Hội làng Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Tây)

Biết tin Hà Tây sắp sáp nhập về Hà Nội, có người đã kết luận một câu khá “thô”: Hà Nội nuốt Hà Tây. Nếu nhìn vào hiện trạng việc mở rộng địa giới hành chính “bành trướng” của đô thị Hà Nội thì kể ra câu nói đó cũng có phần đúng. Song nếu nhìn từ góc độ văn hóa thì hoàn toàn không phải vậy. Tôi đem nhận xét này đến thăm nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, ông nói: “Không mất xứ Đoài đâu mà lo. Còn lâu mới “nuốt” được văn hóa xứ Đoài nhé!”.

Thăng Long kinh kỳ, Thăng Long kẻ chợ xưa vốn chỉ “khiêm tốn” thu mình bên bờ sông Cái bên bến Đông Bộ Đầu (Long Biên). Xứ Đoài chỉ chung là đất Hà Tây thì rộng lớn từ núi Ba Vì đến bờ sông Tô Lịch, thời Lê Sơ là vậy. Đến thời Minh Mạng (năm 1831) nhà Nguyễn mới cắt một phần đất từ phủ Hoài Đức đưa về Hà Nội. Đến năm 1902, người Pháp lại tách một phần đất Hà Tây, Hà Nam để lập thành tỉnh Cầu Đơ. Cái tên Cầu Đơ “quê kiểng” chỉ tồn tại trong 2 năm từ 1902 đến 1904 rồi được đổi thành Hà Đông. (Hà Đông mà lại nằm ở phía Tây là vì như thế).

Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc với nhiều công trình nghiên cứu sâu sắc đã chứng minh rằng: Văn hóa Thăng Long-Hà Nội xưa được xây dựng bởi 4 tiểu vùng văn hóa Kinh Bắc, Xứ Đoài, Xứ Đông, Lĩnh Nam. Bốn vùng văn hóa đó cùng với nét đặc trưng của kinh thành, đế đô hun đúc lên bản sắc của văn hóa Thăng Long-Hà Nội ngày nay.

Chính thực thì văn hóa Hà Nội bị ảnh hưởng của văn hóa Xứ Đoài khá nhiều. Hà Tây có Núi Tản-Sông Đà, Hà Nội cũng phải có Núi Nùng, Sông Tô để làm sông thiêng, núi thiêng. Hà Tây có làng thêu ở Hướng Dương, Quất Động (Thường Tín) thì Hà Nội có phố Hàng Thêu (đoạn cuối phố Hàng Trống); Hà Tây có làng sơn, làng tiện, làng rèn, làng mộc... thì Hà Nội có phố Nam Ngư, Hàng Tiện, Lò Rèn, Lò Sũ... Đó không phải là cuộc đua tranh mà chính là quá trình “chưng cất”. Bởi chính người thợ Hà Tây đã ra đến Kinh thành để “chuẩn hóa tay nghề” lập nên những phường, những phố với đủ thứ nghề. Những bác thợ ở nhà quê có thể thô, có thể mộc, có thể giản dị nhưng đã đến Kinh thành rồi thì phải “tài cao, nghề tinh”.

Nói đến lĩnh vực nhân tài, thì Hà Tây là nơi “chi viện” cho Thăng Long-Hà Nội không ít danh nhân. Thời phong kiến có danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi người làng Nhị Khê (Thường Tín, Hà Tây), Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, Ngô Thì Nhậm… cận đại có học giả Nguyễn Văn Vĩnh, Đào Duy Anh, thi sĩ Tản Đà, họa sĩ Nguyễn Gia Trí. Rồi cả một lớp nhà văn nghệ sĩ quê gốc Hà Tây trưởng thành từ cái nôi văn hiến Hà Nội: Nguyễn Nhược Pháp, Ngân Giang, Bằng Việt...

Hà Tây-Xứ Đoài còn là cái nôi của những huyền tích, đóng góp đặc biệt trong việc hình thành nền văn hóa Thăng Long-Hà Nội nói riêng và văn minh đồng bằng châu thổ sông Hồng nói chung. Đứng đầu trong số đó là truyền thuyết Lạc Long Quân-Âu Cơ sinh ra người Việt. Trong tâm thức người Việt: “Nhất cao là núi Ba Vì/Thứ ba Tam Đảo thứ nhì Độc Tôn”. (Độc Tôn là một ngọn núi hiểm trở đứng riêng ra ở phía đông Tam Đảo sau núi Thiên Thị)… Núi Ba Vì cao không phải bởi 1.293 mét, mà bởi tín ngưỡng dân gian coi đó là nơi nối liền Trời và Đất, nơi đó có thánh Tản Viên phù hộ chở che cho con dân Đại Việt. Núi Ba Vì được coi là “tổ sơn” (núi tổ) vì lẽ đó.

