Bà tôi giở trầu ra ăn, và bảo: “Con tập ăn trầu đi, sẽ thấy ấm người”. Đó là miếng trầu đầu đời và trở thành “cái nghiệp” ăn trầu, bám riết cả cuộc đời của mẹ. Ngày mẹ tôi ngoài tám mươi, răng rụng vài ba chiếc nhưng với miếng trầu không thể nào bỏ được, mẹ nói: “Mẹ bỏ trầu là mẹ sắp chết”.
Thuở nhỏ tôi vẫn nghe chị hàng xóm hát ru con: “Ru con con ngủ cho rồi/ Để mẹ đi chợ mua vôi têm trầu/ Mua vôi chợ Quán chợ Cầu/ Mua cau Nam Phố, mua trầu chợ Dinh”.
Cứ tưởng câu ca kể về những chợ phiên ở vùng quê tôi. Mãi sau này khôn lớn đi học, đi làm mới hay Nam Phố là tên Hàng Bè ở Hà Nội, nơi có nhiều cửa hiệu bán cau tươi, cau khô nổi tiếng từ thế kỷ trước. Chợ Dinh là ý nói dinh quan phủ Phụng Thiên-Thăng Long. Còn chợ Quán, chợ Cầu chắc là tên phiếm chỉ dọc đường từ nhà quê ra Hà Nội-Thăng Long. Thì ra mua vôi nơi nào cũng có, còn cau phải là Nam Phố, trầu phải là chợ Dinh mới quý mới ngon.
 |
Các liền chị Quan họ têm trầu cánh phượng- một nét đẹp của Hội Lim Bắc Ninh. Ảnh: Bảo Như. |
Chẳng biết ai là tác giả câu chuyện cổ tích “Trầu Cau” lâm ly và nhân hậu đến thế! Ba con người, ba số phận trời đất díu họ vào nhau mà cứ xé rời nhau ra, đến nỗi đều phải chết, chết thanh cao, khiết nhã. Đến nỗi nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu cho vào khung nhạc của mình những ký âm, khi xướng lên thấy mẩn mê lòng trong nhạc phẩm “Trầu Cau”. Nếu quả là chuyện Trầu Cau như thế thì tục ăn trầu phải có từ thời Hùng Vương?
Nói ăn trầu là nói gọn, vắn tắt, thực ra người ta nhai từng miếng, nuốt lấy nước, nhả bã. Một miếng trầu thông thường gồm một mảnh lá trầu không, một miếng cau, một miếng vỏ, một tí vôi. Nếu nghiện trầu thuốc thì còn thêm dăm sợi thuốc lào nữa. Vậy là ít nhất cũng có 4 món, và nhiều thì 5 món mới thành miếng trầu. Nhưng trong các món kể trên, mẹ tôi bảo rằng quan trọng nhất vẫn là trầu và cau.
Lá trầu có hai giống: Trầu mỡ và trầu quế. Kể cả những khi mất mùa trầu không do thời khí, thì mẹ tôi vẫn tìm được trầu quế để dành. Cũng chẳng biết vì đâu trầu quế thường phải trồng trên đất trồng gừng mới cho loại lá trầu thơm cay. Tuy lá nhỏ nhưng dày, màu hơi ánh vàng, có khi mặt trên lá màu xanh đậm. Còn trầu mỡ lá to, mỏng, xanh rớt. Vào nhà ai thấy trầu leo lên giàn, bò bám vào tường nhà như thể con thạch sùng leo tường thì đấy là trầu mỡ.
Người ta hái trầu xếp úp thìa thành từng mớ, nhưng chẳng ai gọi là mớ trầu mà là liền trầu hay tay trầu tuỳ từng vùng quê. Mỗi liền có từ 10 đến 15 lá. Để cho lá trầu không bị nát nhàu, người bán hàng đã có sáng kiến dùng hai que tre nẹp chắc lại. Người nhà quê thời ấy đã có ý thức của kiểu “maketting” như ngày nay. Họ đặt lá trầu to đẹp, óng ả lên trên cùng, lá xấu, lá bé xếp bên trong, nhưng cuống lá trầu tuyệt đối phải không dập gẫy, bởi còn dùng têm trầu.
Cau đứng vị trí thứ hai. Mẹ tôi kể rằng có nhiều loại cau như: Tứ thời, cau dừa, nhưng quý và ngon nhất vẫn là cau sung vùng Thanh Hà xứ Đông. Ấy là những quả cau bánh tẻ, không già, không non vừa tới hạt, bổ ra nửa màu nửa hạt là tốt nhất. Khi hạt cau dẻo, không quắt đanh lại và cũng không khô, hạt đỏ thẫm còn dính với màu gọi là cau đậu. Được miếng cau đậu còn quý hơn cả tấm bánh, quả cam.
