* Trung tá HỒ QUANG PHƯƠNG, Phó trưởng phòng biên tập Kinh tế-Xã hội-Nội chính:
Trân trọng và trách nhiệm tiếp nối truyền thống hào hùng
Thuộc thế hệ “8X” công tác tại Báo QĐND, tôi thấy được vinh dự, trách nhiệm của mình trong việc tiếp nối truyền thống vẻ vang của báo. Những nhà báo của Báo QĐND hiện nay thật may mắn vì được trao truyền những giá trị vinh quang từ các thế hệ nhà báo đi trước, được xây đắp bằng trí tuệ, mồ hôi và cả xương máu.
 |
Trung tá Hồ Quang Phương |
Hiện nay, khi môi trường báo chí đang thay đổi nhanh chóng, trước sức ép của xã hội bùng nổ thông tin, để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, chúng tôi ý thức rằng phải luôn nỗ lực rèn luyện, tích cực học tập để tiếp thu kiến thức, công nghệ báo chí, truyền thông hiện đại, góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền của báo. Nhưng dù công nghệ gì thì cũng phải thấy rằng, các tác phẩm báo chí không phải do máy làm ra, cũng không phải để dành cho máy đọc! Mà tác phẩm báo chí hay rộng hơn là báo chí do con người làm ra và vì con người, hướng con người tới cái đúng đắn. Do đó, mỗi nhà báo Báo QĐND thế hệ chúng tôi phải luôn định vị chính xác vai trò, trách nhiệm của mình, phải vững vàng về chính trị, vì sự phát triển lành mạnh của môi trường truyền thông, vì những phẩm chất cao quý của con người.
* Thiếu tá ĐẶNG THU HÀ, Phóng viên Báo QĐND Điện tử:
Trưởng thành qua mỗi chuyến đi
Tròn 10 năm làm báo, tôi luôn thấy mình là “lính mới” so với những “cây đa, cây đề” trong ngôi nhà Báo QĐND. Thời gian ấy thật chẳng là bao so với tuổi đời 70 năm của tờ báo, nhưng lại là quãng thời gian vô cùng ý nghĩa trong tôi, đặc biệt là những kỷ niệm sâu sắc từ mỗi chuyến công tác. Với tôi, chuyến tác nghiệp ở Quảng Bình năm 2013 đã để lại nhiều cảm xúc, bài học và ấn tượng sâu sắc. Đó không chỉ bởi tôi được hiện diện, đưa tin ở một sự kiện quan trọng của đất nước: Lễ Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mà còn là những trải nghiệm, những kết nối tâm hồn.
 |
Thiếu tá Đặng Thu Hà |
Giữa những cơn mưa xối xả bất chợt xen lẫn cái nắng oi nồng của mảnh đất miền Trung khắc nghiệt, một tuần tác nghiệp là một tuần tôi học hỏi được rất nhiều từ đồng đội-những người chú, người anh đi trước. Tác nghiệp tại sân bay Đồng Hới, nhận nhiệm vụ truyền những hình ảnh đầu tiên ở đầu cầu Quảng Bình khi đón linh cữu Đại tướng về Đất mẹ, tôi vận dụng hết mọi khả năng để chụp được những hình ảnh tốt nhất. Cuốn theo công việc, tôi đeo ba lô với lỉnh kỉnh máy móc nặng gần chục cân, chạy trên nền đường băng hơi nóng hầm hập hắt lên, bỗng tôi khựng lại khi bắt gặp Đại tá Trần Hồng, nguyên phóng viên của Báo QĐND cũng có mặt ở sân bay, đang đứng trang nghiêm, giơ tay chào người Anh Cả của QĐND Việt Nam với đôi mắt nhòe lệ. Giây phút ấy, trong tôi bừng lên một cảm xúc thật khó tả, sống mũi cay cay nhưng lại dấy lên niềm tự hào. Tự hào vì mình là một nhà báo chiến sĩ, được có mặt ở nơi ấy vào giờ phút thiêng liêng, truyền những hình ảnh, những xúc cảm sống động về Đại tướng tới đồng bào, nhân dân cả nước.
Từng ấy năm đã trôi qua, nhiều chuyến đi đã được thực hiện và tôi luôn tự hào khi được gọi là phóng viên Báo QĐND-nơi đã nuôi dưỡng, rèn luyện và tạo cơ hội cho lớp phóng viên trẻ chúng tôi có những chuyến đi để trưởng thành.
* Thiếu tá LÊ HÙNG KHOA, Phóng viên Ban đại diện Báo QĐND tại TP Hồ Chí Minh:
Không ngừng rèn luyện, phấn đấu
Sau khi tốt nghiệp Trường Sĩ quan Lục quân 2, tháng 9-2010, tôi được điều động về công tác tại Báo QĐND và được phân công làm phóng viên tại Ban đại diện Báo QĐND tại TP Hồ Chí Minh. Đó là bước ngoặt lớn mà trước đó tôi chưa từng nghĩ tới. Đã có những bỡ ngỡ, khó khăn ban đầu, nhưng tôi được các thủ trưởng, đồng nghiệp tận tình hướng dẫn, giúp đỡ, cùng với sự nỗ lực, không ngừng học hỏi của bản thân, tôi đã có những tiến bộ nhất định.
