QĐND - Là một sản phẩm khoa học, nội dung của sách từ điển cần nhất là sự chính xác, cập nhật, mới mẻ. Chính đặc trưng này mà từ điển luôn phải viết lại, bổ sung, chỉnh sửa, nâng cấp theo chu kỳ năm hoặc mười năm tùy vào sự biến động của chuyên ngành (từ điển xã hội học, từ điển triết học, từ điển thành ngữ, từ điển song ngữ Anh-Việt,…). Là một loại sách công cụ dùng để tra cứu cho tất cả mọi người quan tâm, nên từ điển lại phải bảo đảm tính tiện ích, dễ sử dụng, thiết thực... Xét về chức năng thì từ điển là nơi cung cấp thông tin, giải thích thông tin về ngôn ngữ một cách dễ hiểu và khách quan, góp phần chuẩn hóa ngôn ngữ và phục vụ nghiên cứu. Ví dụ muốn đi du lịch đến vùng đất nào đó người ta sẽ tìm đọc trong từ điển về văn hóa để quyết định đi hay không, đi thì tìm hiểu cái gì là đặc trưng nhất… Từ chức năng này mà có nhiều loại từ điển như từ điển bách khoa toàn thư làm rõ nghĩa một từ, ngữ, thuật ngữ, khái niệm, phạm trù hay một vấn đề cụ thể trong đời sống. Và các loại từ điển hình thành dưới nhiều dạng, góp phần đáp ứng một hoặc nhiều nhu cầu khác nhau, như từ điển luật học, từ điển thần học, từ điển tiếng lóng,.. Người ta lại phân từ điển ra thành các nhóm, nhóm cung cấp kiến thức về những nhân vật, sự kiện lịch sử, địa danh cụ thể hay một tổ chức kinh tế, chính trị trong xã hội. Nhóm giải thích từ, ngữ là phổ biến và quan trọng hơn cả, vì nó giúp độc giả hiểu và vận dụng chính xác những kiến thức từ đơn giản đến phức tạp.

Tóm lại, tuy có nhiều dạng, nhiều loại, nhiều chức năng khác nhau nhưng đã là từ điển, thì như tên gọi, bao giờ cũng phải bảo đảm tính chuẩn mực cao. Người ta nói sách là tri thức thì sách từ điển là tri thức mẫu mực nhất, mẫu mực về nội dung thông tin (chính xác nhất), mẫu mực về diễn đạt (ngắn gọn, dễ hiểu nhất). Chính vì quan trọng như vậy mà ngôn ngữ học có hẳn một bộ môn chuyên biệt được gọi là từ điển học đi sâu nghiên cứu lý thuyết và kỹ thuật thực hành biên soạn các loại từ điển. Cho nên để viết (tham gia) từ điển là phải các chuyên gia, thường là những người đứng đầu một ngành khoa học nào đó. Chiểu theo những hiểu biết trên đây về từ điển thì chúng ta thực sự ngạc nhiên trước một hiện tượng rất không hay trong đời sống học thuật văn hóa nước nhà. Có một “nhà từ điển học” tên là Vũ Chất nào đó đã qua mặt bao nhà ngôn ngữ học tên tuổi Việt Nam, qua mặt 5 nhà xuất bản có tiếng, qua mặt bao khâu kiểm duyệt… để “viết” bộ “từ điển tiếng Việt dành cho học sinh” có những lỗi sai cơ bản không thể chấp nhận. Trách nhiệm khắc phục đã được một nhà xuất bản chính thức nhận lỗi, còn bài học thì là sự nghiêm túc rút kinh nghiệm không của riêng ai.

Một là, đối với đơn vị xuất bản, thì rõ ràng là không hề nắm được đặc trưng, tầm quan trọng của sách xuất bản. Sách từ điển đã quan trọng, lại là từ điển dành cho đối tượng học sinh thì phải yêu cầu cao hơn nhiều. Vì nếu sai sót thì sẽ ảnh hưởng tới tri thức của cả một thế hệ. Thế mà lại bỏ qua yêu cầu khoa học nên khâu biên tập, thẩm định hết sức đại khái qua loa, vì thế mới mắc các lỗi sơ đẳng mà không phát hiện kịp thời. Hơn nữa cũng không hề biết nhân thân của tác giả thì quả là hết sức tắc trách, quan liêu (vì thông thường phải có văn bản ký hợp đồng xuất bản giữa tác giả và nhà xuất bản).

Hai là, với giới ngôn ngữ học cũng không thể không liên đới. Là sách quan trọng của ngành mình, phát hành đã 13 năm mà không có nhà ngôn ngữ nào lên tiếng, tức là không có ai đọc, thì cũng đáng trách. Như đã nói ở trên, ngôn ngữ học có cả chuyên ngành từ điển học, tức có người nghiên cứu, có công trình khoa học (về từ điển đang sử dụng)… Thế mà để nhìn ra vấn đề nghiêm trọng này thì lại không phải của giới ngôn ngữ.

Ba là, về phía độc giả, đây là bài học cho việc chọn sách. Cổ nhân dạy phải chọn bạn mà chơi, sách cũng là bạn thì phải chọn kỹ, chọn nội dung sách hay, phù hợp, chọn sách của tác giả, nhà xuất bản có uy tín. Nếu là chọn sách cho trẻ em thì người lớn phải thẩm định trước.

Bốn là, về phía cơ quan quản lý, cũng là một kinh nghiệm về quản lý phải bằng luật hóa xuất bản. Phải quản lý bằng luật và các văn bản dưới luật được cụ thể hóa, chứ không thể bằng cách một người có trách nhiệm phải đọc kiểm định hàng trăm ấn phẩm mỗi ngày, nếu còn kiểu này thì sai lầm sẽ vẫn tái diễn, vì đơn giản chẳng có ai đủ sức đọc như vậy.           

NGUYỄN THANH