Đất nước hoàn toàn độc lập, thống nhất đã 46 năm-45 mùa Trung thu của các cháu trăng tròn vành vạnh... Vậy mà Trung thu này, trăng vẫn đẹp, nhưng các cháu đâu được thưởng ngoạn trọn vẹn vẻ đẹp huyền sang của chị Hằng. Chỉ vì, kẻ thù vô hình - Covid-19.
Các cháu vừa có ngày khai trường thật đặc biệt, khai trường mà không được tựu trường, không được tưng bừng hát ca. Trung thu đêm nay cũng vậy. Các cháu không được cắm trại, thỏa thích tưng bừng múa ca, không được rước đèn ông sao, không được duyệt Cờ, duyệt Đội, không được quây quần vòng trong, vòng ngoại của thời khắc thú vị - phá cỗ...
Với các cháu còn là F0, F1, F2, các cháu ở khu phong tỏa, cách ly ở các vùng dịch thì còn thiệt thòi cấp bội phần. Các cháu chỉ được ngắm trăng trong một không gian hẹp, đó chỉ là ban công, là sảnh bệnh viện, có cháu chỉ được ngắm trăng qua cửa sổ, có cháu phải ngắm bóng điện trần nhà thay trăng....
 |
Trẻ em trong khu vực phong tỏa được tặng quà Trung Thu. Ảnh minh họa: TTXVN |
Ở nơi thế giới người hiền, đêm nay anh linh Bác Hồ kính yêu càng nhớ thương các cháu, Bác vẫn làm thơ tặng các cháu thương yêu. “Vầng trăng Ba Đình” sẽ tỏa sáng nơi nơi, đến với mọi miền quê, đến với các vùng xanh, vùng đỏ, đến nhiều hơn với các cháu lúc nguy nan.
Nhớ vần thơ Bác, khắc ghi lời dạy của Người, các bác lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương càng thấu thiểu những thiệt thòi của các cháu trong Tết Trung thu này, để rồi quan tâm nhiều hơn, bù đắp cho các cháu nhiều hơn cả về vật chất lẫn tinh thần.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trước khi sang thăm nước bạn Cuba đã gửi Thư Trung thu dạt dào tình yêu thương tới các cháu thiếu niên, nhi đồng. Ở nhiều địa phương, nhất là ở những nơi bệnh dịch đang hoành hành, chính quyền địa phương và lực lượng tuyến đầu, cùng với chống dịch đã dành cho các cháu đang nhiễm bệnh, các cháu ở nơi phong tỏa, cách ly tình cảm và sự quan tâm đặc biệt.
Tối 20-9, (tức 14 tháng Tám âm lịch) Đài Truyền hình Việt Nam đã tổ chức cho các cháu một đêm Trung thu trực tiếp-trực tuyến thú vị. Ở TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố phía Nam, các y bác sĩ, các chú bộ đội, công an, các anh chị thanh niên tình nguyện những ngày qua đi từng ngõ ngách, đến từng giường bệnh để tặng các cháu những món quà Trung thu thật ý nghĩa.
Các chú bộ đội của Sư đoàn 5, Quân khu 7 có sáng kiến nho nhỏ nhưng ý nghĩa biết bao. Biết đèn ông sao Trung thu này sẽ không có bán ở TP Hồ Chí Minh, các chú đã tranh thủ giờ nghỉ và cả buổi tối để cùng các tổ chức đoàn kết nghĩa và thanh niên tình nguyện làm hàng nghìn đèn ông sao tặng các cháu có hoàn cảnh khó khăn và éo le nhất. Vậy là trên những xe đạp thồ bộ đội vào bệnh viện, vào các ngõ ngách ở TP Hồ Chí Minh có cả những chiếc đèn ông sao xinh xắn. Các chú bộ đội, công an, các anh chị thanh niên tình nguyện đã mang đến các cháu tình yêu thương, bánh kẹo, trái cây, đèn ông sao và cả cái hồn nhiên, niềm tin vượt đại dịch. Các cháu có thể đón Tết Trung thu, ngắm trăng trong không gian hẹp, ở đó không có tràn đầy ánh trăng, không có rộn ràng trống ếch, điệu múa, lời ca, nhưng ở đó có tràn đầy tình yêu thương, khúc ca tình người!
 |
Chiến sĩ, cán bộ của Sư đoàn 5 (Quân khu 7) làm lồng đèn Trung thu. Ảnh: Duy Nguyễn |
Tết Trung thu cũng là dịp sum họp, đoàn viên, nhưng với các cháu có bố mẹ đang ở tuyến đầu chống dịch không có niềm vui ấy. Cũng rất nhiều cháu ở nơi xa quê, nhất là nơi thị thành, dịp này muốn về ngắm trăng quê, bên ông bà phá cỗ. Ước mơ, niềm vui nho nhỏ, hồn nhiên ấy của các cháu cũng đâu thành hiện thực - cũng vì Covid-19. Con gái người viết những dòng này không còn ở tuổi thiếu niên, nhưng dường như chất hồn nhiên vẫn còn ở cháu. Đã 11 năm nay, cứ vào dịp rằm Tháng Tám là cháu lại làm bánh Trung thu để biếu ông bà nội ngoại, các em, các cháu và sửa mâm cỗ trông trăng cho cả nhà.
Năm nay, không thể về được quê, cũng không thể gửi bánh Trung thu về biếu ông bà nội, ngoại - vì không có xe liên tỉnh, vì bánh Trung thu đâu phải "hàng thiết yếu"? nhưng cháu vẫn làm bánh cho khỏi quên nghề, và cũng là kỷ niệm về những chiếc bánh Trung thu tự làm thời dịch. Cháu làm bánh mà khóe mắt rưng rưng...
Cháu bảo cũng còn may, là Hà Nội mới được đi lại bình thường, nên có shipper bánh Trung thu kịp gửi cho các em, các cháu và tặng bạn bè. Chiều rằm Tháng Tám, cháu trực tiếp đưa đến cho những đứa cháu, đứa em bé bỏng nhất. Tôi hiểu trong đêm Trung thu cháu buồn vui lẫn lộn. Vui vì Hà Nội mọi người đã được đi lại bình thường trong điều kiện tự do mới, buồn vì không biết bao giờ mới được về quê Nam Định thăm ông bà. “Con mong nhất lúc này là dịch bệnh nhanh được đẩy lùi trong phạm vi toàn quốc, để các tuyến đường liên tỉnh không còn rào chắn, để lại được về quê...”- Cháu thổ lộ niềm mong ước với tôi như vậy.
Ước mong của người lớn, của người mới trưởng thành, của các cháu thiếu niên, nhi đồng ở các cấp độ, góc độ khác nhau, nhưng lúc này đều mong cho dịch bệnh qua mau, qua mãi, để những mùa Trung thu được ngắm trăng trong yên bình, trong rộn ràng tiếng cười, niềm vui...!
THÀNH PHƯƠNG