QĐND - Ngay sau khi Tổ chức Giáo dục-Khoa học-Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) vinh danh Đờn ca tài tử Nam Bộ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Liên hoan Đờn ca tài tử (ĐCTT) đã diễn ra tại tỉnh Long An thu hút hàng trăm nghệ sĩ thuộc 6 tỉnh Nam Bộ tham gia với nhiều tiết mục đặc sắc. Tuy nhiên, trong thành công của đêm liên hoan nghệ thuật chào mừng ĐCTT được vinh danh, nhiều soạn giả, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu vẫn băn khoăn, mong muốn tìm lại nét xưa nguyên gốc của ĐCTT mang đậm giá trị văn hóa đặc trưng của người dân Nam Bộ.
ĐCTT là loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo được sáng tạo dựa trên dòng nhạc lễ, nhã nhạc cung đình Huế và những giai điệu ngọt ngào, sâu lắng của dân ca miền Trung, miền Nam. Đây là loại hình nghệ thuật kết hợp giữa tiếng đờn, lời ca và điệu diễn, vừa phản ánh tinh hoa văn hóa ngàn năm văn hiến của dân tộc ta, vừa mang những nét đặc sắc của người dân phương Nam cần cù, chân chất, phóng khoáng, nghĩa hiệp, can trường và rất đỗi nhân văn. Giáo sư, nhạc sĩ Trần Quang Hải khẳng định:
- ĐCTT là nghệ thuật duy nhất không phụ thuộc vào không gian văn hóa, hoặc các không gian trình diễn theo mùa vụ, cứ hứng lên thì chơi, gặp nhau thì chơi và hội hè, ma chay, cưới hỏi cũng đều chơi. Đó là một lối hòa đàn trác tuyệt mà ở đấy tính ngẫu hứng được đặt lên trên hết. Tính ngẫu hứng ấy, thú vị ở chỗ mỗi lần đánh một bản đàn thì hầu như đó là những cuộc đối thoại bằng âm thanh. Có lẽ đây là một trong những nghệ thuật ngẫu hứng gần như duy nhất ở nước ta. Chính cách thể hiện tự nhiên, bình dị và hết sức ngẫu hứng tạo thành cốt cách riêng có của loại hình nghệ thuật này. Mất tính ngẫu hứng sẽ làm cho ĐCTT trở nên nhạt nhẽo.
 |
Đờn ca tài tử trở thành món ăn tinh thần của người dân Nam Bộ. |
Theo GS.TS Trần Văn Khê, người ta nói chơi ĐCTT chứ không nói biểu diễn ĐCTT. Nó là một nghệ thuật tức hứng, chơi không có tính trước, không ai nói trước với ai, khi những người có cùng sở thích ngồi lại với nhau cùng chơi, cùng tức hứng tại chỗ thì họ bắt đầu thả hồn, hòa nhịp vào tiếng đàn, lời ca đầy phấn khích. Họ không câu nệ trang phục, lễ nghi, có gì dùng nấy. Thế mới là ĐCTT! Trên thực tế ở vùng sông nước miền Tây đã và đang xuất hiện nhiều nhóm ĐCTT, câu lạc bộ ĐCTT… Các nghệ sĩ ăn mặc chỉnh tề, đờn có bài bản chính xác, hát đúng nhịp, đúng hơi. Chính cái khuôn phép, gò bó ấy đã khiến nghệ sĩ chỉ dám biểu diễn những bài “tủ” mà không dám ngẫu hứng, không dám thả hồn vào từng giai điệu của lời ca, tiếng hát, cho nên ĐCTT bị lạc điệu, xa dần nguyên gốc và trở nên khách sáo. Nghệ sĩ nhân dân (NSND), soạn giả Viễn Châu phàn nàn:
- Nhiều nghệ sĩ chơi ĐCTT hiện nay trên khuôn mặt buồn rười rượi, vô hồn, vô cảm! Dường như họ không có cái gốc tự nhiên, mộc mạc, hát cho vui như của ĐCTT ngày xưa mà đã thành một thứ nghề kiếm sống. Điều này làm cho cái hồn của nghệ thuật ĐCTT bị đánh mất. Mà đánh mất cái linh hồn, cái ngẫu hứng, cái bình dị, chân chất trong ĐCTT là đánh mất giá trị nguyên gốc đích thực, rất đáng lo ngại, bởi khi thiếu những đặc điểm này thì nghệ thuật ĐCTT khó lòng được truyền bá rộng rãi.
Tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, từ lâu ĐCTT đã trở nên quen thuộc, nhà nhà đều biết chơi, người người đều biết hát. Nó trở thành món ăn tinh thần hết sức bình dị của bà con miền sông nước. Vào những đêm trăng sau mùa gặt, trên chiếc chiếu trước sân nhà, bà con vui mừng vụ mùa bội thu đã nhóm lại chơi ĐCTT thâu đêm suốt sáng. Điều đó chứng tỏ sức sống mạnh mẽ của loại hình cổ nhạc độc đáo vừa mang tính bình dân, vừa mang tính bác học này. Người dân Nam Bộ không chỉ là chủ thể sáng tạo, biểu diễn, mà còn là đối tượng thưởng thức ĐCTT. Tuy nhiên, trên thực tế, khi những câu lạc bộ ĐCTT chuyên nghiệp ra đời đã kéo theo sự chỉn chu, khuôn sáo vào nghệ thuật ĐCTT. Điều này vừa có tác dụng tích cực lại vừa tiềm ẩn những tiêu cực. NSND Ngọc Giàu bộc bạch:
- Đi theo con đường chuyên nghiệp, mỗi nghệ sĩ phải cố gắng tìm hiểu để hoàn thiện bản thân, nắm bắt quy luật âm điệu của ĐCTT. Một bản nhạc có thể chơi hàng nghìn lần mà không lần nào giống lần nào. Sự chuyên nghiệp sẽ nâng tầm hiện đại của ĐCTT nhưng nhất thiết phải đề cao tính ngẫu hứng, nếu không nó sẽ mất cái cốt cách tự nhiên vốn có.
Như vậy, tính ngẫu hứng, tự nhiên chính là đặc trưng nguyên gốc làm nên giá trị độc đáo của nghệ thuật ĐCTT được hầu hết các nhà nghiên cứu, các soạn giả, nghệ sĩ nổi tiếng thừa nhận. Tuy nhiên, trong sự phát triển đa dạng của văn hóa và các loại hình nghệ thuật hiện nay, giá trị nguyên gốc của ĐCTT đang đứng trước nguy cơ mai một, biến tướng. GS-TS Trần Văn Khê cho rằng:
- Các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần có chính sách đãi ngộ, tôn vinh, chăm lo đời sống cho những nghệ nhân đích thực để họ truyền dạy ĐCTT; tạo điều kiện cho những nghệ sĩ ĐCTT có thể sống bằng tiền lương và được người ta tôn trọng; đồng thời, hãy đưa ĐCTT giới thiệu trong các nhà trường để tuổi trẻ ngày nay thấy được hình ảnh nguyên gốc của ĐCTT.
Đây cũng là mong mỏi của đông đảo nghệ sĩ tâm huyết, gắn bó cả cuộc đời với nghệ thuật ĐCTT. Trong bài phát biểu tại Lễ đón Bằng của UNESCO vinh danh Nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Với tất cả tình cảm và trách nhiệm, chúng ta hãy ra sức bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ để loại hình nghệ thuật độc đáo vừa mang tính dân gian, vừa mang tính bác học này luôn được bảo tồn và phát triển sáng tạo”.
Bài và ảnh: HOÀNG THÀNH