Trong suốt thời gian gần 10 năm mắc bệnh hiểm nghèo, ông được sống trong tình yêu thương và sự chăm lo chu toàn của người vợ tảo tần, thủy chung, yêu thương ông hết mực và hai cô con gái hiếu nghĩa, chăm ngoan, thành đạt.

Với quan niệm thơ là nghiệp, đồng thời cũng là nghề nên thi sĩ chỉ có một con đường duy nhất: Sống, chết với thơ. Vì sống, chết với thơ nên ngoài những yếu tố “trời cho” (rất ít ỏi), còn lại là sự khổ công rèn luyện, một lòng một dạ với thơ, chuyên nghiệp hóa ở tầng nấc cao. Thơ với ông vừa nguyên sơ, trong sáng và thấm đẫm lao động cực nhọc. Nó đòi hỏi kỷ luật nghiêm túc, lúc nào cũng nghĩ, lúc nào cũng viết, viết không được thì bỏ, rồi lại viết, cứ thế không viết không được. Tự nuôi dưỡng niềm thi hứng bằng sự miệt mài nỗ lực, để rồi nhiều khi, rất nhiều khi cảm xúc ùa đến, câu thứ nhất, câu thứ hai, những câu tiếp theo và cả bài thơ là một sự khổ sai của các chữ... Với ông, làm thơ là một “công cuộc” nghiệt ngã và nặng nhọc:

Xuyên những bức tường

ta đã phải tấn công

từ ngữ những núi cao vỏ đạn

Nhà thơ Trúc Thông. Ảnh: vov.vn 

Không hề dễ dãi, hời hợt, phải là một ý chí mạnh mẽ, một lao động và tinh thần trách nhiệm cao với thơ ca. Công cuộc tìm tòi và cách tân, trẻ trung, mới mẻ, đầy cam go và thách thức nhưng thích, sướng và lôi cuốn.

Không thể không yêu quý, tôn trọng tinh thần lao động một nắng hai sương trên "cánh đồng thơ" Trúc Thông. Với ông, làm thơ là quá trình mò mẫm, gian khổ để tìm lại bản thân. Nó là nghề, là công nghệ thơ ca nhưng đồng thời cũng là nghiệp-tình yêu đắm đuối.

Tiếng chim rơi tịch mịch

Nỗi người đi muôn trùng

Câu thơ thứ nhất mang thông điệp hoang vắng cô liêu giữa một khoảng không gian thâm u, lặng ngắt, không bóng dáng con người. Nó cho cảm giác cô quạnh, xa xăm, diệu vợi. Vì cái cảm giác “rơi tịch mịch” ấy mà nảy sinh “Nỗi người đi muôn trùng”. “Nỗi người” vang lên thân phận kiếp loài, chứa chất khó nhọc bã bời. Một khắc khoải về lòng trắc ẩn. “Muôn trùng” lại cho cảm giác gian truân, khổ ải: Xa xăm, hun hút... Câu thơ diễn ra ở cả hai thời khắc thực tại và tương lai, vừa mênh mông kỳ vĩ, vừa khó nhọc, gian nan vô định. Hai câu thơ trên có thể coi là hai câu thơ điển hình cho nhiều câu thơ hay trong công cuộc tìm tòi đổi mới của thơ Trúc Thông. Bằng những từ ngữ thông thường nhưng nó đã trải qua một cấu trúc, một công nghệ phức tạp, tế vi nhất và cũng thú vị nhất. Nó độc đáo ở chỗ ngôn ngữ chính xác, mỗi chữ được đặt vào đúng vị trí không thể thay thế: Gọn, chặt, kiệm lời nhưng khỏe khoắn, chắc nịch, có khả năng nảy mầm bung mở...

Trong thế giới thơ Trúc Thông, cho dù viết về trẻ em, bạn bè hay đồng đội, và đặc biệt là những bài thơ viết về mẹ, đều hiện lên trìu mến, yêu thương, ấm nóng. Nhiều bài thơ ông viết bằng cả tình thương chân thật nên dễ được bạn đọc đón nhận. Viết về trẻ em: “Trời xanh rót xuống tràn ánh sáng/ chị em bé xíu khoác vai nhau”; “Trái đất mỉm cười mặt mình ngũ sắc/ cười rung gió cây”; “Này trẻ con ơi/ Cho tôi theo với/ Tôi bé lại đây này/ Tôi rất trẻ con/ Tôi làm những bài ca cho mà hát/ Cho tôi theo với/ Quá nửa cầu rồi”... Viết về bạn bè: “Những bông hoa điếu phúng sẽ tàn/ Bông hoa trắng đời anh ngát mãi”; “Cần cẩu cứ quay điệu vũ tròn và chậm/ Những kíp thợ quay chung quanh mặt trời”. Viết về mẹ: “Xin bão táp hãy lặng đi cho mẹ/ Cho bình an mái nhà nhỏ bé”. Hay “Lá ngô lay ở bờ sông/ Bờ sông vẫn gió người không thấy về”...

Sinh thời, Trúc Thông quả quyết: Thơ chỉ chiều chính mình, chớ vay mượn, bắt chước kiểu dáng, dù cho kiểu dáng đó là của một thiên tài hay một nhà thơ cùng thời đang rộ lên ăn khách. Giữ cho mình cái tôi nhưng là cái tôi không bảo thủ, luôn kháng cự những ỷ lại, những quen mòn. Một cái tôi luôn khao khát vươn tới đa thanh, đa sắc... Một cuộc đời thầm lặng nỗ lực hết mình, một tinh thần lao động miệt mài, nghiêm túc với tất cả sự đam mê, tâm huyết với thơ, đó chính là phẩm chất của người cầm bút...

Giờ đây, Trúc Thông đã trở về cõi vĩnh hằng với tâm thế một thi nhân mang trong mình những ước mơ đẹp đẽ của một trái tim nhân hậu, thuần khiết và tấm lòng trong sáng đến thánh thiện giữa cõi sống con người. Thế là: “Trái tim thu bồn chồn” của ông vĩnh viễn yên nghỉ. Từ nay, “Bờ sông vẫn gió người không thấy về” như câu thơ ông đã viết. Xin thắp nén tâm nhang tiễn biệt ông ra đi thênh thang tới cõi cao xanh...

Nhà thơ TRẦN ANH THÁI