QĐND - Không ngoa khi khẳng định rằng, trong gần một thế kỷ qua, bóng đá thế giới đã có những bước chuyển mạnh mẽ. Từ thuở sơ khai tới tầm vóc hiện đại như ngày nay, sự phát triển của bóng đá mang tính cộng hưởng của vô vàn yếu tố khác nhau. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, trong quá trình đổi thay không ngừng ấy, sự đóng góp bằng ý tưởng của những người Pháp thực sự mang tính cách mạng, biến bóng đá trở thành môn thể thao vua như cả thế giới đã, đang và sẽ tiếp tục thừa nhận.

 “Cha đẻ” của World Cup, EURO

Tháng 5-1904, Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) được thành lập tại một trụ sở của Hiệp hội Thể thao Pháp tại số nhà 229 đường Xanh Hô-noa (Pa-ri, Pháp). Ban đầu, FIFA có sự tham dự của đại diện đến từ 7 quốc gia, gồm: Pháp, Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Thụy Sĩ. Ông Rô-be Gu-ê-ranh, một nhà báo của tờ Le Martin (Pháp) đã được bầu là chủ tịch FIFA và giữ chức vụ này tới năm 1906. Người kế nhiệm ông Gu-ê-ranh là ông Đa-ni-en Bơ-lây Gôn-phôn (Anh). Trong giai đoạn sơ khai này, FIFA đã đề cập ý tưởng về một giải thi đấu quốc tế, nhưng Chiến tranh thế giới thứ nhất bắt đầu (năm 1914) đã khiến hoạt động của FIFA chịu ảnh hưởng tiêu cực. Trong giai đoạn này, các đội tuyển thành viên thậm chí không được sang quốc gia khác thi đấu và các trận đấu phải tổ chức tại sân trung lập. Đương nhiên, hội nghị của FIFA cũng không thể tổ chức giai đoạn này. Năm 1918, ông Gôn-phôn bị bắn chết càng khiến vai trò của FIFA trở nên mờ nhạt. Nhưng chính từ đống tro tàn này, điều kỳ diệu đã xuất hiện.

Cố chủ tịch FIFA Giuyn Ri-mê (trái) là một trong những người Pháp có đóng góp lớn lao với bóng đá thế giới. Ảnh: Frenchinfluence.over-blog.fr

Năm 1919, ông Giuyn Ri-mê (Pháp) được bầu làm chủ tịch FIFA. Cùng với người đồng hương là Tổng thư ký FIFA Hen-ri Đê-lau-nây, ông Ri-mê đã hành động đầy tích cực để bóng đá vươn lên tầm cao mới. Thời điểm ấy, môn bóng đá trong khuôn khổ Ô-lim-pích đã được tổ chức rất bài bản, công phu dưới sự điều hành của chính FIFA. Tuy nhiên, tham vọng của Ri-mê chưa dừng lại ở đây. Tại Hội nghị FIFA năm 1928 được tổ chức ở Am-xtéc-đam (Hà Lan), bộ đôi Ri-mê - Đê-lau-nây đã đề nghị cần tổ chức một giải bóng đá nhà nghề cấp thế giới chứ không chỉ gói gọn ở Ô-lim-pích nữa. Khi bỏ phiếu, có tới 25 phiếu thuận, chỉ có 5 phiếu chống. Ngay sau đó, FIFA đã công bố kế hoạch tổ chức một giải bóng đá thế giới mở rộng cho tất cả các liên đoàn thành viên.

Năm 1930, Cúp thế giới chính thức ra đời và được gọi là FIFA World Cup Championship. Tên gọi này kéo dài đến năm 1974 mới được đổi tên thành FIFA World Cup và giữ nguyên tới ngày nay. Cũng trong giai đoạn này, để tôn vinh công lao và ý tưởng vĩ đại của chủ tịch Ri-mê, chiếc cúp có tên Chiến Thắng dành cho đội vô địch đã được đổi thành cúp Giuyn Ri-mê vào năm 1946. Theo dòng thời gian, FIFA World Cup đã khẳng định vị thế của giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh ở cấp độ đội tuyển quốc gia. Trong thành công ấy, vai trò khởi xướng của Ri-mê là không thể phủ nhận.

