QĐND - Giang Văn Minh (1573 - 1638) tự Quốc Hoa, hiệu Văn Chung, sinh năm 1573, tại làng Mía, xã Mông Phụ, tổng Cam Giá, huyện Phúc Lộc (nay thuộc thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội), vùng đất nổi tiếng “một ấp sinh hai Vua" (Phùng Hưng, Ngô Quyền). Sau khi đỗ đầu kỳ thi Hội, cùng năm đó ông vào thi Đình, chính vua Lê Thần Tông ra đầu đề văn sách, hỏi việc trong thiên hạ và chính sách của triều đình. Giang Văn Minh lại là người đỗ Đình nguyên, Đệ nhất giáp đệ Tiến sĩ cập đệ Đệ tam danh (Thám hoa) khoa Mậu Thìn, năm Vĩnh Tộ thứ 10 (1628) khi ông vừa tròn 56 tuổi. Sau khi đỗ đạt, con đường hoạn lộ của ông khá hanh thông hiển đạt, lần lượt được thăng quan, bổ nhiệm vào các chức vụ như Binh khoa đô cấp sự trung (1630), Thái bộc tự khanh, Đốc thị (1631). Năm Đinh Sửu, niên hiệu Dương Hòa năm thứ 3 (1637), ông đang giữ chức Tự khanh, có lệnh của triều đình cử ông đảm nhiệm vai trò Chánh sứ sang triều Minh.

Đầu thế kỷ XVII, triều Minh ở phương Bắc lâm vào tình trạng suy vong cực độ, không thể tiến hành chiến tranh và can thiệp vào nội bộ Đại Việt. Tuy vậy, triều Minh đã tranh thủ tận dụng cơ hội thuận lợi để uy hiếp các triều đại nắm quyền khi đó ở Đại Việt. Những năm 20 của thế kỷ XVII, đang diễn ra cuộc nội chiến đẫm máu giữa hai họ Trịnh phía Bắc và họ Nguyễn phía Nam, kéo dài gần nửa thế kỷ (1627-1672). Đồng thời, khi đó triều Mạc sau 65 năm thống trị Thăng Long (1527-1592) đã bị triều Trịnh đánh thua bỏ chạy khỏi Kinh thành, còn lại dư đảng lẩn trốn lên hoạt động tại vùng Cao Bằng.

Triều Minh vẫn dung túng thế lực họ Mạc đang ẩn náu trên vùng đất giáp ranh biên giới Việt - Trung, thực hiện chính sách ngoại giao hai mặt, cả với Lê - Trịnh và Mạc, nhằm duy trì sự thù địch giữa hai thế lực Trịnh - Mạc, gây bất ổn cho quốc gia Đại Việt.

Đoàn sứ bộ của Giang Văn Minh đến Yên Kinh (nay là Bắc Kinh) vào khoảng những tháng cuối năm 1638. Khi vào triều kiến, vua Sùng Trinh nhà Minh đã tìm cách ngăn trở với nhiều lý do để làm chậm việc công nhận vai trò chính thống của triều Hậu Lê và chấm dứt quan hệ với triều Mạc. Những lý do vua nhà Minh đưa ra, cũng như đối với các đoàn sứ trước đó của triều Hậu Lê cử sang đều rất vô lý như: Do vua Lê “vừa mới lấy lại được nước, sợ lòng người chưa yên” và cứ lần khân khước từ bằng lời hẹn ước “Sau sẽ gia phong vương tước, cũng chưa muộn”.

Cũng ngay trong lần triều kiến này, phía triều Minh đã đưa ra vế đối mang tính hăm dọa sứ thần Đại Việt:

 “Đồng trụ chí kim đài dĩ lục”

Nghĩa là: Cột đồng đến nay rêu đã mọc rậm, với ý nhắc việc tên tướng Mã Viện đàn áp cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng ở những năm đầu Công nguyên. Sau đó, Mã Viện có cho chôn một chiếc cột đồng với lời nguyền “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” (Cột đồng gãy thì Giao Chỉ (Đại Việt) bị diệt vong). Trước thái độ ngạo mạn, khinh thường của vua quan triều Minh, Chánh sứ Giang Văn Minh ung dung, từ tốn, ứng tác ngay vế đối như sau:

 “Đằng giang tự cổ huyết do hồng”

 Nghĩa là: Sông Đằng thuở trước máu còn loang hồng.

Quả thật, vế đối linh hoạt, kịp thời của Chánh sứ Đại Việt, đã làm mất mặt cả vua quan "Thiên triều" trước đông đảo các sứ thần nhiều nước lân bang đang triều kiến. Trước hết, đây là vế đối rất chỉnh và chuẩn về niêm luật bằng trắc, hoàn toàn phù hợp cả về nội dung, ý nghĩa. Quan trọng hơn, vế đối đã nhắc lại và cảnh cáo triều đình phương Bắc về ba lần thảm bại trên sông Bạch Đằng. Những chiến công đó gồm: Năm 938 vua Ngô Quyền  đánh bại quân Nam Hán; năm 981, vua Lê Đại Hành đánh tan tác quân Tống; năm 1288, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn lãnh đạo quân dân triều Trần đánh tan lần xâm lược thứ ba của giặc Mông Nguyên, tất cả đều diễn ra với chứng nhân là dòng sông Bạch Đằng lịch sử.

Tương truyền, khi nghe xong vế đối, vua Minh Sùng Trinh nổi giận, liền cho người trả thù hèn hạ, bằng cách trám đường vào cả miệng và mắt ông, rồi mổ bụng xem “bọn sứ thần An Nam to gan lớn mật đến đâu”. Sau đó, vua quan triều Minh vẫn phải tỏ lòng kính trọng trước khí phách hiên ngang lẫm liệt, khâm phục tài ứng đối nhanh trí, kiến thức uyên thâm của Chánh sứ Đại Việt, đã cho ướp xác ông và chuyển thi hài về nước. Vua Lê Thần Tông và chúa Trịnh Tráng tự mình ra bái lạy trước linh cữu Giang Văn Minh khi đưa về Kinh thành Thăng Long.

Vua Thần Tông đã cho cử hành lễ quốc tang, viết bài văn tế xót thương và ca ngợi tấm lòng cao cả vì nước quên thân của Giang Văn Minh, trong đó có đoạn (dịch nghĩa):

Sống mà như ông,

Xứng là hiển vinh.

Chết mà như ông,

Chết cũng tựa sống…

Đồng thời, truy phong ông chức Công bộ Tả thị lang, tước Vinh Quận công, ban tặng ông là “Sứ bất nhục quân mệnh, khả vi thiên cổ anh hùng” nghĩa là: “Vị sứ thần không làm nhục mệnh vua, xứng đáng là anh hùng thiên cổ”.

Hiện tại, nhà thờ ông ở Mông Phụ đã được xếp hạng Di tích lịch sử-văn hóa cấp Quốc gia, thường xuyên có khách tham quan đến chiêm bái và ngưỡng vọng.

TS NGUYỄN HỮU TÂM