QĐND - hững ngày đầu đông, theo chân những người bạn đi tiền trạm cho chuyến đi tình nguyện của CLB Vì cộng đồng Hà Nội, tôi đặt chân đến thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La vào lúc 3 giờ sáng. Tuyến-một thầy giáo của Trường THCS Chiềng Nơi 2 trực tiếp dẫn đường. Để những người khách Hà Nội không bị lạc, anh bỏ cả việc nhà, đi đón chúng tôi. Tuyến nói đường đến trường sẽ đi qua nhà anh, và anh rất mong chúng tôi ghé thăm. Người Thái rất hiếu khách. Họ muốn đón tiếp chúng tôi như những người bạn, mà tới đây sẽ làm một việc có ý nghĩa cho một ngôi trường ở tận nơi xa thẳm núi rừng.

Gia đình Tuyến đang chuẩn bị bữa trưa, với những món ăn từ cá. Đối với người Thái, cá là một loại thức ăn bổ dưỡng và đòi hỏi những cách chế biến dân dã nhưng không thiếu cầu kỳ. Nếu bạn đến nhà một người Thái, họ mời bạn những món ăn chế biến từ cá, có nghĩa bạn là khách quý và được họ coi như người trong nhà.

Món cá phổ biến nhất khi người Thái đãi khách là Pa pỉng tộp (tiếng Thái nghĩa là mở ra, gấp lại). Về hình thức, chỉ là một món cá nướng. Tuy nhiên, quá trình chế biến khá cầu kỳ. Cá cho món này phải là cá chép to, loại cá không bị lai tạp, đã đời đời kiếp kiếp sinh ra, lớn lên, rồi lại sinh ra những thế hệ khác ở suối, ao xứ sở này. Cá chép còn tươi nguyên, sơ chế rồi ướp với gia vị gồm hành, tỏi, thì là, răm, ớt, tiêu, muối, mắm. Những gia vị này được trộn đều, nhét vào bụng cá. Sau đó cá được kẹp chặt bởi vỉ, rồi nướng trên than củi hồng rực.

Một món ăn độc đáo khác, về cách thức không khác xa món gỏi cá. Nguyên liệu là cá chép nhỏ bằng một ngón tay, ngâm nước, rửa sạch. Cá được thưởng thức khi chúng vẫn còn sống nguyên. Người Thái gọi món này là cá nhảy. Món cá nhảy quan trọng nhất là gia vị kèm theo nó. Nước dùng phải là nước măng chua, loại măng được ngâm nhiều năm, và cứ 10 lít nước thì được cô lại còn 3, nước này được chế với hoa chuối rừng, mắm muối, ớt, tiêu, tỏi. Vị chua cay là chủ đạo. Trong bữa ăn, người ta bắt cá thả vào nồi nước đã chế biến trên, người dùng ăn kèm cá với hoa chuối rừng và nước măng chua cay. Cá ở trong miệng vẫn có thể giãy giụa. Cảm giác phiêu lưu của món cá này đem lại thật khó tả.

Không quen với món cá nhảy lạ lùng và có phần… hoang dại này, chúng tôi tìm cách từ chối. Cứ nghĩ là sẽ bị ép uổng, giống như những lần đến các bản vùng cao khác, không ngờ chủ nhà rất vui vẻ thông cảm. Bữa cơm rất đông người, sau mới biết họ là những người làm công cho bác chủ nhà. Đang mùa cà phê. Cà phê trên những ngọn đồi dọc lối đi đã chín đỏ. Trong các bản người Thái, nhà nào cũng thuê dăm ba người hái cà phê. Những người này là những cặp vợ chồng. Họ được chủ nhà bố trí những chiếc giường được quây kín bằng những tấm ri đô hoa đỏ rực rỡ, chăn đệm ấm. Có câu “ăn Mèo ngủ Thái”, mới biết người Thái ngủ rất ấm và sạch.

Một con đường nhỏ như lối mòn trong rừng chạy phía sau nhà Tuyến. Tôi không biết rằng, đó chính là con đường 30 cây số đến ngôi trường trong rừng thẳm kia. Tuyến chỉ cho tôi chiếc xe mà anh sẽ chở tôi đi. Anh nói chiếc xe này mới chỉ được mua trong khoảng nửa năm, mà trông như thể nó đã có mặt trên đời cả thế kỷ rồi. Con đường đã khiến một chiếc xe mới  nhanh tàn tạ đến khó tả.