 |
Thiếu tá Lê Hùng Khoa |
Tuổi đời, tuổi quân, tuổi nghề của chúng tôi còn ít. Chặng đường công tác phía trước còn dài với nhiều khó khăn, thách thức cần phải vượt qua, đòi hỏi những phóng viên trẻ như tôi không ngừng phấn đấu, tích cực trau dồi phẩm chất đạo đức, nỗ lực học tập để hoàn thiện bản thân và nghiệp vụ chuyên môn. Tôi và các đồng nghiệp trẻ phải tự giác nghiên cứu, học hỏi để luôn nắm vững đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, giữ vững định hướng chính trị trong từng tác phẩm báo chí; thường xuyên trau dồi kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, viết được đa dạng thể loại, phản ánh được hoạt động của bộ đội, đời sống xã hội; sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ của tờ báo chiến sĩ.
* Thiếu tá PHẠM QUANG KIÊN, Phóng viên thường trực khu vực Tây Bắc:
Tận hiến như thế hệ nhà báo chiến trường
So với nhiều anh chị em phóng viên của tòa soạn thì tôi về Báo QĐND có phần muộn hơn. Vì lẽ đó, mỗi ngày, tôi luôn tự nhắc mình phải cố gắng học hỏi các tấm gương nhà báo đi trước, chịu khó đi thực tế để có thêm kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp. Tháng 12-2019, tôi được tòa soạn điều động lên Điện Biên làm phóng viên thường trực Báo QĐND khu vực Tây Bắc. Điều đặc biệt, Điện Biên Phủ cũng chính là địa bàn mà cách đây hơn 66 năm đánh dấu sự ra đời của Tòa soạn tiền phương và Nhà in Báo QĐND. Tôi đã có dịp được trò chuyện với nhà báo lão thành Nguyễn Khắc Tiếp, nguyên phóng viên của Tòa soạn tiền phương. Biết tôi lên nhận nhiệm vụ, cụ nắm chặt tay tôi, nhắn nhủ: “Cậu là phóng viên, người cầm bút, không như chúng tôi ngày xưa vừa cầm bút vừa cầm súng. Nhưng trước khi làm gì, cậu cũng nên nhớ mình là một người lính, nghĩa là sẵn sàng chấp nhận hoàn cảnh, vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Tôi tin, không riêng cậu mà ai là phóng viên Báo QĐND cũng sẽ làm được”. Lời nhà báo Khắc Tiếp như có lửa khiến tôi thêm vững chí bền gan...
 |
Thiếu tá Phạm Quang Kiên |
Vinh dự đứng trong hàng ngũ những nhà báo chiến sĩ trên mảnh đất Tây Bắc, tôi lại càng ý thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của mình. Ngoài việc nâng cao bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp, khiêm tốn học hỏi, tôi không ngừng trau dồi tác phong, nghiệp vụ làm báo, nâng cao hiểu biết về nhiều lĩnh vực để qua các tin, bài gửi về tòa soạn kịp thời phản ánh được phần nào cuộc sống, lao động của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn.
* Thượng úy NGUYỄN HOÀNG ANH, Biên tập viên Phòng Thư ký tòa soạn:
Tự hào làm “người gác cổng thầm lặng”
Sinh ra trong gia đình có cả bố và mẹ đều là quân nhân nên tôi được biết và tiếp xúc với Báo QĐND từ khi còn nhỏ. Tuy nhiên, ngày ấy tôi còn chưa hiểu hết về những câu chữ, nội dung đăng trên báo, mà ấn tượng đầu tiên chỉ qua lời giới thiệu đơn giản của bố: “Đây là tờ báo được bộ đội đọc nhiều và yêu thích nhất. Báo lớn nhất của quân đội đấy, con ạ!”. Tình cảm, niềm tự hào về bố mẹ, về những quân nhân trong QĐND Việt Nam của tôi từ đó bao gồm cả lòng ngưỡng mộ đối với “tờ báo của bộ đội”.
 |
Thượng úy Nguyễn Hoàng Anh |
Đến nay, sau thời gian được công tác tại Báo QĐND, tôi càng cảm thấy vinh dự, tự hào khi được là một phần của tờ báo chiến sĩ hai lần anh hùng. Là một biên tập viên thuộc Phòng Thư ký tòa soạn-công việc được nhiều thế hệ người làm báo gọi vui là “người nhặt sạn”, “người gác cổng thầm lặng”, tôi luôn nhận thức được rằng đằng sau mỗi câu chữ, hình ảnh đăng trên bất cứ ấn phẩm nào của báo đều là uy tín, danh dự của cả tờ báo đã có bề dày truyền thống 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành. Vì thế, tôi cùng các đồng nghiệp luôn nỗ lực tự học, tự rèn để nâng cao trình độ; nêu cao tinh thần trách nhiệm, cẩn trọng, tỉ mỉ khi biên tập-hiệu đính hay trình bày mỗi tin, bài, ảnh trên báo, để từng số báo luôn bảo đảm đúng, hay và đẹp, để “tờ báo của chúng ta” luôn giữ vững được sự tin tưởng, yêu mến của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và đông đảo bạn đọc trên khắp mọi miền Tổ quốc.
CHÂU XUYÊN (thực hiện)