 |
Giáo sư Chu Hảo. |
Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, những nhân vật có tri thức luôn có ảnh hưởng lớn đời sống xã hội, tới cả vận mệnh đất nước. Tuy nhiên, thế nào là một tri thức? Đặc tính của giới tri thức Việt
Nam?...vẫn là những vấn đề thảo luận lý thú.
Trí thức không đơn thuần là người làm việc trí óc
PV: Giáo sư có thể định nghĩa một cách chung nhất về khái niệm trí thức?
Giáo sư Chu Hảo: Trí thức không có nghĩa là chỉ lao động tri thức. Như ông Anh-xtanh nói: “Một kỹ sư có thể làm được một quả bom nguyên tử nhưng chưa phải là một trí thức”.
Từ “tầng lớp trí thức” xuất hiện vào nửa đầu thế kỷ 19, trong tiếng Nga là “Intelligentsia”. Từ “người trí thức” (Intellectuel) xuất hiện ở Pháp muộn hơn một chút, khoảng sau năm 1871, tức là sau Công xã Pa-ri. Cả hai từ đó đều muốn đề cập tới một lớp người không chỉ có trình độ chuyên môn giỏi, lao động bằng trí óc như bác sĩ, kỹ sư, luật sư, nhà văn… mà hơn hết là những người đó lại phải có ý thức phản biện xã hội, quan tâm đến đời sống tinh thần, đời sống chính trị xã hội của cả xã hội. Tóm lại, tầng lớp trí thức phải hội đủ 4 yếu tố. Thứ nhất, có khả năng tiếp thu và truyền bá tri thức hoặc văn hóa (Tôi nói hoặc văn hóa là vì một bức tranh có thể không phải là tri thức, mà chỉ là văn hóa). Thứ hai, phải có năng lực tạo ra giá trị mới của tri thức hoặc văn hóa. Thứ ba là có ý thức trong việc phản biện xã hội, độc lập đề xuất và phản biện những chính sách, chủ trương của tầng lớp lãnh đạo. Cuối cùng là phải có trách nhiệm, cũng như năng lực tạo được dư luận, định hướng được dư luận xã hội. Đó là những nhiệm vụ, thiên chức hay đặc tính chủ yếu của tầng lớp trí thức.
- Với định nghĩa đó, Việt Nam đã có được một tầng lớp trí thức, thưa giáo sư?
- Ở Việt Nam, từ khi có chữ viết bằng tiếng Hán đến giờ, tức là khoảng 2000 năm, chỉ có một giai đoạn có được tầng lớp trí thức. Đó là cuối thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20. Trước đó, có một lớp người được gọi là sĩ phu. Đa số họ là những người học chữ Nho để làm quan. Trong xã hội phong kiến, con đường duy nhất tiến thân là học chữ để làm quan chứ không có ngành nghề nào khác. Để đổi đời phải đi học để làm quan. Học xong rồi thì hoặc làm quan, hoặc chưa đỗ thì về làng dạy chữ thánh hiền chờ kỳ thi sau. Họ chưa phải là trí thức.
Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, khi xã hội phong kiến suy tàn, xuất hiện một lớp người có tri thức. Họ có thể là bác sĩ, kỹ sư chứ không nhất thiết phải ra làm quan. Lớp người ấy hình thành nên một tầng lớp trí thức. Những người tiêu biểu là những nhân vật mà giờ đây được gọi là những người khai sáng của thời kỳ nền văn hóa chữ quốc ngữ xuất hiện như Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Khôi, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh….
Từ năm 1945 đến trước 1986, theo tôi, tầng lớp trí thức nếu có thì tính phản biện xã hội, hướng dẫn dư luận một cách độc lập của họ chưa rõ nét. Đến giai đoạn Đổi mới, sau 1986, do Đảng, Chính phủ ta mở rộng những thiết chế dân chủ, mọi cá nhân đều có cơ hội phát triển, hình như lại bắt đầu xuất hiện một số người mang đặc tính như tầng lớp trí thức được định nghĩa trước đây.
