Thành phố với những sáng tạo mới

Trước kia, du khách đến Hà Nội thường gặp những sản phẩm na ná nhau, nhiều sản phẩm còn được sản xuất từ nước khác mang đến. Tình trạng này đang dần được cải thiện. Những năm gần đây, du khách đến tham quan di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám đều thích thú với những bức tranh Khuê Văn Các làm từ gạo, sản phẩm mô phỏng rùa đội bia, sách, bút, ống quyển... Ở di tích Nhà tù Hỏa Lò, các sản phẩm nhỏ xinh như hộp bút, bộ lót cốc, móc chìa khóa, cốc uống nước... mang những hình ảnh biểu trưng của di tích; lá, quả bàng khắc hình Hỏa Lò, thơ của các cựu tù cách mạng... cũng được nhiều du khách lựa chọn mua khi đến đây. Hà Nội đang cho thấy sự thay đổi và sáng tạo các sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử để thu hút du khách.

Giới thiệu gốm sứ Bát Tràng tại Lễ hội quà tặng du lịch Hà Nội 2025. 

Sự thay đổi càng rõ ràng hơn với việc hai làng nghề Gốm sứ Bát Tràng và Dệt lụa Vạn Phúc được Hội đồng Thủ công thế giới công nhận là thành viên của Mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo thế giới. Làng gốm Bát Tràng-"viên ngọc quý bên dòng sông Hồng", giờ đây lộng lẫy vươn mình, gia nhập mạng lưới với một diện mạo vừa truyền thống vừa hiện đại. Hơn 700 năm, từ những lò gốm nhỏ, Bát Tràng đã viết nên câu chuyện về đất, lửa và tâm hồn người thợ, nơi mỗi sản phẩm gốm là một tác phẩm nghệ thuật thấm đẫm hồn Việt. Làng gốm giờ đây không chỉ là nơi lưu giữ truyền thống mà còn là lò luyện của những ý tưởng mới, nơi các nghệ sĩ quốc tế hội tụ, học hỏi và cùng sáng tạo.

Hai vợ chồng nghệ nhân Trần Việt và Phùng Phương Oanh là con cháu nhiều đời của nhà gốm sứ Bảo Quang, giờ đây mở thêm thương hiệu gốm Trần Việt. Sống và trăn trở với nghề, họ mong muốn gốm sứ Bát Tràng không chỉ là những sản phẩm bày bán thông thường mà phải thể hiện được tinh hoa của làng, mỗi sản phẩm mang một giá trị độc bản được làm từ trăn trở với bàn xoay, lửa và chất men.

Trong gốm sứ Bát Tràng, hỏa biến là tuyệt tác nghệ thuật nơi đất sét hòa quyện cùng ngọn lửa để tạo nên những kiệt tác độc bản nhưng hỏa biến cũng là một trong những loại gốm nhiều thách thức nhất. Điều kỳ diệu của gốm hỏa biến nằm ở sự biến đổi bất ngờ trong lò, nếu biết lợi dụng hỏa biến cho ra những tác phẩm diệu kỳ nhưng ngược lại sẽ là những sản phẩm lỗi, hỏng. Thế nhưng, gốm Trần Việt không chỉ sử dụng hỏa biến mà còn kết hợp với men rạn, men lam, men rêu... để tạo thành những sản phẩm men trong men thiên biến vạn hóa. “Nếu hỏa biến đã là bài toán khó thách thức các nghệ nhân thì những món đồ có nhiều men trên một sản phẩm lại khó khăn gấp bội. Đó là một cuộc chơi mà người nghệ nhân dành tâm sức, tiền của để đánh đổi với mong muốn mang về những sản phẩm thỏa mãn đam mê, thực sự là điểm nhấn, neo lại trong lòng du khách khi đến với Bát Tràng”, nghệ nhân Phùng Phương Oanh chia sẻ.

Hiểu văn hóa để làm quà tặng du lịch

Quà tặng du lịch không chỉ là thứ mang đặc trưng của điểm đến mà còn mang theo cảm xúc và vẻ đẹp của lịch sử, văn hóa, con người của mỗi vùng đất. Không chỉ là niềm tự hào mà còn là minh chứng cho những nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống, đồng thời đáp ứng nhu cầu của thời đại hiện nay. Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch TP Hà Nội cho biết: “Hà Nội đang nỗ lực tìm kiếm những quà tặng du lịch, thông qua đó để kể câu chuyện về các giá trị di sản, thôi thúc du khách trải nghiệm và lưu giữ kỷ niệm, từ đó lan tỏa tình yêu Hà Nội tới bạn bè trong nước và quốc tế”.

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt của du lịch, theo các chuyên gia, để nâng cao giá trị thụ hưởng, ngoài yếu tố văn hóa của vùng đất tại điểm đến, sản phẩm quà tặng du lịch cũng cần chú ý tới cả văn hóa của du khách những thị trường chúng ta hướng tới. Nghệ nhân Nghiêm Thị Thu Hương (làng lụa Vạn Phúc) luôn dành 1-2 giờ đồng hồ mỗi ngày để cập nhật tình hình thời trang thế giới. Với bà, việc học hỏi và thấu hiểu thị hiếu giúp sáng tạo những món quà tinh tế, chinh phục du khách. Mang trong mình tình yêu cháy bỏng dành cho làng nghề, bà tin rằng Vạn Phúc chỉ có thể trường tồn và vươn xa khi đáp ứng được kỳ vọng của thị trường quốc tế, một sân chơi đòi hỏi sự chỉn chu và đậm chất văn hóa.

Bà Hương nhấn mạnh: “Du khách nước ngoài rất trân trọng giá trị văn hóa và chữ tín. Mỗi sản phẩm phải được chăm chút tỉ mỉ, từ từng đường kim, mũi chỉ”. Bà kể lại lần nhận đơn hàng một chiếc túi vải từ đối tác ngoại quốc. Thoạt nhìn đơn giản, nhưng khi bắt tay vào thực hiện, từng chi tiết từ tạo phom dáng đến may vá đều đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối. Chỉ một chút sơ suất, cả công sức có thể tan biến, bởi nếu phải tháo gỡ, sản phẩm sẽ mất đi vẻ tinh tế, vốn là linh hồn của lụa Vạn Phúc.

Đánh giá cao nền văn hóa Việt Nam, trong một lần nói chuyện góp ý cho sản phẩm du lịch của Hà Nội, ngài Saadi Salama, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhà nước Palestine tại Việt Nam, cũng lưu ý: “Khi tặng quà người Hồi giáo cần lưu ý tới yếu tố văn hóa. Chẳng hạn như khi tặng tranh Đông Hồ, cần tránh hình chuột, bởi đây là loài động vật không được yêu quý trong văn hóa Hồi giáo. Quan tâm đến yếu tố văn hóa không chỉ thể hiện sự tôn trọng mà còn góp phần xây dựng mối quan hệ thân thiện, bền vững với du khách, từ đó nâng cao sức hút của điểm đến”.

Bài và ảnh: HÀ VY

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.