi người Việt Nam, nhất là với những bà mẹ, ít ai không biết tới những câu hát trong bài “Đất nước lời ru” của nhạc sĩ Văn Thành Nho: “Ru con mẹ ru con tiếng ru cả cuộc đời/ Ru con lời ru cất lên từ ngàn đời/ Mẹ Âu Cơ từ xa xưa đi khai thiên lập địa/ Lạc Long Quân cùng bao con đi ra nơi biển cả/ Ðể đất nước mãi rực rỡ/ Một gấm vóc mãi rạng rỡ/ Qua bao gian lao Việt Nam ta/ Ôi bao yêu thương Việt Nam ta/ Ngàn lời ru trong bão giông/ Mà ngọt ngào sao câu dân ca”…
Việt Nam - đất nước của tình yêu, thơ ca, cũng là đất nước thấm đượm các bài ca dao và lời ru của mẹ sưởi ấm lòng ta, giúp ta lớn dần theo năm tháng.
Trong cuộc đời mỗi con người, có không ít lần được mẹ ru, giúp chúng ta trưởng thành theo chiều dài những câu ca dao. Có lời tự sự rất đáng suy ngẫm của một bạn trẻ rằng, nhiều bà mẹ trẻ giờ không biết ru con; giữa bộn bề cuộc sống đô thị, đôi khi muốn có một tiếng gà trưa, thèm được nghe lời ru.
Hiện nay, có một số hội phụ nữ ở đơn vị cơ sở đã thành lập “Câu lạc bộ hát ru, hát dân ca”, góp phần giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Đó là một mô hình hay, cần nhân rộng. Trong lời ru, người mẹ truyền cho con hơi ấm, cảm xúc yêu thương, đồng thời qua đó cũng giới thiệu các vẻ đẹp của quê hương đất nước, từ đó bồi đắp tình yêu xứ sở cho con.
Khởi đầu từ Hà Nội - đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến, bằng những lời ca dao: “Gió đưa cành trúc la đà/ Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương/ Mịt mù khói tỏa ngàn sương/ Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ”.
Cảnh vật của đất Thăng Long-Kẻ Chợ, hiện ra như một bức tranh thủy mặc với những nét chấm phá thật tinh tế: Làng làm giấy Yên Thái, sương khói bảng lảng nơi hồ Tây, chùa Trấn Vũ. Những thắng cảnh của Hà Nội làm say đắm lòng người.
Vấn vương với cảnh Thăng Long-Hà Nội, giờ theo lời ru của mẹ, ta ngược lên vùng đất Lạng Sơn: “Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa/ Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh/ Ai lên xứ Lạng cùng anh/ Bõ công bác mẹ sinh thành ra em/ Tay cầm bầu rượu, nắm nem/ Mải vui quên hết lời em dặn dò”.
Rộn ràng lễ hội Xuân Yên Tử. Ảnh: Duy Văn
Cảnh và người xứ Lạng thật quyến rũ, người xứ Lạng kể về cảnh vật quê mình thật tự hào, đến nỗi chàng trai trong bài ca dao trên quên những lời vợ dặn. Say cảnh nước non hữu tình của xứ Lạng, đến nao lòng của vẻ đẹp núi sông với Chùa Tam Thanh, nàng Tô Thị, phố Kỳ Lừa… chúng ta càng thêm mến yêu đất nước mình nhiều hơn.
Bên cạnh cái men say nước non hữu tình, chúng ta cũng ngậm ngùi cho một giai đoạn lịch sử chiến tranh Lê-Trịnh, Nguyễn-Mạc, thế nên lời ru cũng có phần tê tái: “Con cò lặn lội bờ sông/ Gánh gạo nuôi chồng, tiếng khóc nỉ non/ Người về những cái cùng con/ Để anh đi trảy nước non Cao Bằng”.
Thành nhà Mạc tại Cao Bằng xây nên bằng mồ hôi, nước mắt, bằng sự lầm than, cùng cực của quần chúng nhân dân. Thành nhà Mạc tại Cao Bằng như bài học lịch sử của thế hệ trước nhắn gửi thế hệ sau: Đền đài thành quách của các triều đại cũng lụi tàn theo năm tháng, chỉ có lời ca tiếng hát, ca dao của nhân dân là tồn tại mãi với thời gian.
