Nhiều quân đội thường khoe là “mạnh” thế nhưng vẫn chiến bại, thậm chí còn bị tan rã. Sở dĩ có hiện tượng trên chính là vì những quân đội đó không tinh nhuệ. Vậy tinh nhuệ nên hiểu như thế nào? Tinh nhuệ là một từ gốc Hán. Theo nghĩa đen: tinh thuần khiết, nhuệ sắc nhọn. Đây là từ ngữ chỉ một quân đội đã được giáo dục và rèn luyện kỹ, đủ khả năng chiến thắng mọi đối phương.

Lúc đầu, nhuệ với nghĩa sắc nhọn nhằm chỉ tính năng, tác dụng của vũ khí lạnh, với chất liệu là kim loại. Muốn sát thương tốt, nếu vũ khí bằng đồng, phải có mũi nhọn mới đâm thủng và nếu vũ khí bằng sắt, phải có lưỡi sắc mới chém đứt được cơ thể đối phương. Dưới thời cổ đại, Quản Di Ngô (còn gọi là Quản Trọng), tướng quốc nước Tề-một trong năm nước lớn (ngũ bá) thời Xuân Thu (771-476 trước Công nguyên)- từng răn dạy quân đội “vũ khí luôn luôn phải sắc nhọn”. Từ tính năng vũ khí, người ta biểu tượng hóa thành tính năng quân đội. Muốn quân đội mạnh, đủ khả năng chiến thắng mọi đối phương thì cũng phải “sắc, nhọn” như vũ khí. Từ mối quan hệ hữu cơ đó mà trong tiếng Hàn, binh-chỉ người lính-là một từ tượng hình, bao gồm hai phần: phần trên là hình một thứ vũ khí cổ, giống như lưỡi rìu chiến, phần dưới là hình hai bàn tay nâng vũ khí lên. Quân chỉ quân đội, chiến tranh, quân sự cũng thuộc bộ xa, nghĩa là xe chiến, loại phương tiện vũ khí cơ động đầu tiên của loài người trong chiến tranh. Trong tiếng Pháp cũng vậy. Arme là vũ khí, cũng là binh chủng. Từ arme mà hình thành arméeđạo quân nói riêng, quân đội nói chung.

Để đạt tới mức độ tinh nhuệ, đúng với nghĩa của nó, trước hết, quân đội đó phải luôn luôn được giáo dục về mặt tinh thần để có một ý chí chiến đấu kiên cường, đủ sức chịu đựng khó khăn, gian khổ, không hề lùi bước trước thách thức, hiểm nguy. Muốn thế, người cầm vũ khí phải đạt tới mức độ già dặn về chính trị, có thể biến nó thành nhân tố thực hiện thắng lợi các mục đích quân sự trong chiến tranh.

Chính vì vậy, khi bàn về chữ nhuệ, sách Binh thư yếu lược đã viết: “Nhuệ là nuôi uy quý ở ngày thường; xem biến quý ở mưu trí. Hai quân đội sát nhau, một tiếng hô mà phấn khí lên chỉ là có nhuệ khí mà thôi. Mọi người không dám ra mà mình dám ra là nhuệ. Ra vào giữa quân địch, đi lại xông pha là nhuệ. Làm mạnh, làm khỏe, dũng cảm, mãnh liệt là nhuệ. Như gió, như mưa, như non tay, núi lở là nhuệ. Tướng vụt mà tiến lên, quân ùa mà xông vào, quân và tướng đều là nhuệ cả. Chỉ nhuệ không thì vấp ngã, không nhuệ thì nguy. Có mưu trí mà chu tất, phát ra mà thu lại được thì nhuệ hay vô cùng”.

Phấn đấu để quân đội có một sức mạnh tinh thần như thế là cực kỳ khó khăn. Nhằm giải quyết vấn đề, nhiều quân đội thường đặt ra những kỷ luật rất nghiêm khắc, mong dùng nó để tạo nên sức mạnh. Nhưng ngay đến những quân đội được xem là có “kỷ luật sắt” như kị binh Mông Cổ ở châu Á, kị binh Tơ-tông ở châu Âu… dưới thời trung đại; quân đội phát xít Đức ở châu Âu, đội quân Quan Đông của Nhật ở châu Á… dưới thời hiện đại, vẫn chiến bại vì những quân đội đó không có lý tưởng chiến đấu ngoài sự hưởng thụ về tiền bạc và cơ sở vật chất. Việc chấp hành kỷ luật chỉ là ngu tín, bắt buộc, khiên cưỡng mà thiếu tinh thần tự giác.