Lúc ấy, tôi không hề biết, không hề hình dung nổi mức độ nguy hiểm và khó khăn của chặng dài 30 cây số mình sắp đi qua. Con đường ngoằn ngoèo, khúc khuỷu, lúc rộng lúc hẹp, lên xuống trầm bổng như một khúc quân hành, nép một bên vào thân núi, bên kia trải xuống những vực sâu thăm thẳm, chỉ thấy cỏ cây và mây trời, hoa trạng nguyên, hoa chuối rừng như những chấm lửa đỏ giữa bát ngát rừng xanh. Hoa lá ngón cũng khoe sắc vàng rộm bên đường. Tuyến nói, mỗi năm cũng có dăm bảy vụ tự sát bằng lá ngón. Nạn nhân vẫn muôn thuở là phụ nữ. Tại sao họ lại tìm đến cái chết? Tuyến không trả lời. Tuyến chỉ cho tôi thấy một ngọn núi màu lam phía xa, anh nói, dưới chân núi ấy chính là nơi ta sẽ đến.

Chúng tôi dừng lại trên đỉnh một ngọn núi, Tuyến nói đỉnh núi này gọi là đỉnh Gió. Đơn giản vì ở đó gió không bao giờ ngừng thổi. Từ đỉnh Gió, tôi có thể phóng tầm mắt về phía những thung lũng chìm trong hơi sương buổi chiều, không chỉ trạng nguyên, hoa chuối rừng, hoa lá ngón, mà còn có cả những triền lau trắng mơ màng mời gọi. Một vài tiếng chim kêu từ vách núi bên kia vọng sang. Tôi còn chưa kịp hoàn hồn để thưởng thức những phút giây thanh bình hiếm thấy trên đỉnh núi cao vời vợi ấy thì Tuyến đã phóng xe đi với tốc độ quá nhanh, quá nguy hiểm. Tuyến nói anh không thể đi chậm hơn, vì nếu chậm hơn, xe không có đà để vượt dốc.

Đã từng trải qua những cung đường nguy hiểm như đường 4C Hà Giang nhưng lúc này tôi mới biết 4C là quá lý tưởng so với con đường này. Nhìn mặt đường có thể thấy vào những ngày mưa, giao thông mới thực sự là khổ ải.

Vậy mà sự sống vẫn nở như hoa trạng nguyên đỏ thắm núi rừng. Vượt qua một chặng dài gian nan, chúng tôi đã đến ngôi trường bé nhỏ Chiềng Nơi 2. Từ trường chính đến các điểm trường khác lại phải trải qua nhiều chặng đường dài và nguy hiểm như đã đi qua. Tuyến hỏi tôi có sợ không, có ngại không? Tôi không biết trả lời thế nào, nếu nói không thì không thật lòng.

Chúng tôi không gặp em học sinh nào tại các điểm trường, vì hôm ấy là thứ bảy, các em nội trú đã về với gia đình. Những mái lán đơn sơ, che tạm bởi những vách nứa xập xệ, gió thông thốc thổi, nồi niêu soong chảo nấu ăn nằm chỏng chơ trên nền đất, vài con gà nhỏ miệt mài bới tãi, hy vọng một vài hạt cơm rơi sót lại. Nhìn các vách ngăn gió lùa thông thốc, chăn màn mỏng manh, dát giường khấp khểnh, mà thương quá. Nào các em có lớn, có biết, có dạn dày cho cam. Tuyến nói học sinh nội trú, đứa lớn nhất chỉ khoảng 10 tuổi, đứa nhỏ nhất 7 tuổi. Chúng phải tự lo cho mình bữa ăn giấc ngủ, để theo đuổi con chữ, theo đuổi giấc mơ ra khỏi bản làng sâu hút để đến với ánh đèn thành phố.

Trời sập tối rất nhanh. Quãng đường về vẫn thế, lại còn khó khăn hơn vì trời tối. Những ngôi nhà cô đơn trên những sườn núi lấp lóa ánh đèn. Ngôi nhà của Tuyến đang bập bùng bếp lửa. Những người thợ hái cà phê đang quây quần sưởi ấm, nói cười vui vẻ. Vậy là sau chuyến tiền trạm này, một chuyến xe hàng với các nhu yếu phẩm như áo ấm, cá khô, gạo, bánh kẹo, mắm muối mà các nhà hảo tâm quyên góp sẽ được CLB Vì cộng đồng Hà Nội đưa đến với các em học sinh Chiềng Nơi 2.

Hôm sau, chúng tôi lên đường trở về Hát Lót rồi về xuôi. Trên chuyến xe đêm Sơn La-Hà Nội, tôi vẫn không tin mình đã đi một quãng đường đẹp và rất nguy hiểm đến thế. Hoa trạng nguyên đỏ thắm bên đường, hoa dã quỳ vàng rực, và câu chuyện về tục chọc sàn, về những đôi trai gái yêu nhau hát gọi nhau trong đêm dài Tây Bắc qua giọng kể đều đều của người phụ nữ Thái bên bếp lửa bập bùng vẫn lẩn khuất trong tôi.

Bút ký của PHẠM THANH THÚY