QĐND - Phóng viên (PV): Nhìn lại những chặng đường kéo dài trong gần ba phần tư thế kỷ vừa qua, có thể thấy rõ vai trò rất nổi trội của đội ngũ những nhà văn mặc áo lính. Và ở mỗi một giai đoạn, đội ngũ người lính cầm bút, bên cạnh những điểm tương đồng, lại có cả những nét rất khác biệt. Anh có thể nêu ra khái quát những cái chung và những cái riêng của các thế hệ nhà văn Bộ đội Cụ Hồ được không?
Nhà phê bình văn học (NPBVH) Nguyễn Hòa: Theo tôi, điểm chung giữa các thế hệ nhà văn quân đội ở chỗ họ là nhà văn-chiến sĩ. Là nhà văn-chiến sĩ, mỗi người phải là một chỉnh thể thống nhất giữa phẩm chất nhà văn với phẩm chất chiến sĩ; và trên thực tế, hai phẩm chất này luôn được tạo dựng từ một quan hệ biện chứng, hòa lẫn trong nhau, hoàn thiện lẫn nhau. Mà đã là người lính dù ở cương vị nào thì nhiệm vụ vẫn phải đặt lên hàng đầu. Với người lính cầm bút, viết văn là nhiệm vụ, tuy nhiên để hoàn thành nhiệm vụ này, phải có một yếu tố quan trọng, là tài năng văn chương. Còn cái riêng giữa các thế hệ, có lẽ là ở chỗ mỗi giai đoạn cách mạng có nhiệm vụ riêng, ngòi bút của mỗi thế hệ hướng theo nhiệm vụ đó. Nên nét hào hùng trong văn học quân đội thời chống Pháp là sự hào hùng của ý chí giành lại độc lập cho Tổ quốc, ít nhiều khác với nét hào hùng trong văn học quân đội thời chống Mỹ là hào hùng của ý chí vì sự nghiệp thống nhất Tổ quốc; sau chiến tranh, là thời kỳ nhà văn-chiến sĩ tổng kết sự trải nghiệm, suy ngẫm về chặng đường dân tộc đã đi qua, về số phận, thế giới tinh thần nội tâm của con người trong và sau chiến tranh,… Đối tượng phản ánh của văn học quân đội hôm nay vẫn là Bộ đội Cụ Hồ, nhưng đó là người lính trong bối cảnh mới. Giữa thời bình, giữa cuộc sống đang phát triển, trước lối sống hưởng thụ đang đeo bám theo nhiều người, họ vẫn phải sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền đất nước không chỉ trên đất liền, trên bầu trời mà cả trên vùng biển, hải đảo,… Đây là lúc sự thiệt-hơn, quyền lợi-nghĩa vụ đặt ra trực tiếp, nếu không có ý chí, quyết tâm, tinh thần sẵn sàng hy sinh thì khó có thể vượt qua các trở ngại. Vậy là nét riêng về đối tượng phản ánh đã có cái mới hơn trước.
 |
NPBVH Nguyễn Hòa. Ảnh Thảo Mai. |
PV: Tôi có cảm nhận, các nhà văn quân đội tạo dấu ấn hơn với những tác phẩm viết về “chủ đề dân sự” hơn là thuần túy về chiến tranh? Thí dụ Lê Lựu với “Thời xa vắng” hay Nguyễn Khắc Trường với “Mảnh đất lắm người nhiều ma”… Và ông lý giải thế nào về hiện tượng này?
