Chúng tôi đã có một mùa hè tình nguyện đầy nắng lửa tại Nghĩa Sơn, Văn Chấn, Yên Bái.
Đội sinh viên tình nguyện Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội gồm 34 con người tiếp nhận điều này với bao háo hức, say mê. Văn Chấn - địa danh Tây Bắc đã được nghe nhắc nhiều nhưng mấy ai trong số những kẻ suốt ngày giương mục kỉnh bên quyển từ điển đã được đặt chân tới? Đó là ước mơ của 34 con người trẻ tuổi mang trong mình dòng máu khát khao được cống hiến sức trẻ, cũng như muốn khám phá những gì chưa biết. Chúng tôi chờ đợi được tới đó, được làm việc cống hiến với một tâm trạng háo hức pha chút lo âu, hồi hộp. Và một tháng trời ở nơi xa xôi này, chúng tôi đã cùng nhau sống, làm việc, chia sẻ những niềm vui, nụ cười, nước mắt, những bữa ăn, giờ dạy, và quãng thời gian đó đã để lại trong chúng tôi đầy ắp kỷ niệm.
Không kể quãng đường hơn 300km từ Hà Nội đến Văn Chấn, quãng đường mà bạn sẽ phải trầm trồ nhìn trời, ngắm thác và cùng òa lên khi xe lên dốc, xuống đèo, Nghĩa Sơn tiếp đón chúng tôi sau hơn 1 tiếng đi bộ ngược từ thị xã Nghĩa Lộ. Là lần đi đường núi đầu tiên, trời nắng, chưa quen nên ai cũng hoa hết cả mắt, thậm chí còn khóc, nhưng khi nhìn thấy những đồng đội đang đứng chờ mình ở cổng Trường Tiểu học Noong Khoang, chúng tôi hiểu mọi việc nằm trong tay mình.
 |
Ảnh minh hoạ: internet |
Vượt qua tất cả những khó khăn đó, chúng tôi lao vào hoạt động, dạy học là chủ đạo. Chúng tôi dạy từ bậc xóa mù cho người lớn, cho trẻ em vào lớp 1 đến học sinh cấp 3 muốn ôn thi đại học. Cùng với đó là những hoạt động tuyên truyền sức khỏe sinh sản và vệ sinh răng miệng. Địa điểm hoạt động của chúng tôi có 3 nơi: Noong Khoang, Nậm Tộc và bản Loọng. Mỗi khi đến Nậm Tộc, chúng tôi phải vượt qua 5 quả đồi trong vòng 30 phút và thêm 1km đường núi nữa để đến bản Loọng dưới trời nắng tháng 7. Trong suốt thời gian đó, chúng tôi phải đánh vật với… chính mình để giúp các em lớp 1 viết được chữ O, A sao cho đúng, giúp các em lớp 4 giải được dạng toán tìm x biết 18 - x = 12, hay là phải luyện cho các em lớp 5 nói và viết được câu có đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ… Còn trong lĩnh vực tuyên truyền, bạn Nguyễn Ngọc Ninh được bầu là chiến sĩ thi đua với câu nói trứ danh “Có nhẽ thế thôi nhỉ!” sau khi được đồng bào trả lời là “Có 3 con rồi”.
Cứ như vậy, 28 ngày tình nguyện trôi qua, chúng tôi đã để lại ở nơi này, cho các em học sinh, cho đồng bào và cho nhau bao nhiêu kỷ niệm và khát vọng... Đến ngày chia tay, đọng lại ở những giọt nước mắt lăn trên má đồng bào, các em học sinh, của toàn đội sinh viên tình nguyện, đọng lại ở câu hứa gả con gái của một đồng bào người Thái, ở câu “Tai chư đê hem” của Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại ngữ chuyên ngành Lê Văn Tuynh.
Đọng lại trong câu hát nghẹn bởi nước mắt của cả đội: “Bạn ơi, cháy lên trong tim tình yêu thiết tha, dù mai, những cánh chim bay về muôn phương cách xa...”.
Một mùa tình nguyện nữa lại bắt đầu!
Lê Thùy Mai
Đôi mắt ấy…
Nụ cười ấy…
Mái tóc ấy…
Em đã dối mọi người…
Đau đớn… buồn tủi!... Lặng lẽ em chọn riêng mình một lối đi… Yên tĩnh… bình an!
Ngủ ngon em nhé!
Hậu à! Em có biết gần 1 năm tham gia tình nguyện, em là cô bé chị quý nhất, thân nhất. Không phải riêng mình chị mà có lẽ tất cả mọi người ai đã từng tiếp xúc với em đều yêu quý em. Lúc nào em cũng cười, nụ cười thật tươi, nhưng ẩn sau đó là một tâm hồn nhạy cảm, một cuộc đời chịu quá nhiều thiệt thòi mà chỉ khi về nhà em chị mới được nghe kể lại.
“Chị ơi, mai chị nhớ lên đây chơi nhá” tin nhắn của bé Hậu. Đang bận thi, nhưng khi đọc được tin nhắn đó của em chị cũng muốn lên viện, chị cũng đã hứa mang truyện cho em rồi mà. Nhưng không ngờ đó lại là lần cuối cùng gặp em. Chiều thứ 2 lên viện em bị chuyển sang phòng 2, em chỉ nói em thấy mệt chút thôi, vậy mà…
Tối 12-6, nhận điện thoại, vội vàng lên viện. Em có biết cái cảm giác đến nơi chỉ kịp nhìn thấy xe đưa em về Lạng Sơn không? Nó hụt hẫng vô cùng. Em đi thật rồi, chị không thể còn được thấy nụ cười của em mỗi khi lên viện nữa rồi. Chị đã không đủ dũng cảm để xem lại những bức ảnh của em, những bức ảnh chắc chắn em sẽ rất thích nhưng chưa một lần được nhìn nó.
Đặt chân lên quê em, em đã từng kể say sưa về nó cho chị, quê em đẹp lắm Hậu ạ. Chị đang đứng đây, không ngờ lần đầu tiên đến thăm quê em lại là một kỷ niệm buồn như vậy. Em nằm đó, yên nghỉ trên ngọn đồi thông xanh, nhìn về phía con đường tới ngôi nhà nhỏ, nơi em đã từng gắn bó. Hãy yên nghỉ nhé em. Chị sẽ rất nhớ em đó bé Hậu à!
Phong Linh