Bên cạnh việc giáo dục về tinh thần chiến đấu, muốn tinh nhuệ, quân đội đó còn phải được huấn luyện về mặt kỹ thuật và chiến thuật, nghĩa là phải sử dụng thành thạo các loại vũ khí được trang bị và có một phương pháp tác chiến linh hoạt, cơ động.

Qua những điều vừa trình bày, chúng ta thấy nội dung tinh nhuệ được hình thành từ hai yếu tố: yếu tố tinh thần, tức ý chí con người, và yếu tố vật chất, tức vũ khí và phương pháp tác chiến. Mà suy cho cùng, phương pháp tác chiến cũng là đưa trí tuệ con người vào sự lựa chọn phương tiện, vũ khí phục vụ cho phương pháp hành động đấu tranh vũ trang để chiến thắng. Vậy giữa hai yếu tố-yếu tố con người và yếu tố vũ khí cùng với phương pháp tác chiến-yếu tố nào mang tính chủ đạo? Đây là điều mà lâu nay, người ta đã bàn cãi nhiều và không ít ý kiến cho rằng yếu tố vũ khí giữ vai trò quyết định. Cứ có vũ khí tối tân, hiện đại, quân đội sẽ có sức mạnh vô địch. Nhưng sự thật diễn ra không hoàn toàn đúng như cách suy nghĩ đó. Chiến tranh đã chứng minh có nhiều quân đội được “trang bị đến tận răng” nhưng vẫn chiến bại.

Trong 30 năm chiến tranh giải phóng vừa qua, nhất là trong thời gian chống Mỹ cứu nước, trừ vũ khí hạt nhân, quân thù đã dùng đủ mọi thứ binh khí-kỹ thuật nhưng vẫn không thể nào đánh bại được các lực lượng vũ trang nhân dân ta mặc dù trong tay chỉ có những loại vũ khí thông thường, thậm chí vũ khí thô sơ còn chiếm tỷ lệ khá cao. Điều đó giải thích rằng đối tượng tác chiến của quân xâm lược trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam là những người có lý tưởng chiến đấu mà nội dung cốt lõi của nó là chủ nghĩa yêu nước cách mạng.

Để hình thành lực lượng vũ trang tinh nhuệ có thể lấy ví dụ dễ hiểu, dễ thấy trong xây dựng Binh chủng Đặc công, một binh chủng được Chủ tịch Hồ Chí Minh mệnh danh là “đặc biệt tinh nhuệ”. Đó là một binh chủng được tổ chức, trang bị và huấn luyện đặc biệt, để tiến công những mục tiêu hiểm yếu, nằm sâu trong hậu phương và phía sau đội hình chiến đấu của địch, bằng cách dùng lực lượng ít nhưng mạnh, triệt để sử dụng yếu tố bí mật, tiếp cận sát địch, bất ngờ tiến công nhanh và mạnh, đạt hiệu suất chiến đấu cao. Nhưng yếu tố có giá trị lớn trong người chiến sĩ đặc công, tạo nên sức mạnh vô địch lại là ý chí chiến đấu kiên cường. Nhưng nói như thế không có nghĩa chỉ cần “tinh nhuệ về chính trị” là đủ mà phải đặt nó trong mối quan hệ hữu cơ với yếu tố kỹ thuật-tức sử dụng thành thạo các loại vũ khí được trang bị-để tích hợp thành sức mạnh của yếu tố chiến thuật-tức xây dựng một phương pháp tác chiến thích hợp và hiệu quả, đồng thời tìm mọi cách hạn chế phương pháp tác chiến sở trường của địch, thậm chí còn buộc chúng phải tác chiến theo phương pháp của ta rồi từ đó dẫn chúng tới những sai lầm, những vấp ngã… để đánh thắng.

Cho nên một quân đội tinh nhuệ nhất thiết phải được thể hiện qua tinh thần và phương pháp tác chiến.

DƯƠNG XUÂN ĐỐNG