QĐND - Triết lý yêu nước của người Việt là sẵn sàng hy sinh tính mạng mình để giữ yên bờ cõi non sông. Khi có kẻ xâm lược thì bất kể là ai, “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, mọi người dân đều có thể trở thành những người lính đuổi giặc. Một trong “tứ bất tử” mà văn hóa Việt tôn sùng là Thánh Gióng, vốn là một cậu bé mới ba tuổi chưa biết nói cười cũng vươn vai mà lớn để nhổ tre làm vũ khí đuổi quân thù. Sinh sống và lập nghiệp ở mảnh đất có vị trí địa lý thuận lợi nên trong suốt chiều dài lịch sử, dân tộc Việt luôn phải đấu tranh với kẻ thù xâm lược để có hòa bình. Cho nên “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” (1946) của Bác Hồ không chỉ là lời kêu gọi toàn dân ta đứng lên đuổi giặc Pháp mà còn là sự đúc kết của chân lý lịch sử: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa”.

Người Việt ta chỉ cầm vũ khí khi kẻ thù quyết xâm lược non nước này, quyết bắt dân tộc này làm nô lệ!

Và khi dân tộc này đã đứng dậy đánh đuổi quân cướp nước thì bao giờ cũng vậy, dù tàn bạo đến đâu, tinh nhuệ đến đâu kẻ xâm lăng cũng phải cuốn xéo khỏi mảnh đất Việt thiêng liêng. Vì dân ta có sức mạnh yêu nước kết hợp với sức mạnh của tinh thần đoàn kết thành một khối hướng theo ngọn cờ yêu nước. Hội nghị Diên Hồng của quân dân thời nhà Trần là một minh chứng sinh động.

Đạo lý của người Việt là “thương người như thể thương thân”. Đạo lý ấy được thể hiện một cách cực kỳ có văn hóa ngay cả đối với kẻ thù. Khi mà kẻ xâm lược sang gây bao tội ác trời không dung đất không tha “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn/ Vùi con đỏ dưới hầm tai vạ”, nhưng khi bị thua trận “như hổ đói vẫy đuôi xin cứu mạng” thì, đúng với tinh thần nhân ái người dân đất nước này “thể lòng trời” mà “mở đường hiếu sinh”, cấp cho lương thực, thuyền bè để chúng trở về mà ăn năn hối lỗi vì đã gây ra tội ác.

Văn hóa yêu nước của người Việt hoàn toàn xa lạ với sự gây thù chuốc oán, quá khích, bột phát, cảm tính… Đạo lý thương người của dân tộc này, tính cách yêu chuộng hòa bình của dân tộc này đã hun đúc nên một quan niệm ứng xử với kẻ xâm lược: Kẻ dùng đến vũ lực là bất lực. Vì thế mà văn hóa giữ nước của tổ tiên ta truyền đời cho con cháu sau này là phương châm chiến lược “Mưu phạt tâm công”, coi trọng việc đánh vào lòng người là quan trọng nhất.  Điều ấy hoàn toàn phù hợp, đúng hơn, là hệ quả của một tính cách Việt chuộng hòa bình, hiếu sinh chứ không hiếu sát.

Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự kết tinh đẹp nhất đạo lý dân tộc và một văn hóa yêu nước Việt Nam. Khi kẻ thù xâm lược thì chúng ta sẵn sàng “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Nhưng cũng chính với người Pháp, lời Bác Hồ là lời của tình thương con người: “Trước lòng bác ái thì máu Pháp hay máu Việt đều là máu, người Pháp hay người Việt đều là người” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, 1995, tr. 457). Chúng ta thắng Mỹ cũng là nhờ đi theo tư tưởng vệ quốc của Bác Hồ kế thừa quan niệm truyền thống của cha ông: “Đánh mà thắng là giỏi, nhưng không đánh mà thắng lại giỏi hơn”; “đánh vào lòng là hơn hết, đánh vào thành trì là thứ hai” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, 1995, tr. 187 và 28).

Dân tộc Việt luôn ở thế chính nghĩa. Người chính nghĩa hành xử theo văn hóa chính nghĩa: Bình tĩnh, đoàn kết, tự tin, không a dua, không nghe lời kích động…

Kẻ xâm lược là kẻ phi nghĩa. Kẻ phi nghĩa thì bao giờ cũng thế: Gian xảo, trí trá, bần tiện, và dĩ nhiên là côn đồ và hung hăng.

Trước nay người quân tử ứng xử với kẻ tiểu nhân thường là bằng lòng nhân, sự hiểu biết, và đôi khi bằng cả lòng kiên nhẫn./.

NGUYỄN THANH TÚ