Tạm xa lời ru buồn, chúng ta tìm về những lời ru tươi tắn: “À ..ơi, dù cho buôn Bắc, bán Đông/ Vẫn không quên được nhãn lồng Hưng Yên”…
Nhờ đất phù sa sông Hồng bồi đắp, nước sông Hồng, sông Luộc mát lành, người Hưng Yên cần mẫn chăm sóc đã khiến cho cây ra những chùm nhãn lồng mang hương vị riêng mà không có nhãn ở làng quê nào sánh được.
Chia tay xứ nhãn lồng, theo tiếng ru ngọt lành, chúng ta xuôi về miền Trung-khúc ruột thân yêu của đất mẹ Việt Nam tần tảo, lam lũ. Đến với xứ Nghệ với lời ca dao:“Đường vô xứ Nghệ quanh quanh/ Non xanh, nước biếc như tranh họa đồ”.
Miêu tả phong cảnh Nghệ An, ca dao có khát quát thành 14 chữ nhẹ nhàng, sâu lắng như tiếng nói yêu thương tự nhiên trong cuộc sống hàng ngày. Có nhà văn đã dí dỏm ví von: Thơ lục bát, lời ca dao như người Việt đang thở ra, hít vào, hít là câu lục, thở là câu bát!
Đến miền Trung mà chưa vào thăm Huế là một thiếu sót. Đã có nhiều người làm thơ về Huế, nhưng Bùi Giáng viết về mảnh đất này với hai câu thật nhẹ nhàng, ấn tượng: “Dạ thưa xứ Huế bây trừ/ Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương”.
Đọc thơ của thi sỹ họ Bùi viết về Huế mà cứ ngỡ như lời ca dao, những từ "dạ thưa", "bây trừ" mang đậm chất Huế, nghe thân thương vô cùng. Huế có Núi Ngự, sông Hương như cặp tình nhân, đôi vợ chồng chung thủy mãi ngàn năm mặc cho cảnh vật, thế sự xoay vần.
Huế đến rồi, lòng còn bâng khuâng nhớ đến xứ Quảng: “Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm/ Rượu Hồng Đào chưa ngấm đã say”.
Sự nồng nàn của người xứ Quảng khiến ta lại càng thương khúc ruột miền Trung với thiên tai khắc nghiệt "sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa". Có lẽ cái say của rượu Hồng Đào chỉ có một phần nhưng cái say của tình người xứ Quảng đến ba, bốn phần.
Lòng người miên man vào đến Bình Định với không khí hào hùng của đất thượng võ: “Ai vô Bình Định mà coi/ Con gái Bình Định múa roi, đi quyền”.
Đến miền Nam, chúng ta mơ mơ màng màng giữa cánh đồng cò bay thẳng cánh: “Đồng Tháp Mười cò bay thẳng cánh/ Nước Tháp Mười lóng lánh cá tôm”; hay: “Nhà Bè nước chảy chia hai/ Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về”.
Cảnh vật thiên nhiên trù phú của vùng đất Nam Bộ thật quyến rũ, lời ca dao như thôi thúc mỗi người con được thả mình trong những dòng sông, cánh đồng mênh mông của đất Nam bộ, trong miên man ký ức của Nam bộ trù phú ngày xưa và Nam bộ phát triển hôm nay, để thấy "Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi!" (Tố Hữu).
Đúng vậy, 63 tỉnh, thành phố của nước ta thật đẹp. Bài viết chỉ mang tính chất điểm qua ca dao bằng lời ru yêu thương. Như khúc nhạc lắng đọng hồn ta giữa bộn bề cuộc sống, càng nghe ta càng thấy cuộc đời cần lắm những lời ru đằm thắm, lắng sâu.
Nhiều khi ru con, người mẹ như ru mình, động viên an ủi mình vượt qua những khó khăn của cuộc sống đời thường để thêm yêu thương, hy vọng, nuôi con lớn khôn, trưởng thành. Con lớn lên từ dòng sữa của mẹ, bằng lời ru ngọt ngào theo năm tháng cuộc đời và từ đó, càng thêm trân trọng, mến yêu quê hương, Tổ quốc mình.
DƯƠNG VĂN ĐẠI