Chuyện ăn uống xưa nay vốn là chuyện tế nhị. Ăn uống là nhu cầu bản năng và thiết yếu đối với sự tồn tại của con người và thường gắn liền với khẩu vị, sở thích của mỗi cá nhân. Xã hội phát triển, con người không chỉ có ăn uống cá nhân, ăn uống ở gia đình, mà còn tham gia ăn uống tập thể mà chúng ta vẫn thường gọi một cách văn minh là đi “liên hoan mặn” hay ăn tiệc tập thể.
Ăn tiệc tập thể có thú vui là được giao tiếp, hòa đồng vào không khí chung của mọi người. “Một miếng giữa làng hơn một sàng xó bếp” – Người xưa đã từng có một câu ví von rất ý nghĩa về sự sẻ chia và tinh thần cộng đồng trong ăn uống. Một ánh mắt giao nhau, một nụ cười niềm nở, một cái nhìn ấm áp, một câu nói thiện cảm, một lời hỏi thăm chân thành, một câu chúc vui vẻ… sẽ làm cho bữa ăn, bữa tiệc tập thể đầm ấm hơn, ngon miệng hơn. Thông qua việc ăn uống như thế, con người trở nên gần gũi và cởi mở với nhau hơn. Và xét về góc độ xã hội, ăn tiệc tập thể là một nét đẹp văn hóa ẩm thực của con người.
Tuy nhiên, khi kinh tế phát triển, đời sống vật chất được cải thiện thì cái chuyện ăn cỗ, ăn tiệc tập thể hiện nay cũng có nhiều điều đáng suy nghĩ. Đó là việc tổ chức ăn uống tràn lan gây không ít phiền toái, rườm rà và bao nhiêu lãng phí khác. Phần lớn sau khi tổ chức mỗi hội nghị, cuộc họp đều có một khoản thường gọi là “phía sau hội trường”-tức là ăn uống. Một suất ăn bình thường nhất cũng là 30.000 đồng, cao hơn là 50.000 đồng và thậm chí có suất ăn lên đến 100.000 đồng. Bữa nhỏ thì vài chục người, bữa lớn thì đến hàng trăm người. Đem con số đó nhân với số lần tổ chức ăn uống của các cấp, các ngành, các địa phương trong phạm vi cả nước thì mỗi năm ngân sách cũng phải tốn kém một số lượng tiền khổng lồ. Nhiều vị chức sắc phải đi họp hành, hội nghị liên miên, do nhiều lần tham gia tiệc tùng tập thể nên đâm ra ngại và ngán, dẫn tới thức ăn đồ uống thừa đầy mâm nên lại càng lãng phí. Rồi không ít bữa ăn, bữa tiệc tập thể rất ồn ĩ, huyên náo bởi tiếng chúc tụng, hò hét, thi thố, thử tài “năng lực tửu, bia” của nhau. Rồi sau bữa ăn đông người như thế, chỗ thì thức ăn rơi vãi tung tóe, nơi thì bát vỡ đũa gãy, chỗ thì bàn ghế lộn xộn. Và cũng có một số trường hợp uống nhiều rượu bia say không đủ sự tỉnh táo, minh mẫn nên dễ xảy ra mất đoàn kết và tai nạn giao thông… Trong khi đó, để có một bữa ăn, bữa tiệc tập thể phải có khá nhiều nhân viên phục vụ đêm hôm sớm tối, gây lãng phí về nhân lực, thời gian.
Ăn uống, tiệc tùng tập thể cũng là một nhu cầu trong xã hội hiện đại và giao lưu, hội nhập. Nhưng việc tổ chức ăn uống ra sao cho đúng đối tượng, đúng tính chất, đúng tiêu chuẩn, chế độ là điều rất nên nghĩ, nên làm. Nước ta còn nghèo. Một bộ phận đời sống của đồng bào ta còn rất nhiều thiếu thốn, khó khăn. Việc tổ chức ăn uống, tiệc tùng tập thể với mức độ “nhiều và dầy” như mấy năm trở lại đây cũng là biểu hiện của một sự lãng phí rất lớn. Vì thế, các cơ quan chức năng cần đề ra chế tài, quy định ở cấp nào, cuộc họp và hội nghị nào thì mới tổ chức ăn uống tập thể, không được tự ý tổ chức ăn uống tràn lan như hiện nay. Giảm bớt các bữa ăn, bữa tiệc tập thể là thiết thực góp phần thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí và thực hiện công bằng xã hội, tránh được tình trạng “Người ăn không hết kẻ lần chẳng ra”.
NGUYỄN VĂN HẢI