Đón nhận bằng di sản cấp quốc gia.

Trang phục truyền thống của đồng bào Dao đỏ là một trong những trang phục được trang trí hoa văn phong phú, đa dạng nhất trong các tộc người ở Tuyên Quang. Không chỉ tỉ mỉ trong những họa tiết được thêu trên áo, trang phục truyền thống của người Dao đỏ còn có phần tinh xảo ở những họa tiết được trang trí ở chiếc quần và khăn vấn đầu.

Những hoa văn được trang trí ở ống quần của người phụ nữ Dao đỏ thường là hình vuông, hình chữ nhật màu đỏ, vàng, trắng hay hình cây thông, hình quả trám... tạo nên sự cân đối hài hòa cho toàn bộ trang phục. Khăn đội đầu là một trong những điểm không thể thiếu của phụ nữ người Dao. Khăn được trang trí bằng nhiều họa tiết: Cây vạn hoa, hình cách đoạn, hình vết hổ... Khi đội lên đầu, các hoa văn họa tiết sẽ phô ra ngoài, làm tăng thêm vẻ đẹp của chiếc khăn. Người Dao ở Tuyên Quang vẫn luôn bảo vệ, phát huy giá trị di sản mang đậm tính thẩm mỹ, thể hiện sự tài hoa, tinh tế và khéo léo này.

Việc nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao đỏ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là sự kiện văn hóa có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tôn vinh di sản; đồng thời góp phần cổ vũ, tuyên truyền, khôi phục các giá trị tốt đẹp về văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang nói chung và huyện Na Hang nói riêng.

Dịp này, từ ngày 12 đến 13-10 tại huyện Na Hang cũng diễn ra Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch huyện với nhiều hoạt động như: Đua mảng; biểu diễn dù lượn; tham quan mùa vàng ruộng bậc thang; thi đấu thể thao; Liên hoan Nghệ thuật hát Then - đàn Tính huyện Na Hang lần thứ II năm 2019; trình diễn trang phục các dân tộc và nhảy lửa của dân tộc Dao đỏ; tham quan Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình...

Tin, ảnh: LAN DỊU