QĐND - Khi con người sống cơ hội, háo thành tích thì biết bao oan khuất đã xảy ra. Vấn đề đặt ra là người ta sẽ đối mặt ra sao với những sai lầm, những oan khuất đó để tìm lại sự công bằng, thanh lọc tâm hồn để sống nhân văn hơn? Đó là thông điệp mà vở diễn “Thời gian không im lặng” của Nhà hát Kịch nói Quân đội gửi tới khán giả. Đây là một trong những chương trình nghệ thuật được đầu tư công phu, kỹ lưỡng của Nhà hát Kịch nói Quân đội chào mừng kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Những khắc khoải từ quá khứ
Khai thác đề tài những góc khuất trong chiến tranh, “Thời gian không im lặng” là câu chuyện cảm động về tình yêu, tình đồng đội sắt son, thủy chung của những đội viên du kích từng chiến đấu ở một huyện vùng ven Sài Gòn trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tác phẩm sân khấu được cố tác giả, NSƯT Tạ Xuyên, nguyên Đoàn trưởng Đoàn Kịch nói Quân đội (nay là Nhà hát Kịch nói Quân đội) viết vào những năm 90 của thế kỷ trước, được đạo diễn, NSND Lê Hùng phục dựng với nhiều cách tân hiện đại, độc đáo trong cách thể hiện.
 |
Cảnh trong vở diễn “Thời gian không im lặng”.
|
Vở diễn được mở ra bằng tiếng đàn tâm tình của người nhạc công, tiếng đàn tha thiết, êm ái đưa khán giả về quá khứ, nơi diễn ra câu chuyện về tình yêu lãng mạn của Tâm và Thước, hai đội viên của Đội du kích huyện Lân Vũ. Bão tố nổi lên khi trong một lần trinh sát đồn địch, Tâm và Lẫm-người bạn gái thân thiết của cô trong đội du kích bị địch bắt. Trước những đòn tra tấn của địch, Lẫm khai những cứ liệu về bố phòng và cách thức hoạt động của đội du kích, khiến cho đội bị thất bại nặng nề. Lẫm được địch thả, nhưng cô nói dối là được chi bộ nhà tù bố trí cho vượt ngục. Trong chi bộ nhà tù có tin báo ra có kẻ phản bội trong số những người bị bắt. Trước những lời lẽ biện minh của Lẫm, lãnh đạo đội du kích đã tin cô và nghi ngờ kẻ phản bội là Tâm. Tâm trở về trong sự xa lánh, căm giận của anh em đồng đội. Ngay cả Thước, người yêu cô cũng không còn tin cô nữa. Lãnh đạo đội du kích đã giao cho Bền-người trong đội đưa Tâm đi xử bắn. Câu chuyện quá khứ tưởng chừng khép lại với sự ra đi oan khuất của Tâm và sự trưởng thành của những đội viên du kích năm xưa sau hòa bình. Do có nhiều “thành tích” trong chiến tranh, Lẫm được cất nhắc lên ghế chủ tịch huyện. Nhưng quá khứ không ngủ yên, “Thời gian không im lặng” với sự trở về của Tâm, mọi uẩn khúc trong quá khứ lần lượt bị phơi bày…
Tác phẩm đã được cố tác giả, NSƯT Tạ Xuyên viết lên với bao trăn trở về nhân tình thế thái, về số phận con người trong chiến tranh. Và cho đến hôm nay, 40 năm sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, những vấn đề mà vở kịch đặt ra vẫn còn nóng hổi. Đạo diễn, NSND Lê Hùng cho biết: “Điều khiến tôi tâm đắc nhất là tính thời sự và tính giáo dục của nó. Bây giờ án oan sai vẫn nhiều lắm. Dù trong chiến tranh hay trong hòa bình, thời nào cũng cần sự trung thực của con người, tất cả những quyết định đều sai lầm, vội vã nếu chúng ta không tính đến đấy là một con người, một số phận”.
