Ở miền Tây Bắc, người ta gọi loài cây họ thông, lá kim này với những cái tên đầy chất thơ như sa mộc, sà mu, sa múc.
Mỗi vùng lại quen gọi sa mu bằng những cái tên khác nhau để rồi loài cây ấy gắn bó sâu nặng với đời sống nông nghiệp của đồng bào vùng cao, tạo nên một dáng vẻ, một vẻ đẹp rất riêng, một nét vẽ đặc trưng của loài cây rừng nơi sơn thẳm.
Cây sa mu được trồng nhiều ở miền Tây Bắc. Dọc con đường đi vào các bản Mông, bản Dao trên núi cao, bên triền đá núi, ven suối và bìa rừng, sa mu mọc thành những hàng thẳng tít tắp.
 |
Những rừng cây sa mu thẳng tắp, bạt ngàn nơi miền Tây Bắc. |
Hình như sa mu biết được đặc điểm của đất đai và khí hậu nơi đây nên tự mình có được “đức tính” ưa khí hậu, ưa đất đai và ưa bàn tay người trồng cấy ở bất kỳ vùng nào để rồi mỗi khi đặt bầu xuống là cây bén rễ sinh sôi.
Vì thế, sa mu ở đâu cũng cho một màu xanh thẳm, độ cao, độ to của thân cây đều nhau chằn chặn vì khi trồng đồng loại, chẳng có cây nào là chậm lớn hay bị chột lại so với cả khu rừng.
Loài cây này thân mọc thẳng, ngọn nhọn hình chóp nón vươn thẳng lên trời cao. Lá sa mu tuy ngắn hơn lá thông nhưng cứng cáp đến lạ thường. Bề mặt lá màu xanh tươi, bóng loáng.
Điều kỳ diệu khiến cho sa mu đứng vững trên miền rừng Tây Bắc là sức sống mãnh liệt của nó.
Vào mùa đông giá lạnh, nhiều khi có sương muối, băng giá bao phủ khắp mọi nơi khiến cho nhiều loài cây rừng trút hết lá nhưng chỉ sa mu là không rụng lá vào mùa đông.
Cho dù rét đến cắt da cắt thịt, cả một cánh rừng sa mu vẫn xanh ngắt một màu lá, vẫn vươn lên để đâm trồi nảy lộc.
Mỗi khi nhìn ngắm sa mu trên những cánh rừng hay dọc con đường vào bản, ai cũng cảm nhận được vẻ đẹp hùng vĩ của loài cây này. Cả rừng sa mu, cây nào cũng thẳng tắp, thân cao sừng sững, ngời lên một sức sống khỏe khoắn.
Mỗi lần vào bản Mông hay bản Dao, ngắm những hàng sa mu nối tiếp nhau được người vùng cao trông ngay bên vệ đường ai ai cũng cảm nhận được vẻ đẹp thơ mộng và thanh bình nơi đây.
Mỗi buổi sớm, sương đêm bao phủ trên cành lá sa mu, dưới ánh nắng mặt trời, sa mu trở nên long lanh trong vẻ hoang hoải của núi rừng.
Cây sa mu gắn bó sâu nặng với cuộc sống và con người vùng cao. Ở đâu có mái nhà, có dấu chân, có nương rẫy của người Mông, người Dao, người Giáy thì ở đó có bóng dáng thấp thoáng của sa mu.
Loài cây này được người vùng cao trồng ở khắp mọi nơi để phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, chống xói mòn và cung cấp gỗ cho đồng bào. Sa mu có mặt hầu hết trong đời sống của người vùng cao.
Người dân dùng gỗ sa mu để làm nhà, làm vật liệu để dựng chuồng trại, lửa từ củi sa mu bập bùng bên bếp lửa đêm đêm, bọn trẻ trong bản mắc võng bên những cây sa mu để đu đưa vui đùa.
Sa mu biểu tượng cho sức sống của người vùng cao tự bao giờ. Rừng cây cũng như đời người, cây sa mu bền bỉ, xanh tốt, vươn thẳng lên trời xanh nơi những miền đất khắc nghiệt.
Cũng giống như người vùng cao sinh sống nơi quanh năm bồng bềnh mây trắng vẫn ngời lên ý chí, nghị lực đến phi thường, sống ngay thẳng, hòa mình vào thiên nhiên với tấm lòng trong sạch như dòng suối mát dưới chân những triền núi.
Chẳng thế mà, nhìn những hàng cây sa mu thẳng tắp, tôi luôn mường tượng đến cuộc sống và con người miền Tây Bắc luôn ấm áp, vui tươi, vượt bao nắng gió để vươn tới chân trời của ấm no hạnh phúc.
Sa mu đi vào thơ, vào nhạc và để lại ấn tượng đậm sâu trong lòng người. Có một nhà thơ từng viết: “Em là suối, là đá, là mây/Anh là nắng, là gió đầy vơi/Vượt gian lao, vượt vất vả nên dáng gầy của sa mu”.
Qua biết bao nắng gió, bao khắc nghiệt của tự nhiên, những rừng cây sa mu vẫn giữ được vẻ đẹp trầm mặc, hùng vĩ và thơ mộng.
Con người nơi miền Tây Bắc cũng vậy, dù có gian lao đến mấy, dù cuộc sống có gập ghềnh trên triền đá núi nhưng họ vẫn vững vàng đi lên phía trước.
NGUYỄN THẾ LƯỢNG