Cũng dễ hiểu bởi Bạc Liêu đã quan tâm đầu tư, xây dựng Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu (đường Ninh Bình, phường 2, thành phố Bạc Liêu), nơi được ví như “bảo tàng” lưu giữ những hình ảnh, tài liệu, hiện vật về loại hình nghệ thuật độc đáo này cùng cuộc đời của “cha đẻ” bản cổ nhạc “Dạ cổ hoài lang” nổi tiếng.

Không ai có thể khẳng định nguồn gốc chính xác của đờn ca tài tử. Chỉ biết rằng, đờn ca tài tử ra đời cuối thế kỷ 19 là loại nhạc thính phòng nhưng mang tính giải trí cao, thường được trình diễn trong không gian nhỏ với sự quây quần của một nhóm người vào các dịp lễ, Tết, hiếu hỷ hay sau những giờ lao động miệt mài. Loại hình âm nhạc này có màu sắc tương đồng với nghệ thuật nhã nhạc cung đình Huế và các loại hình dân ca khác của xứ Quảng (Quảng Nam, Quảng Ngãi) nhưng vẫn mang sắc thái riêng của các làn điệu dân ca, hò vè Nam Bộ.

leftcenterrightdel
Tượng sáp nhạc sĩ Cao Văn Lầu trong khu lưu niệm. 

Bạc Liêu được xem là địa phương hội tụ nhiều anh tài, góp phần phát triển nghệ thuật đờn ca tài tử như: Nhạc sư Lê Tài Khị (1870-1948), người được tôn là “hậu Tổ” vì đã có công canh tân, khôi phục nhiều bản ca cổ cùng người học trò ưu tú Cao Văn Lầu (1890-1976)-tác giả bản “Dạ cổ hoài lang” bất hủ. Năm 2013, nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Cũng trong năm này, tỉnh Bạc Liêu đã tôn tạo, mở rộng Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu để tôn vinh nhạc sĩ cùng loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc của dân tộc.

Nằm trên khu đất rộng 12.000m2, Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu được xây dựng khang trang, bề thế với các hạng mục: Sân, đài phun nước, khu tượng đài, vườn nhạc cụ, nhà trưng bày, khu mộ của cố nhạc sĩ và gia đình, khu biểu diễn... Nổi bật trong quần thể kiến trúc này là khu tượng đài với biểu tượng đàn kìm-loại nhạc cụ đặc trưng của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ, với hình ảnh chiếc ống tre được dựng ở vị trí cao nhất, nhằm tôn vinh loại hình nghệ thuật dân dã, đặc sắc này. Đặc biệt, dẫn lối lên tượng đài là cầu thang bằng đá xanh có số bậc được ngăn cách bằng các chiếu nghỉ, tạo thành từng đoạn với số bậc theo thứ tự: 2, 4, 8, 16, 32, 64 tượng trưng cho phong cách sáng tác của mỗi nghệ nhân ca cổ cải lương (tiền thân của đờn ca tài tử) như: Nhịp 2 của Cao Văn Lầu, nhịp 4 của Trịnh Thiên Tư, nhịp 8 của Lư Hòa Nghĩa, nhịp 16 của Mộng Vân, nhịp 32 của Trần Tấn Hưng và nhịp 64 của Lý Khi.

Bao quanh khối tròn của tượng đài là tên 20 bài tổ (bài gốc) của nghệ thuật đờn ca tài tử được khắc trên nền đá cẩm thạch. Chính giữa phía sau tượng đài là tượng nhạc sĩ Cao Văn Lầu đánh đàn tranh. Sau lưng ông là trích đoạn bản "Dạ cổ hoài lang". Từ tượng nhạc sĩ Cao Văn Lầu nhìn xuống là vườn nhạc cụ với các loại đàn tiêu biểu của nghệ thuật đờn ca tài tử và khoảng sân rộng. Hai bên là khu trưng bày hình ảnh, tài liệu, hiện vật về cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ tài hoa gắn với nghệ thuật đờn ca tài tử cùng khu mộ của gia đình ông và khu biểu diễn phục vụ du khách.

Tới thăm Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, được nghe kể về cuộc đời nhạc sĩ cùng tình cảm gắn bó với người vợ hiền lành, thủy chung và những nỗi buồn thương, tưởng nhớ của người vợ khi phải xa chồng-nguồn gốc tạo nên bản “Dạ cổ hoài lang” bất hủ, người ta càng trân trọng hơn những đóng góp của ông đối với nghệ thuật đờn ca tài tử. Sau khi tìm hiểu thông tin và xem buổi trình diễn kéo dài 30 phút, chị Hoàng Thu Quỳnh, một du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: “Được nghe chính những người dân địa phương hát đờn ca tài tử trong không gian văn hóa đặc trưng của vùng đất Nam Bộ, tôi mới cảm nhận được hết vẻ đẹp của loại hình nghệ thuật độc đáo này. Tôi cảm thấy tự hào vì những di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc vẫn luôn được trân trọng, giữ gìn và được thế giới biết đến”.

Với những nỗ lực đưa Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu trở thành điểm đến hấp dẫn của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, cuối năm 2020, tỉnh Bạc Liêu đã công nhận địa điểm này là sản phẩm du lịch OCOP 4 sao. Cùng với việc đẩy mạnh công tác xúc tiến tuyên truyền, quảng bá, đây sẽ là một điểm đến không thể bỏ qua của du khách trong hành trình khám phá Bạc Liêu.

Bài và ảnh: LAM MỘC