Quả thực có người nhai miếng trầu vừa độ, nên hai hàm răng kín đáo dịu dàng, có thể chuyện trò thoải mái. Sự hòa hợp vị cay của trầu, hạt cau tươi ngọt vôi nồng, vị chát của vỏ rễ... đã làm nên chất say, ấm áp và tạo thành màu đỏ thắm má môi, thành lúng liếng ngất ngây đôi mắt. Nhai miếng quá to, quai hàm bạnh ra thật là vô duyên.
Vỏ đứng vị trí thứ ba trong phép ăn trầu. Vỏ có vỏ trầm, vỏ quạch, vỏ chay, vỏ sen, vỏ khoai, vỏ đỏ... Nhưng vỏ đỏ là loại có giá và ngon nhất.
Là thành phần thứ tư, nhưng vôi có giá trị đáng kể trong thuật ăn trầu. Vôi nhạt thì miếng trầu trở nên nhạt nhẽo. Chính vì thế mà người têm trầu phải biết căn ke thật khéo sao cho lượng vôi vừa. Ngày xưa vôi têm trầu được tôi trong bình vôi bằng sứ, to gần như quả bưởi, có quai xách. Kèm theo bình có dao têm trầu, gài cạnh miệng bình. Khi têm trầu có vôi thừa, người ta quệt lại vào miệng bình. Ban đầu bình vôi trống không, sau đó ít lâu thì ruột bình vôi đặc lại, bé lại. Dù thay bình mới, nhưng bình cũ không ai đập đi, lại được treo lên cành đa, hay treo trên miếu và dân gian gọi là ông bình vôi.
Têm trầu là một nghệ thuật. Trước hết bổ cau. Dao phải sắc để bổ ra hạt cau không bị vỡ. Rồi tiếp đến là cắt lá, quyệt vôi cho vừa và têm trầu, cắt miếng vỏ cho tương xứng. Nhìn miếng trầu có thể đoán được phong cách của người têm. Thời xưa, con gái phải học têm trầu từ còn nhỏ. Têm trầu nhanh đẹp đã khó, đặc biệt têm trầu cánh phượng mà đẹp, càng khó hơn. Têm trầu vụng nhận ra ngay: Miếng trầu quá to, thô là người đơn giản, không mực thước; cho nhiều vôi quá ấy là người không thấu đáo; cài miếng trầu không chặt chẽ ấy là người dễ dãi, thiếu đức tỉ mỉ… Nhiều gia đình có gia phong cốt cách, khi đi xem mặt nàng dâu tương lai, còn để ý cô gái ấy têm trầu ra sao.
Để có một miếng trầu còn có những đồ thức kèm theo. Đó là cơi trầu, âu trầu, bình vôi, chìa vôi, ống vôi chạm bạc. Nhà sang trọng còn có tráp trầu, khay trầu sơn mài khảm trai. Các bà các chị còn có khăn túi đựng trầu, lại thêm ống nhả bã. Các cụ răng yếu phải mang theo cối giã trầu. Nàng dâu hiếu thảo thấy mẹ chồng muốn ăn trầu nhanh nhảu đỡ cho mẹ, ấy là cái nét đẹp hiếu thảo đời xưa. Người hay ăn trầu lại nhuộm răng đen, đấy cũng là một cách làm chặt chân răng, chống sâu răng.
Thời bây giờ còn rất ít người ăn trầu, nhưng trầu cau vẫn còn. Có người trồng làm cảnh, có cơ quan trồng cho đẹp môi trường và giữ gìn một nét văn hoá dân tộc. Anh nhà thơ tìm thấy ở cau dáng thẳng, hiên ngang giữa không gian chẳng ngại bão giông; những kẻ giăng mắc tơ vương trong đường đời nhìn cây cau, giàn trầu nhớ lại mối tình thoại cổ.
Lá trầu quả cau còn là vật thể chuyển dịch ngôn ngữ của người đang sống với thế giới vĩnh hằng, thể hiện tấm lòng mình với gia tiên qua một hình thức cúng lễ những ngày lễ Tết. “Mời anh ăn một miếng trầu/ Không ăn cũng nhận cho nhau bằng lòng”. Cái giọng hát ấy, cái vị nồng nàn của miếng trầu cau thơm tho ấy có giá trị văn hóa phi vật thể, trở thành quốc túy của dân tộc.
KHÚC HÀ LINH