NPBVH Nguyễn Hòa: Đúng là có một thực tế như thế và theo tôi có thể lý giải. Bởi, khái niệm nhà văn-chiến sĩ đề cập tới vị trí, nhiệm vụ xã hội của người cầm bút, nhấn mạnh vấn đề chủ thể sáng tạo đang có vai trò như thế nào trong xã hội,… chứ không phải là khái niệm được xây dựng để qua đó quy định mọi sáng tạo của nhà văn phải hướng vào đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang. Nói cách khác, tác giả ở trong quân ngũ là người vừa cầm bút, vừa cầm súng. Tuy nhiên, nói thế nào thì nhà văn-chiến sĩ vẫn là con người xã hội, họ sống trong xã hội, sống cùng xã hội, dẫu có muốn thì họ cũng không thể đứng ngoài, mà mọi vấn đề xã hội-con người luôn tác động tới cảm xúc, nhận thức, suy nghĩ, suy tư… của họ và từ đó hình thành ý tưởng sáng tạo. Cũng nên lưu ý, đa số tác phẩm của nhà văn-chiến sĩ viết về “chủ đề dân sự” đều ra đời sau chiến tranh. Tức là khi chiến tranh đã kết thúc, các nhà văn- chiến sĩ lại trở về với cuộc sống đời thường, các ý tưởng đời thường mà họ ấp ủ từ trước nhưng chưa có điều kiện triển khai, hoặc những vấn đề xã hội-con người sau chiến tranh đã trực tiếp tác động, thúc đẩy họ viết. Và theo tôi, đã có một thời kỳ gọi là “gạch nối”, đấy là lúc Nguyễn Minh Châu viết Miền cháy, Lửa từ những ngôi nhà, Những người từ trong rừng ra,… sau đó là viết Lão Khúng, Khách ở quê ra, đặc biệt là Cỏ lau,… Rồi Lê Lựu viết Mở rừng, Chu Lai viết Sông xa, Gió không thổi từ biển,… Rõ ràng, thành công của tác phẩm văn học không chỉ phụ thuộc vào đề tài, mà còn phụ thuộc vào ý tưởng, vấn đề nhà văn đặt ra và nung nấu, rồi triển khai trong tác phẩm.
PV: Theo anh, tại sao hiện nay ít có tác phẩm viết về chiến tranh của các nhà văn quân đội được tái bản, nếu không tính đến những ngoại lệ hiếm hoi như “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, một cựu chiến binh?
NPBVH Nguyễn Hòa: Tôi nghĩ, văn học về đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang vẫn giữ nguyên giá trị. Còn nhiều điều của mấy cuộc chiến tranh đã qua chưa được văn học đề cập, phân tích, lý giải qua con đường thẩm mỹ. Đọc Những bức tường lửa và Đối chiến của Khuất Quang Thụy, Thượng Đức và Đỉnh máu của Nguyễn Bảo, Rừng thiêng nước trong của Trần Văn Tuấn,… là sẽ thấy. Vấn đề là ở chỗ nhà văn quan tâm đến đề tài này như thế nào, có thực sự tâm huyết, có bị ám ảnh và trăn trở, có thể sáng tạo một cách tài năng hay không… Khi đất nước có chiến tranh, văn học về đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang giữ vị trí chủ đạo trong đời sống văn học, đó là điều bình thường. Nhưng chiến tranh qua rồi, nhiều vấn đề mới của cuộc sống xuất hiện, không chỉ công chúng cần có tác phẩm phù hợp với nhu cầu mới, mà bản thân người viết văn cũng thấy mình cần tiếp cận cuộc sống mới với các vấn đề mới để sáng tạo tác phẩm mới. Với đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang cũng vậy, cần đổi mới quá trình tiếp cận-khám phá- sáng tạo nhằm nâng tầm nhận thức-phản ánh, từ đó hình thành tác phẩm có chất lượng tư tưởng-nghệ thuật cao. Nhưng chắc là bạn đồng ý với tôi, vào thời buổi in ấn, phát hành tác phẩm văn học hầu như phụ thuộc vào các nhà sách hay công ty truyền thông… thì việc họ đứng ra tái bản tác phẩm viết về chiến tranh của các nhà văn quân đội có lẽ chỉ là ước mơ! Khi một bộ phận công chúng còn đọc sách hời hợt, chạy theo sự phù phiếm… và lợi nhuận là yếu tố đầu tiên quyết định việc có in ấn, xuất bản một tác phẩm nào đó hay không, thì tác phẩm văn học về đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang vẫn cần sự hỗ trợ của Nhà nước.
PV: Có người nói rằng, văn học nhà binh (chúng ta tạm gọi như vậy theo cách mà nhà văn Chu Lai gọi tên phố Lý Nam Đế) thực ra là một hiện tượng mang tính đặc thù của một giai đoạn lịch sử nhất định. Đó là khi quốc gia lâm nguy và những thành phần tinh hoa nhất đều gia nhập quân đội. Và chính từ thành phần tinh hoa ấy đã trưởng thành những nhà văn về sau đã là nòng cốt trong đội ngũ tinh hoa của nền văn học Việt Nam. Anh nghĩ thế nào về ý kiến này?