Hơi thở thời đại mới
NSND Lê Hùng chia sẻ, ông “dị ứng” với cách dựng kịch theo kiểu hoạt cảnh. Vì thế, dù “Thời gian không im lặng” đã từng được dàn dựng, biểu diễn thành công nhiều năm trước, nhưng trong lần phục dựng này, nghệ sĩ sáng tạo tối đa ngôn ngữ nghệ thuật từ lời thoại đến hình thể của diễn viên để thể hiện chiều sâu ý nghĩa đằng sau mỗi cảnh. Vì vậy mà trong vở diễn, mỗi nhân vật đều có sắc thái riêng. Họ có tính cách, số phận và mang nỗi đau đời riêng. Đó là bà chủ tịch huyện toan tính, mưu mô nhưng cũng đầy dằn vặt, lo sợ trước tội lỗi mình gây ra trong quá khứ; anh Bền đau đớn khi được tổ chức giao nhiệm vụ xử người đồng đội yêu quý của mình; anh Thước ân hận vì không thể bảo vệ người mình yêu…
Một trong những vai diễn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả phải kể đến nhân vật Tâm, do nghệ sĩ trẻ Kim Dung đảm nhiệm. Kim Dung bày tỏ: “Nhân vật Tâm là một nhân vật có nội tâm sâu sắc, có nhiều “đất” diễn cho diễn viên, song cũng phần nào gây cho tôi áp lực. Vì thế, để thể hiện nhân vật này, ngoài tập luyện trên sân khấu, lúc nào tôi cũng trăn trở về vai diễn và cố gắng luyện tập nhiều hơn để điều tiết tiếng nói, cảm xúc của mình sao cho phù hợp nhất với nhân vật”.
Có người từng ví rằng, "âm nhạc là ngôn ngữ của tâm hồn, của trái tim và nhịp đập cuộc sống” và “khi ngôn ngữ bất lực thì âm nhạc vang lên”, điều này khá đúng khi nói về việc sử dụng âm nhạc trong vở diễn. Đây có lẽ là lần đầu tiên Bá Nha, nghệ sĩ của Nhà hát Ca-Múa-Nhạc Quân đội trình tấu trên sân khấu với vai trò là một nhân vật kể chuyện. Song, anh đã có sự hóa thân xuất sắc vào vai diễn của mình. Nếu người nhạc công chơi đàn theo tổng phổ chỉ tập trung vào bản nhạc và đôi tay điều khiển của người chỉ huy, thì người nhạc công trình tấu trên sân khấu phải luôn hướng về khán giả, luôn có sự giao lưu với diễn viên và đồng cảm với nhân vật để cùng tạo ra hiệu quả nghệ thuật cao nhất, gây xúc động mạnh cho khán giả. Tiếng đàn của Bá Nha đi vào lòng người, nói thay tâm tư, tình cảm của các nhân vật trên sân khấu. Khi nhân vật Tâm thể hiện tâm trạng đau đớn, uất nghẹn vì bị kết án oan là phản bội, tiếng đàn của Bá Nha cũng ngân lên như tiếng “khóc” đầy ai oán của một người đàn bà, bằng những kỹ thuật rung, láy, vuốt, nhấn nhá… thật tinh tế. Khi nhân vật Bền phải ra tay xử án Tâm, Bá Nha dùng tiếng trống để thể hiện âm thanh giục giã như nhịp đập “thình thịch” của trái tim đang run lên vì sợ hãi của Bền. Việc sử dụng trình tấu âm nhạc trên sân khấu giúp đem nghệ thuật đến gần khán giả hơn là một phần trong chủ trương đổi mới, sáng tạo không ngừng để tiếp cận với sân khấu hiện đại của lãnh đạo Nhà hát Kịch nói Quân đội.
Trong thời đại nào, cuộc sống cũng luôn có những toan tính, vị kỷ hòng mưu cầu danh lợi, nhưng sớm muộn sự thật cũng bị phơi bày để trả lại sự công bằng cho những người xứng đáng. Lấp lánh trong “Thời gian không im lặng” là phẩm chất của người chiến sĩ, của anh Bộ đội Cụ Hồ được thử thách qua mưa bom bão đạn, qua những bon chen của cuộc đời, giờ vẫn được khẳng định một cách cao cả và rất đỗi tự hào.
Bài, ảnh: HỒNG VÂN