Hội tụ truyền thống và hiện đại

Trong buổi chiều muộn của mùa xuân, mưa lất phất và se lạnh, mỗi bước chân dẫn lối vào Di tích quốc gia đặc biệt khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần như có phần huyền ảo hơn khiến lòng người dấy lên cảm xúc ngập tràn. Lễ hội đền Trần tỉnh Thái Bình đã chính thức khai mạc giữa không gian giao hòa của trời đất.

Với tất cả tấm lòng thành kính, tưởng nhớ và tri ân công đức các liệt tổ, liệt tông triều Trần, hàng vạn con dân đất Việt từ mọi miền Tổ quốc đều hướng về vùng đất Long Hưng-Hưng Hà. Đây là cơ hội để gặp gỡ, giao lưu và tạo ra những mối quan hệ gắn kết mạnh mẽ giữa các thế hệ, từ người già đến người trẻ. Đồng thời, đó cũng là dịp để thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về lịch sử, truyền thống của dân tộc, từ đó nuôi dưỡng tình yêu và tự hào về đất nước, về quê hương mình.

Trong phát biểu khai mạc lễ hội, bà Trần Thị Bích Hằng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình nhấn mạnh: “Tự hào là nơi phát tích của vương triều Trần, từ nhiều thập kỷ qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Bình đã chú trọng triển khai các hoạt động thiết thực để tôn vinh những giá trị đặc biệt của các di sản văn hóa thời Trần trên quê hương. Đồng thời tiếp tục khẳng định, nâng cao vị thế của lễ hội, đáp ứng nhu cầu tâm linh của các tầng lớp nhân dân; trở thành một địa chỉ giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước cho các thế hệ người dân Việt Nam, điểm đến hấp dẫn về du lịch văn hóa tâm linh ngày càng lan tỏa, thu hút đông đảo đồng bào, du khách của cả nước và bạn bè quốc tế”.

leftcenterrightdel
 Màn trống hội Long Hưng-Tôn miếu triều Trần.

Đến với lễ hội đền Trần tỉnh Thái Bình, không chỉ để hòa mình vào lịch sử, vào văn hóa truyền thống qua những nghi thức thiêng liêng như lễ mở đền, tế dâng hương, lễ rước nước, người dân còn háo hức, mong chờ những màn biểu diễn trong lễ khai mạc được đầu tư công phu, hiện đại. Năm nay, sân khấu đêm khai mạc với diện tích hơn 1.000m2 hiện lên thật khác lạ với nhiều tiểu cảnh sông nước, cầu tre, đụn rơm, nhà mái rạ, thuyền nan... Vở diễn bán thực cảnh "Hùng oanh một cõi trời Nam" kết hợp công nghệ trình chiếu 3D Mapping đã tái hiện một cách sống động, đầy màu sắc câu chuyện về triều đại vàng son nhà Trần. Ở đó một “Hào khí Đông A-Tiếng vọng ngàn năm” được khẳng định, quân với dân một lòng “phụ tử” thề quét sạch bóng thù, giữ cho được bờ cõi nước Nam, để cho “Non sông ngàn thuở vững âu vàng”.

Chứng kiến màn trống khai hội với 175 tay trống, tượng trưng cho 175 năm trị vì của vương triều Trần hiển hách, em Nguyễn Thị Phương Thảo, học sinh Trường THPT Hưng Nhân (xã Phú Sơn, huyện Hưng Hà) chia sẻ: “Lễ hội rất ấn tượng và giúp chúng em ghi nhớ lịch sử và yêu quê hương hơn. Thật tự hào trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc Việt Nam, nhà Trần là một trong những triều đại huy hoàng để lại nhiều chiến công hiển hách với 3 lần chiến thắng giặc Mông Nguyên”.

Trong 5 ngày lễ hội, người dân và du khách được hòa mình vào các hoạt động thi cỗ cá, đây là một nét văn hóa riêng có tại lễ hội đền Trần tỉnh Thái Bình để nhắc nhớ đến nguồn cội của nhà Trần làm nghề chài lưới. Những cuộc thi têm trầu cánh phượng, thi pháo đất, thi gói bánh chưng, giao lưu các câu lạc bộ chèo... Điều đặc biệt là tất cả thông tin về lễ hội đều được số hóa gắn mã QR, du khách có thể truy cập tìm hiểu ở khắp các điểm trong khu di tích.

Tự hào truyền thống quê hương

Lễ rước nước được coi là nghi lễ quan trọng nhất tại lễ hội đền Trần tỉnh Thái Bình. Nghi lễ tái hiện cuộc sống trước kia của tổ tiên nhà Trần trước khi lên làm vua gắn với nghề chài lưới trên sông nước. Lễ rước nước năm nay thu hút gần 80 đoàn ở trong và ngoài tỉnh với hơn 2.000 người tham gia, ngoài ra còn có các du khách, tín đồ Phật tử thập phương về tham dự.

Ông Đặng Vũ Trần Nhã, thủ nhang đền Trần cho hay: “Lễ rước nước bắt đầu từ khu lăng mộ triều Trần, đi dài ven đê tới bến sông Hồng. Tại đây nghi lễ rước thủy được diễn ra trên sông Hồng, đoàn thuyền khởi hành ra dòng nước trong sạch giữa sông Hồng. Sau khi lấy đầy chum, đoàn thuyền trở về trong những lời chúc tụng một năm mới mưa thuận gió hòa”.

Về làm dâu họ Trần ở thôn Trung Thượng, xã Tiến Đức bao nhiêu năm thì từng đó năm bà Nguyễn Thị Hà, 84 tuổi đều tham gia lễ rước nước. Bà Hà cho hay ngày nay, nghi lễ trở thành nghi thức gắn với tín ngưỡng cầu nước, cầu cho mùa màng tươi tốt cũng như báo công đến các vị vua của cư dân vùng châu thổ sông Hồng sau một năm sản xuất.

Còn bà Lô Thị Hữu (nhà ở Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội) phấn khởi nói: “Mỗi khi đến đây, trong lòng tôi lại dâng lên một cảm xúc thiêng liêng tự hào về truyền thống cha ông và thấy lòng thanh thản một niềm tin năm mới hạnh phúc và may mắn. Nét đẹp này cần được duy trì và phát huy để mỗi người dân đất Việt dù đi bất cứ đâu cũng nhớ về cội nguồn với niềm tự hào sâu sắc”.

Bài và ảnh: ĐẶNG NGUYỄN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.