QĐND - Chúng tôi gặp Đại tá, nhà báo, đạo diễn, Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Phạm Huyên (Điện ảnh Quân đội nhân dân) khi anh vừa dành gần một tháng trời trên biển để cùng ê-kíp thực hiện bộ phim “Những người giữ biển”. Đây là đề tài mà bấy lâu nay anh hằng ấp ủ. Mái tóc đã điểm bạc, gương mặt sạm nắng, hốc hác do những ngày vất vả trên biển, Đại tá Phạm Huyên bộc bạch: “Đối với tôi, cuộc đời hơn 40 năm làm báo trong quân ngũ, những chuyến công tác tại Trường Sa luôn để lại trong tôi rất nhiều kỷ niệm. Tôi luôn cảm thấy như “mắc nợ” với Trường Sa, với biển, đảo và với những người lính biển. Những ngày tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, tình cảm ấy càng trào dâng trong tôi thật khó tả”.

NSƯT Phạm Huyên (bên phải) tác nghiệp tại Trường Sa, tháng 4-2013.

Năm 1991, lần đầu tiên Phạm Huyên đến với Trường Sa. Mục đích ban đầu của chuyến đi chỉ đơn giản là ghi lại những hình ảnh tư liệu phục vụ công tác làm phim sau này. Tuy nhiên, trong buổi chiều ngày đầu tiên có mặt ở Trường Sa, hình ảnh những chiến sĩ trẻ, tuổi mười chín đôi mươi với nước da sạm nắng, thân hình rắn rỏi, chắc tay súng canh giữ biển trời Tổ quốc làm mọi dự định trong anh bị đảo lộn. Anh men theo những bãi cát và nhận ra những cột bê tông bị nước biển bào mòn, trơ sắt, hoen gỉ... Tất cả như được dồn nén với nguồn cảm xúc dâng trào trong người nghệ sĩ. Và ý tưởng làm một bộ phim về cuộc sống của người chiến sĩ nơi mảnh đất thiêng liêng này cứ lớn dần trong anh. Anh tâm niệm: Nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc, sự khắc nghiệt, hung dữ của thiên nhiên có thể làm cho bê tông, sắt thép kia bị bào mòn theo thời gian, nhưng người chiến sĩ Trường Sa thì vẫn hiên ngang, vững chãi vượt qua khó khăn, gian khổ, ngày đêm canh giữ chủ quyền biển, đảo. Họ chính là những cột mốc chủ quyền trên biển. Từ cảm xúc ấy, trong mấy ngày trên đảo, Phạm Huyên đã cơ bản hoàn thành bộ phim tài liệu “Những cột mốc trên biển”. Sau này, bộ phim được Hội Điện ảnh Việt Nam tặng bằng khen và là một trong những bộ phim hay về đề tài bộ đội Trường Sa.

Tháng 5-2010, NSƯT Phạm Huyên mới có dịp đến với cán bộ, chiến sĩ trên các nhà giàn ở khu vực thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc để làm phim về đời sống sinh hoạt và công tác của cán bộ, chiến sĩ nơi đây. Buổi tối đầu tiên trên Nhà giàn Phúc Tần, trong cái mênh mông vô tận của biển trời, anh trực tiếp cảm nhận tiếng hát hồn nhiên của người chiến sĩ, cùng tiếng đàn ghi-ta bập bùng hòa vào tiếng sóng biển. Và rồi, tất cả lại như mạch nguồn tuôn chảy, chỉ trong một thời gian không dài, Đại tá Phạm Huyên lại cho ra đời bộ phim có tựa đề “Sóng nhà giàn”, kể về những người chiến sĩ nhà giàn không quản hiểm nguy, luôn lạc quan yêu đời, ngày đêm bám biển. Trong tác phẩm điện ảnh này, câu chuyện về Thiếu úy QNCN Nguyễn Văn Dũng quê Thái Bình không thể có mặt trong đám cưới của mình ở quê vì nhiệm vụ thực sự làm người xem xúc động. Hoặc câu chuyện của Thiếu tá Dương Văn Hoan nhiều năm liền gắn bó với nhà giàn, khi được đơn vị cho vào đất liền công tác, chỉ một thời gian sau anh lại xung phong ra nơi gian khó này với một lý do đơn giản: Nhớ đồng đội, nhớ biển cả, nhớ nhà giàn. Năm 2011, bộ phim "Sóng nhà giàn" được Hội Điện ảnh Việt Nam trao giải thưởng Cánh diều bạc, đồng thời đoạt giải B, Giải báo chí quốc gia.

Tình yêu của NSƯT Phạm Huyên đối với biển, đảo và những người lính biển thật sâu lắng; những tác phẩm về đề tài này của anh thường để lại nhiều ấn tượng trong lòng người xem. Sau bộ phim “Những người giữ biển”, anh ấp ủ thực hiện tiếp những tác phẩm phản ánh sự phát triển về kinh tế-xã hội của Trường Sa hôm nay. Anh tâm sự: “Mỗi lần đến với Trường Sa, đến với biển đảo là cảm xúc trong tôi lại tươi mới, dâng trào. Tôi luôn phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm ca ngợi những người lính biển, góp phần nhỏ bé của mình cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc".

Với những đóng góp của mình cho sự nghiệp tuyên truyền, sáng tạo các tác phẩm điện ảnh về biển đảo, Đại tá Phạm Huyên đã nhiều lần được Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị tặng bằng khen và danh hiệu Chiến sĩ thi đua.

Bài và ảnh: NGUYÊN THẮNG