QĐND Online – Không tổ chức ở những gallery sang trọng hay những viện bảo tàng, trung tâm văn hóa lớn nhưng triển lãm tranh “Nguyễn Tiến Bình và chuỗi ký ức” diễn ra trong khuôn viên của Học viện Quân y vào chiều 4-9, vẫn thu hút đông đảo người xem. Công chúng đến triển lãm để “thực mục sở thị” tài năng của họa sĩ “tay ngang”, Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc Nhân dân, Trung tướng Nguyễn Tiến Bình, Giám đốc Học viện Quân y.
Vẽ tranh để gây quỹ từ thiện giúp đỡ học viên
Triển lãm để lại ấn tượng sâu sắc với người xem bởi không gian nghệ thuật bình dị nhưng gần gũi, ấm tình đồng chí, đồng đội. Tác giả cho rằng, triển lãm tranh tại nơi này là để chia sẻ với các đồng nghiệp, thầy giáo, học sinh, bệnh nhân và bạn bè thành quả lao động nghệ thuật mà ông đã dành biết bao thời gian, tâm huyết.
 |
Trung tướng Nguyễn Tiến Bình, Giám đốc Học viện Quân y |
Là một chuyên viên đầu ngành về chấn thương chỉnh hình nhưng niềm đam mê hội họa đã thôi thúc người bác sĩ, chiến sĩ Nguyễn Tiến Bình cầm cọ để trải lòng mình trong từng nét vẽ. Ông vẽ với niềm đam mê và hướng đến mục đích ý nghĩa, đó là toàn bộ số tiền bán tranh sẽ dành tặng nhà trường để gây quỹ khích lệ học viên giỏi do ông khởi xướng tại Học viện Quân y. Tên tiếng Anh của quỹ là “Inspiration for Big Seeds”. Chữ Seeds có nghĩa là “hạt giống” mang ý nghĩa lớn lao, đó là sự nuôi trồng những thế hệ kế tiếp mà người lập quỹ này muốn gửi gắm. Học viện sẽ sử dụng quỹ này để động viên, khuyến khích các học viên có thành tích trong học tập và nghiên cứu khoa học.
“Một chút quà nhỏ động viên, khích lệ đúng lúc sẽ có tác dụng tích cực thúc đẩy động lực phấn đấu của những người thầy thuốc trong tương lai. Đó cũng chính là niềm tin của tôi. Tôi tin rằng, thế hệ mai sau sẽ làm tiếp những gì hôm nay chúng ta chưa làm được. Tôi mong muốn quỹ này sẽ được duy trì và ngày càng lớn mạnh nhờ sự chung tay, góp sức của nhiều người”, Trung tướng Nguyễn Tiến Bình bày tỏ.
42 bức tranh trưng bày tại triển lãm đều thuộc thể loại sơn dầu, trong đó có 36 bức tranh trừu tượng mang tên “Ký ức” được đánh số từ 1 đến 36, tạo thành “chuỗi ký ức” của tác giả.
“Mỗi bức tranh đều gắn với một ký ức hay một kỷ niệm. Cảm xúc và lý trí hòa quyện với nhau giúp tôi tạo nên những đứa con tinh thần. Tôi đã gửi vào mỗi tác phẩm của mình những ký ức của từng giai đoạn, kỷ niệm ở những nơi tôi đã sống và làm việc”, Trung tướng Nguyễn Tiến Bình chia sẻ.
“Giải phóng” bản thân bằng tranh
Trung tướng Nguyễn Tiến Bình sinh ra tại làng Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội đúng vào ngày 10-10-1954. Triển lãm lần đầu tiên trong cuộc đời làm nghệ thuật của ông diễn ra vào dịp kỷ niệm 60 năm Ngày giải phóng Thủ đô.
 |
Trung tướng Nguyễn Tiến Bình và vợ xem tranh tại triển lãm |
Là người con của mảnh đất nghìn năm văn hiến nên Trung tướng Nguyễn Tiến Bình coi triển lãm này như một món quà tặng Hà Nội vào dịp lễ trọng. Những tác phẩm nghệ thuật được thực hiện bởi tấm lòng của một họa sĩ không chuyên nhưng chứa đựng tình yêu với mảnh đất đã nuôi dưỡng ông trưởng thành như ngày hôm này.
Độc giả đến với triển lãm không chỉ để thưởng thức nghệ thuật hội họa mà còn được cảm nhận tấm lòng của một công dân Thủ đô sinh ra đúng ngày Hà Nội được giải phóng.
Đánh giá về các tác phẩm của Trung tướng Nguyễn Tiến Bình, họa sĩ Phạm Lực cho rằng, khi xem tranh của ông, không nên lấy kỹ thuật ở nhà trường hoặc sự khoa trương bút pháp để làm thước đo vẻ đẹp của tác phẩm. Tranh của ông thể hiện sự chân thực, hồn nhiên của người từng trải trong cuộc sống. Dường như trong con người ông, giữa nhà quản lý, nhà khoa học và người nghệ sĩ hòa quyện cùng nhau. Thật đáng quý khi có một người vừa có nhiều công lao trong khoa học, lại say mê sáng tạo nghệ thuật như vậy.
Theo nhận xét của Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Thượng tá Nguyễn Bình Phương, những bức tranh của Trung tướng Nguyễn Tiến Bình là sự giải phóng chính bản thân anh. Quả thực, chẳng có bất cứ một quy tắc nào trong các tác phẩm của ông. Mỗi bức tranh đều xuất phát từ tinh thần tự do, tự do đến mức tự nhiên. Điều này cho thấy kích thước tâm hồn người vẽ và sự hồn nhiên, vượt qua những ràng buộc về kỹ thuật. Đây có thể coi là thế mạnh của tác giả. Xem tranh của ông, độc giả dường như được thấy cả một miền ký ức, dẫn dụ, hòa quyện vào nhau giữa màu sắc, hình hài, cảm giác và ý tưởng.
Họa sĩ, NSND Lê Huy Quang, Ủy viên Hội đồng Nghệ thuật trang trí, Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, tranh của Trung tướng Nguyễn Tiến Bình thể hiện góc nhìn của người lính, bác sĩ nhưng không phải con mắt nhìn đời qua lăng kính y học của người thầy thuốc mà là của một nghệ sĩ tràn đầy cảm hứng trước cuộc sống hôm nay. Tác giả đã tạo nên những bức tranh chân thực về phong cảnh quê hương, đất nước, cỏ cây, hoa, lá của thiên nhiên, tạo nên những cung bậc sâu lắng, khoảnh khắc dung động trong tâm hồn mỗi con người.
Thành công của Trung tướng Nguyễn Tiến Bình luôn có hình bóng của người mẹ và vợ ông. Trong rất nhiều tác phẩm của mình, hình ảnh về gia đình hiện hữu ở vị trí trang trọng.
Nhìn thấy con trai làm việc vất vả, bà Hồ Thị Lệ Tân, mẹ của Trung tướng Nguyễn Tiến Bình thương con lắm nhưng bà chỉ nhẹ nhàng động viên con cố gắng giữ gìn sức khỏe. Nhìn gương mặt hiền hậu, ánh mắt bà toát lên niềm vui mừng vì được chứng kiến thành quả lao động nghệ thuật của con, chúng tôi hiểu rằng, triển lãm là một liều thuốc bổ để bà tiếp tục trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc cho người chiến sĩ của Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp tục gặt hái thành công trên con đường nghệ thuật.
Bài, ảnh: KHÁNH HUYỀN