Phác họa đặc tính trí thức Việt Nam
PV: Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 có thể coi là giai đoạn đặt nền móng cho tầng lớp trí thức Việt Nam. Theo giáo sư ảnh hưởng của giai đoạn đó đối với hiện tại có còn sâu đậm?
Giáo sư Chu Hảo: Rất đậm. Nền văn hóa bằng chữ quốc ngữ là do những nhân vật khai sáng bắt đầu. Đến trước 1945 và cả sau này là được thừa hưởng nền văn hóa đó.
- Kể từ khi chúng ta bắt đầu công cuộc đổi mới, đến hiện tại, số lượng những con người có tri thức ngày càng đông đảo. Họ đã có những đóng góp rất lớn cho quốc gia, cho dân tộc, cho đời sống nhân dân. Liệu tập hợp những con người ấy đã có thể được coi là một giới trí thức, thưa giáo sư?
- Từ năm 1986, tiếng nói phản biện của tầng lớp có tri thức ngày càng được tôn trọng hơn. Nhưng khẳng định đã hình thành một tầng lớp trí thức chưa thì người ta còn đang bàn thảo nhiều. Còn riêng đối với bản thân tôi thì tầng lớp trí thức Việt Nam đã manh nha hình thành. Nhưng để có thể định hướng dư luận xã hội, để có thể tổ chức phản biện độc lập đối với chủ trương chính sách của Chính phủ để mọi người có thể thừa nhận đó là giai tầng ưu tú của xã hội… thì còn phải bàn.
- Giáo sư luôn nhắc tới việc người trí thức phải có ý thức phản biện độc lập các chủ trương, chính sách?
- Phản biện ở đây là nói tiếng nói của mình một cách khoa học và xây dựng. Còn những tiếng nói phản ứng lại chính sách này chính sách khác chưa chắc đã phải là những ý kiến có thể hướng dẫn dư luận xã hội. Phản ứng có tính chất bất bình khác xa lắm so với phản biện.
- Tầng lớp trí thức hiện đại khác gì so với trí thức “cũ”, thưa giáo sư?
- Họ chung ở những đặc tính quan trọng nhất của một người trí thức hay tầng lớp trí thức là tôn thờ lý tưởng chân- thiện- mỹ; độc lập tư duy; hoài nghi một cách lành mạnh (không có hoài nghi thì không có khoa học, nghệ thuật) và cuối cùng là tự do sáng tạo. Tầng lớp trí thức lúc nào cũng có chung những đặc tính như vậy. Riêng ở Việt Nam, ngoài những đặc tính đó còn mang đặc tính gì đấy của dân tộc. Đến bây giờ, việc thảo luận đặc tính của trí thức Việt Nam như thế nào vẫn chưa ngã ngũ. Nhiều người nặng nề nói trí thức Việt Nam từ sau 1945 đến giờ là cơ hội. Nói thế chưa thật thỏa đáng. Muốn kết luận như thế phải nghiên cứu từng trường hợp cụ thể. Việc nghiên cứu tầng lớp trí thức ở ta từ sau 1945 đến giờ phải dựa trên hồ sơ từng cá nhân tiêu biểu để xem vai trò, đặc tính của tầng lớp trí thức Việt Nam.
- Hiện tại đang hình thành nên một tầng lớp những người trẻ có tri thức. Họ cần gì để trở thành trí thức, thưa giáo sư?
- Lớp trẻ rất thông minh, năng động. Nhiều người hành động mang tính vụ lợi. Nhưng cũng có nhiều người hoạt động với ý thức rất rõ ràng để góp phần xây dựng nền văn hóa mới của chúng ta. Họ có rất nhiều điều kiện để phát huy. Chưa bao giờ chúng ta có phương tiện tiếp cận kho tàng thông tin tri thức rất hùng hậu như bây giờ. Hai nữa là giới trẻ được đào tạo, tuy còn nhiều hạn chế, nhưng vẫn hết sức bài bản. Những con người ấy, chỉ cần có một tấm lòng với nền văn hóa Việt Nam, có một tấm lòng chân thành với vận mệnh dân tộc thì đều có thể trở thành trí thức.
- Xin cảm ơn giáo sư!
HUY QUÂN thực hiện