Khi World Cup chưa ra đời, ông Đê-lau-nây đã đề xuất tới ý tưởng tổ chức một giải đấu mang cấp độ châu lục. Mong muốn tạo ra giải bóng đá dành cho các quốc gia thành viên châu Âu đã được ông Đê-lau-nây lên phương án tỉ mỉ, nhưng khi đó, do đang tập trung bàn thảo về World Cup nên các thành viên không mấy để ý. Mãi đến năm 1958, khi ông Đê-lau-nay qua đời đã 3 năm, vòng loại EURO đầu tiên mới được tổ chức và vòng chung kết EURO đầu tiên diễn ra vào năm 1960. Để ghi nhận công lao to lớn của Đê-lau-nây, chiếc cúp vô địch đã được đặt theo tên ông.

Lại là người Pháp

Không gói gọn ở cấp độ đội tuyển quốc gia, người Pháp cũng chính là những người đã khai sinh ra cúp C1 châu Âu, giải đấu tiền thân của Champions League danh giá nhất ở cấp độ câu lạc bộ vào thời điểm này. Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, các câu lạc bộ bóng đá ở châu Âu mọc lên như nấm sau mưa. Đương nhiên, các giải vô địch quốc gia và cúp nội địa được tổ chức. Nhưng khi ấy, chưa có câu lạc bộ nào vượt qua được biên giới nước mình. Đến những năm cuối thập kỷ 20 của thế kỷ XX, các liên đoàn bóng đá ở Trung và Nam Âu lập ra giải đấu đầu tiên dành cho các câu lạc bộ ở những khu vực này với tên gọi Mitropa Cup. Tuy nhiên, sau một thời gian tổ chức, giải đấu này đã bị lạnh nhạt do ảnh hưởng của Chiến tranh thế giới thứ hai. Lúc đó, Latin Cup, giải đấu dành cho những đội bóng đến từ I-ta-li-a, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Pháp thế chỗ Mitropa Cup để gây được tiếng vang.

Nhưng bước ngoặt dẫn đến sự ra đời của cúp C1 châu Âu lại bắt nguồn từ một… đội bóng Anh. Thời điểm đó, đội tuyển Hung-ga-ry được coi là một trong những đội mạnh nhất thế giới. Vậy nên, năm 1954, khi Wolverhampton (Anh) hạ được Honved Budapest (Hung-ga-ry) với nòng cốt là các tuyển thủ quốc gia Hung-ga-ry, đó là một sự kiện gây chấn động. Sau chiến thắng này, huấn luyện viên Xtan Cu-lít của Wolverhampton vênh vang tuyên bố, câu lạc bộ của ông là “nhà vô địch thế giới”.

Phát biểu của Cu-lít vô tình khiến Ga-bri-en Ha-nô, một người Pháp, chủ bút tờ L’Equipe cảm thấy... khó chịu. “Trước khi tuyên bố Wolverhampton Wanderers là bất bại, hãy để cho họ tới thi đấu ở Mát-xcơ-va và Bu-đa-pét chứ không thể có chuyện họ cứ thi đấu trên sân nhà rồi cho rằng mình là nhà vô địch! Còn có những câu lạc bộ khác như Real Madrid và AC Milan cũng tuyên bố rằng họ là đội bóng không thể bị đánh bại. Do đó, một giải vô địch thế giới cấp câu lạc bộ, hay ít ra cũng là của châu Âu, cần phải được tổ chức. Giải này cần phải có uy tín, tập hợp được rộng rãi các câu lạc bộ tham gia hơn cúp Mitropa và giống như một giải vô địch thế giới giữa các đội tuyển quốc gia thu nhỏ”, Ha-nô khẳng định. Thực tế thì trước khi sự kiện này diễn ra, từ rất lâu, Ha-nô đã cùng đồng nghiệp Giắc Phê-ran kiên trì vận động để tạo ra một giải đấu đỉnh cao gồm các câu lạc bộ vô địch các quốc gia châu Âu, thi đấu vào ban đêm dưới ánh đèn sân vận động.

Mọi chuyện sau đó diễn ra thế nào thì hẳn nhiều người cũng biết. Tại Đại hội Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) họp vào tháng 3-1955, UEFA đã xem xét tỉ mỉ đề nghị này và một tháng sau đã ra quyết định khởi tranh giải đấu mang tên Giải bóng đá giữa các đội vô địch quốc gia châu Âu mùa 1955-1956. Cúp C1 châu Âu (đến năm 1992 đổi tên thành Champions League) đã ra đời như thế và đương nhiên, công lao hàng đầu thuộc về ý tưởng cũng như những nỗ lực không mệt mỏi của Ha-nô.

LONG NGUYÊN (tổng hợp)