Từ nhỏ, Thùy Dương đã có niềm đam mê văn nghệ. Những lời ru ngọt ngào với những bài dân ca, điệu hò, điệu ví, giặm của mẹ cùng những vần thơ của cha đã “ngấm” vào chị tự nhiên như hơi thở. Có năng khiếu âm nhạc, hơn nữa với tính cách nhẹ nhàng, yêu con trẻ nên Thùy Dương đã theo học Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Hải Dương để nuôi ước mơ trở thành cô giáo dạy nhạc. Theo đuổi niềm đam mê về ca hát, chị học tiếp đại học rồi cao học tại Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương.

Cô giáo Nguyễn Thị Thùy Dương dành tình yêu đặc biệt cho âm nhạc. 

Sở hữu một chất giọng đẹp, ca sĩ Thùy Dương giành được một số giải thưởng ở các cuộc thi, như: Giải nhì Hội diễn “Tiếng hát thầy và trò ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội” năm 2014; Giải A Liên hoan “Tiếng hát cựu chiến binh Thủ đô Hà Nội” năm 2019... Cùng với ca hát, chị đã mày mò để sáng tác ngay từ những năm học đại học nhưng còn nặng về ngẫu hứng. Chỉ tới khi là hội viên Hội Âm nhạc Hà Nội, được tiếp xúc với các nhạc sĩ, được nghe những tác phẩm của các hội viên báo cáo hằng tháng, chị mới bắt đầu có kiến thức căn bản về sáng tác. Thành tích tốt nhất của chị trong sáng tác là đoạt giải trong Cuộc thi sáng tác ca khúc về Công đoàn giáo dục Việt Nam năm 2020, với bài hát “Tự hào Công đoàn giáo dục Việt Nam”.

Nói về sáng tác mới đây-ca khúc “Giấc mơ hồng”-chị Thùy Dương cho biết: “Đó là cảm xúc của người mẹ dành cho con và cũng là tình yêu dành cho trẻ thơ. Thực tế hiện nay hầu hết các bà mẹ trẻ không biết hát ru, trong khi hát ru không chỉ để ru con ngủ mà là nét đẹp truyền thống, đặc biệt là sự kết nối tình cảm giữa mẹ và con. Hát ru còn là nguồn sữa mẹ trong mát ngọt lành bồi dưỡng tâm hồn trẻ thơ: “Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn”. Xúc động với lời ca, giai điệu và đặc biệt là từ giọng hát của chính tác giả-một người mẹ đang mang bầu đứa con trong bụng, nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, nguyên Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội cho biết: “Bài hát này rất tình cảm vì đó là câu chuyện, niềm hạnh phúc của chính tác giả khi chuẩn bị đón con chào đời. Bài hát xúc động, giai điệu thiết tha, mượt mà, là tiếng lòng của người mẹ ru con. Lời ca ngọt ngào trong sáng, khúc thức ca khúc gọn gàng”.

Người thầy luôn động viên, giúp đỡ Thùy Dương trong sáng tác, nhạc sĩ Lê Minh nhận xét: “Là người có vốn văn học từ nhỏ nên trong sáng tác Thùy Dương rất thuận lợi khi chọn được những tứ thơ hay, những hình ảnh, chi tiết đắt vào bài hát của mình. Hơn nữa, mặc dù không học sáng tác chuyên nghiệp nhưng chị được học về âm nhạc nói chung nên tư duy âm nhạc khá mạch lạc, giúp cho bài hát có khúc thức gọn gàng, đem lại xúc cảm cho người nghe. Dù đã có những tác phẩm thành công, tuy nhiên sáng tác nghệ thuật là không có điểm dừng, không có đích đến, bởi vậy chị cần phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa”.

Bài và ảnh: NGÔ KHIÊM