Về hình thế, cả đồng bằng châu thổ sông Hồng gối đầu lên núi Ba Vì vươn mình ra phía Biển Đông. Với “tả Thanh Long” là dải đất miền Kinh Bắc, “hữu Bạch Hổ” của vùng văn hóa Lĩnh Nam trải vào tận Thanh Hóa. Hai thế đất “Thanh Long”, “Bạch Hổ” này hội với miền Xứ Đông trù phú, hội tụ, ngưng đọng hồn thiêng sông núi tại đất Thăng Long. Với “chỗ dựa” vững chắc ở Xứ Đoài, Thăng Long-Hà Nội ngàn năm thăng hoa, phát dương văn hóa, văn minh Đại Việt.

Địa hình, địa thế của Hà Tây cũng là “áo giáp chở che ngàn năm bền vững” cho Thăng Long-Hà Nội. Trong bất kỳ cuộc đấu tranh vệ quốc nào người Việt cũng biết dựa vào Hà Tây để phòng thủ, tấn công, bảo vệ Kinh đô. Lui về “tổ sơn” để có thêm sức mạnh tinh thần, song cũng có một thực tế là Hà Tây với 4 con sông Tô Lịch, Nhuệ, Đáy, Tích chảy theo hướng Bắc – Nam là như chiến hào tự nhiên, lại có núi cao rừng rậm bảo vệ cho binh sĩ. Và đặc biệt Hà Tây với truyền thống của miền quê hai vua (Phùng Hưng, Ngô Quyền), lòng dân luôn là thành trì vững chắc cho bất cứ đội quân chính nghĩa nào.

Người Hà Nội nợ người Hà Tây nhiều, điều này đúng theo đủ mọi góc nghĩa. Còn nhớ trong những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, người Hà Nội phải sơ tán về các tỉnh lân cận trong đó có Hà Tây, nay vẫn còn dấu tích ở nhiều làng, nhiều phố. Đến nay, với áp lực dân số, đô thị hóa, Hà Nội có xu hướng mở rộng về phía Hà Tây. Không phải là “ở nhờ” như hồi tản cư nhưng tôi cứ thấy lấn cấn một chuyện: Những làng nghề, làng cổ với nhiều nét đẹp truyền thống của Hà Tây có mất đi theo “cơn lốc” đô thị hóa? Cách đây không lâu, tôi được gặp kiến trúc sư Nguyễn Thế Khải, nguyên cán bộ Viện thiết kế quy hoạch đô thị nông thôn. Ông cho chúng tôi xem bản đồ quy hoạch vành đai xanh, vành đai di tích (như cách nói của ông là “vành đai 4 rưỡi”) quanh Hà Nội. Trong đó nhiều di tích, thắng cảnh của Hà Tây, Hà Nam, Hưng Yên sẽ nằm trên vành đai di tích, việc bảo tồn các làng cổ, làng nghề phục vụ du lịch cũng được đề cập đến.

Người có lòng tin về sự bền vững của “bản sắc xứ Đoài” nhiều nhất là nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc. Ông cho rằng nhìn ở góc độ cá thể thì cũng có nhiều nét truyền thống đã bị bào mòn. Ví dụ như sự mất đi của nhiều nếp nhà cổ, những lễ hội truyền thống…, thay vào đó là những vũ trường, nhà hàng, quán karaoke, lối sống thực dụng của một bộ phận người dân, song ông cũng khẳng định: “Sẽ không bị thất thoát văn hóa truyền thống. Người dân Hà Tây hồn nhiên, thuần phác sẽ tự điều chỉnh và tự biết giữ nét đẹp quê hương mình. Có thể gọi thời điểm hiện tại là thời kỳ quá độ. Tôi tin rằng người xứ Đoài sẽ luôn giữ được nét đẹp truyền thống dù cho có ở tỉnh nào đi chăng nữa”. Ông cao hứng đọc hai câu thơ của Quang Dũng: Ta vay ta trả ta ươm hạt/Ta giữ Rừng thiêng của giống nòi... Thăng Long vay, Thăng Long trả, và Hà Nội đã và sẽ mãi mãi là vườn ươm của bao tài năng. Hà Nội là trung tâm văn hóa của cả nước khác nào người giữ Rừng Văn thiêng liêng của nền văn hiến Việt Nam, từ cánh rừng đó bao hạt giống tài năng theo gió đại ngàn bay đi muôn phương thành cây, thành trái xum xuê, làm giàu cho muôn cõi trong đó có Hà Tây láng giềng “áo giáp chở che” gần gũi, thân thuộc.

Lê Đông Hà