Sự kiện mang đến không gian đậm chất làng quê Việt, nơi hội tụ tinh hoa ẩm thực qua các loại bánh truyền thống đặc trưng của ba miền Bắc-Trung-Nam. Không chỉ dừng lại ở hoạt động thưởng thức, người tham dự còn có cơ hội hòa mình vào các hoạt động trải nghiệm, khám phá và sáng tạo mang đậm dấu ấn văn hóa dân gian, góp phần lan tỏa giá trị truyền thống đến với cộng đồng.

Ngay từ khi bước vào sự kiện, khách tham quan được dẫn dắt qua hành trình khám phá bản đồ ẩm thực Việt Nam với các gian hàng được thiết kế sinh động, tái hiện không khí đặc trưng của từng vùng miền. Những món bánh truyền thống như bánh gai, bánh ít, bánh tẻ, bánh bò dừa... hiện lên vừa quen thuộc vừa mới mẻ nhờ cách giới thiệu sáng tạo của ban tổ chức.

Các trò chơi tương tác như “Bịt mắt bắt vị”, “Thùng bí ẩn” góp phần tăng tính trải nghiệm, giúp người tham gia vừa thưởng thức hương vị, vừa tìm hiểu nguyên liệu và câu chuyện văn hóa gắn liền với mỗi loại bánh.

“Khơi vị dân gian” thu hút sự tham gia của hàng trăm lượt khách thuộc nhiều lứa tuổi. 

Không khí sự kiện trở nên sôi động khi khách tham quan được hóa thân thành “food reviewer” (người đánh giá ẩm thực) để trực tiếp chia sẻ cảm nhận, tương tác với bản đồ ẩm thực khổng lồ và góp thêm những hiểu biết cá nhân về các món bánh quê. Những câu chuyện giản dị về chiếc bánh trong ký ức tuổi thơ được chia sẻ đầy cảm xúc, tạo nên một không gian giao lưu, gắn kết trải nghiệm ẩm thực với giá trị văn hóa và cảm xúc gia đình.

Những món bánh truyền thống được bày biện bắt mắt, gợi nhắc hương vị quê hương và nét đẹp văn hóa ẩm thực dân tộc. 

Điểm nhấn đặc biệt của sự kiện là khu vực làm bánh dân gian, nơi các nghệ nhân và ban tổ chức hướng dẫn người tham gia tự tay nặn, gói và hoàn thiện những chiếc bánh truyền thống. Bên cạnh đó, hoạt động sáng tạo với đất sét tự khô cho phép người tham dự tái hiện lại những chiếc bánh theo cách riêng, không chỉ rèn luyện sự khéo léo mà còn mở ra góc nhìn nghệ thuật về ẩm thực dân gian.

Nghệ nhân làm bánh truyền thống hướng dẫn em nhỏ nặn bánh tại sự kiện. 

“Khơi vị dân gian” không chỉ là một sự kiện trải nghiệm ẩm thực đơn thuần mà còn là hành trình gắn kết quá khứ và hiện tại thông qua những giá trị văn hóa truyền thống. Qua từng lớp bánh mộc mạc, người trẻ được tiếp cận và hiểu hơn về cách cha ông ta lưu giữ bản sắc dân tộc qua ẩm thực. Những món bánh quen thuộc trở thành biểu tượng sống động của di sản văn hóa, khơi dậy niềm tự hào dân tộc và truyền cảm hứng gìn giữ, sáng tạo cho thế hệ tương lai. 

Sự kiện cũng là minh chứng cho khả năng vận dụng hiệu quả kiến thức chuyên ngành vào thực tiễn của sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Từ việc xây dựng ý tưởng, thiết kế nội dung trải nghiệm đến triển khai tổ chức, các bạn sinh viên đã thể hiện sự chủ động, sáng tạo và chuyên nghiệp, mang đến một chương trình vừa hấp dẫn về hình thức, vừa có chiều sâu về giá trị văn hóa. 

Tin, ảnh: NAM HỒNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.