NPBVH Nguyễn Hòa: Tôi khó có thể chia sẻ với ý kiến này, vì nói như vậy có thể đưa tới cách hiểu: Chiến tranh qua rồi thì văn học nhà binh cũng phai nhạt theo! Với văn học, một trong các yếu tố có tính quyết định là đối tượng phản ánh. Nếu đối tượng phản ánh vẫn tồn tại như một thực thể đầy ý nghĩa thì không lẽ gì văn học lại thiếu quan tâm. QĐND Việt Nam là đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân sản xuất. Các chức năng này được hoàn thành xuất sắc trong các giai đoạn cách mạng trước đây, ngày nay vẫn là các chức năng chủ yếu của quân đội. Không chỉ rèn luyện, sẵn sàng chiến đấu, có mặt ở những nơi khó khăn nhất để bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, khắc phục hậu quả chiến tranh (như rà phá bom, mìn) mà cán bộ và chiến sĩ quân đội cũng đang là người đi đầu trong công cuộc xóa đói giảm nghèo; góp phần xây dựng nông thôn mới ở vùng đóng quân, phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; đến mọi vùng sâu, vùng xa giúp nhân dân xây dựng cuộc sống mới, văn hóa mới; rồi nữa là xây dựng các khu kinh tế-quốc phòng, đặc biệt là sự tham gia của quân đội trong hoạt động kinh tế-xã hội của đất nước, từ xây dựng đường sá, nhà cửa, cầu cống đến hàng không, cảng biển, viễn thông, đóng tàu, trồng cây công nghiệp… Tóm lại, bối cảnh mới đưa tới cho quân đội các đặc thù hoạt động mới. Vấn đề là nhà văn tiếp cận, tìm tòi, khám phá và sáng tạo một cách tài năng như thế nào.
PV: Trên cơ sở những gì mà anh vừa lý giải, liệu có thể hình dung ra một dòng văn học nhà binh trong đời sống văn học Việt Nam hiện nay không? Một khi quân đội bây giờ không còn là nơi thu hút tuyệt đối các tinh hoa xã hội như trước kia thì rất khó xuất hiện những tinh hoa văn học, rất khó có được một đặc thù chung của một định dạng văn học nhà binh?
NPBVH Nguyễn Hòa: Như đã nói, đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang vẫn tồn tại một cách đầy ý nghĩa, tức là dòng văn học chúng ta đề cập vẫn còn nguyên giá trị và có lẽ không nên coi đó là công việc của các nhà văn mặc áo lính mà là công việc của mọi nhà văn. Những năm chiến tranh, hầu như mọi tinh hoa của đất nước đều có mặt trong quân đội, từ đó không chỉ xuất hiện nhà văn, nhà thơ mà còn xuất hiện rất nhiều nghệ sĩ âm nhạc, sân khấu, mỹ thuật,… tài năng và sau chiến tranh họ như là “trụ cột” của nghệ thuật Việt Nam thời hậu chiến. Còn bây giờ, chẳng nhẽ cuộc sống quân ngũ và bao nhiêu nghĩa vụ xã hội, bao nhiêu công việc mà những người lính đang cố gắng hoàn thành,… lại không cần quan tâm hay sao? Trả lời được câu hỏi này, sẽ xác định được sự tiếp nối hay không về dòng văn học về người lính. Về phần mình, tôi tin là vẫn cần tiếp tục.
PV: Thực tế cho thấy, các nhà văn mặc áo lính hiện nay rất khác nhau ở những chủ đề văn học mà họ theo đuổi và phải nói thực là, các nhà văn trẻ có tên tuổi của quân đội dường như không mấy đầu tư cho đề tài chiến tranh và người lính, theo cách hiểu chung nhất của từ này. Anh lý giải sao về hiện tượng đó?
NPBVH Nguyễn Hòa: Tôi chia sẻ với các nhà văn mặc áo lính hôm nay khi họ quan tâm đến các đề tài văn học khác, vì như đã nói, dù thế nào thì họ vẫn là con người xã hội. Các đề tài thời thượng giống như bong bóng xà phòng, nhiều màu sắc và có vẻ hấp dẫn nhưng rất mong manh. Viết về đề tài thời thượng dễ trở nên nổi tiếng, nhưng sự nổi tiếng đó cũng giống như bong bóng xà phòng. Nhà văn lớn để lại cho đời các ý tưởng lớn về xã hội-con người và có khả năng xuyên thời gian. Để có ý tưởng lớn phải tốn nhiều tâm sức. Đồng đội của chúng ta vẫn có nhiều điều cần viết về họ.
PV: Xin cảm ơn anh về những chia sẻ tâm huyết!
HỒNG THANH QUANG (thực hiện)