QĐND - Xa gia đình, xa người thân, những người lính quan hệ, giao tiếp với nhau không chỉ trong phạm vi điều lệnh, điều lệ, quy định đã được chuẩn mực hóa, mà còn dành cho nhau sự ứng xử chân thành, nhã nhặn, tinh tế bằng tình cảm của những người chung một chí hướng, cùng một đội ngũ và bằng nghĩa cử, tấm lòng của những người cùng xuất thân trên một mảnh đất quê hương.
Thân thương hai tiếng “Quê ơi”!
Ai sinh ra, lớn lên và trưởng thành cũng mang trong mình một tình cảm rất đỗi thiêng liêng, sâu nặng: Tình quê hương. Đó là một thứ tình cảm tự nhiên, sẵn có trong máu thịt của mỗi con người. Đối với Bộ đội Cụ Hồ, bên cạnh coi trọng tình đồng bào, tình đồng chí, tình đồng đội, mỗi người luôn biết nâng niu và trân trọng tình đồng hương.
Không biết tự bao giờ, cùng với những từ nhân xưng thân thiết như “Đồng đội ơi”, “Đồng chí ơi”, nhiều quân nhân còn gọi nhau với hai từ gần gũi: “Quê ơi”. Dẫu đóng quân ở nơi miền núi hẻo lánh, hải đảo xa xôi hay đứng chân trên địa bàn đô thị phồn hoa, ở hầu khắp các loại hình đơn vị (huấn luyện SSCĐ, giáo dục-đào tạo, nghiên cứu khoa học, bảo đảm kỹ thuật, chuyên môn, văn hóa nghệ thuật, doanh nghiệp...), dù đơn vị to hay nhỏ, truyền thống lâu năm hay mới ra đời, đi đâu chúng ta cũng bắt gặp những quân nhân gọi nhau là “Quê ơi”! Trong môi trường giao tiếp của quân nhân, phải thân mật lắm, tin tưởng nhau lắm, bộ đội ta mới gọi nhau là “Quê ơi”, “Đồng hương ơi”, “Anh quê ơi”, “Em quê ơi”, “Chị quê ơi”... Cách xưng hô này không những không trái với tâm lý văn hóa ứng xử giao tiếp thông thường của người Việt, mà còn góp phần củng cố, gắn kết mối quan hệ đồng chí, đồng đội và tình đoàn kết cán binh ngày càng bền chặt. Tất nhiên, những cách xưng hô mang nặng sắc thái, tình cảm của những người “cùng quê hương” thường chỉ được cán bộ, chiến sĩ ta sử dụng, vận dụng trong giao tiếp, ứng xử, trò chuyện, tâm sự đời thường, chứ không được phép dùng khi sinh hoạt tập trung và khi thực hiện nhiệm vụ trong chế độ giờ giấc hành chính, theo nền nếp chính quy.
 |
Thiếu tá Cù Xuân Cường, Chính trị viên Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 174 (Sư đoàn 316-Quân khu 2) vui cùng chiến sĩ trong giờ nghỉ. Ảnh: THU THẢO. |
Xét về góc độ ngôn ngữ, “đồng hương” thường được hiểu là những người cùng sinh ra, lớn lên ở cùng một quê hương. Ở phạm vi nhỏ là cùng thôn xóm, cùng xã phường và phạm vi rộng hơn là cùng huyện, cùng tỉnh. Nhìn trên phương diện văn hóa, “tình đồng hương” là mối quan hệ được xác lập, củng cố, vun đắp một cách tự nguyện, chân thành từ những con người sinh ra trên cùng một địa bàn và cùng được quy tụ về một đơn vị. Những người đồng hương thường mang đặc trưng tính cách, tâm lý, tình cảm, phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa của một vùng quê, miền quê nhất định. Đặc điểm đó chi phối đến nếp nghĩ, nếp sống khá tương đồng của những người lính có chung một cội nguồn bản quán, quê hương. Đó cũng là cơ sở để những người đồng hương dễ gần gũi, cảm thông, sẻ chia, gắn bó với nhau, cùng nương tựa, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, công tác và trong những lúc khó khăn, gian khổ, với mong muốn và mục đích cao nhất là cùng đoàn kết, phấn đấu để không ngừng trưởng thành, tiến bộ.
Tình đồng hương gắn với tình đồng bào, đồng chí
Một khi những nét đẹp của quê hương, truyền thống văn hóa, lịch sử cách mạng từ một mảnh đất, một địa bàn được những người đồng hương luôn nhắn nhủ, nhắc nhở, bảo ban nhau cùng khơi dậy, phát huy để biết sống, chiến đấu, lao động và học tập tốt hơn, chính là lúc tình đồng hương đã nảy nở, tỏa sáng trong đơn vị và trong tư tưởng, tình cảm của mỗi người lính. Tuy nhiên, cần hiểu rằng, tình đồng hương đích thực của quân nhân hoàn toàn xa lạ với những biểu hiện như cục bộ, lôi bè kéo cánh, gây mất đoàn kết, tạo thành “cánh hẩu” để nói xấu, “hạ bệ” nhóm người khác trong đơn vị. Tình đồng hương chân chính cũng không có chỗ dung thân cho những suy nghĩ thiển cận, nông cạn, chỉ biết bao bọc trong “cái tôi” hẹp hòi, cố tình dung dưỡng, bao che khuyết điểm cho nhau, hay tìm cách lo toan, vun vén cho lợi ích nhỏ của một nhóm người, mà không nghĩ đến lợi ích chung, lợi ích chính đáng của tập thể, đơn vị.
Xã hội càng hiện đại, các mối quan hệ tình cảm của con người càng được mở rộng, phát triển, trong đó có mối quan hệ đồng hương của các quân nhân ở đơn vị. Xa gia đình, xa người thân, những người lính quan hệ, giao tiếp với nhau không chỉ trong phạm vi điều lệnh, điều lệ, quy định đã được chuẩn mực hóa, mà còn dành cho nhau sự ứng xử chân thành, nhã nhặn, tinh tế bằng tình cảm của những người chung một chí hướng, cùng một đội ngũ và bằng nghĩa cử, tấm lòng của những người cùng xuất thân trên một mảnh đất quê hương. Bởi thế, tình đồng hương là một nét đẹp văn hóa trong đời sống tâm hồn của người lính nên được lưu giữ, phát huy, để góp phần nhân lên và làm đẹp hơn những tình cảm cách mạng trong sáng của Bộ đội Cụ Hồ.
Tuy vậy, cần phải hiểu, vận dụng hết sức mềm dẻo, linh hoạt và ứng xử với tình đồng hương sao cho vừa thân thiện, cởi mở, đúng lúc, đúng chỗ, vừa phù hợp với những chuẩn mực đạo đức chung của tập thể quân nhân và phong cách văn hóa ứng xử của con người Việt Nam. Bởi vì tình đồng hương là một trong những biểu hiện cốt lõi của tình đồng bào thiêng liêng đã hình thành, duy trì, phát triển trong đời sống văn hóa tinh thần của Bộ đội Cụ Hồ. Mọi thái độ nghi kỵ, tư tưởng hẹp hòi, suy nghĩ phiến diện, động cơ lệch lạc hoàn toàn trái với bản chất tốt đẹp của tình đồng hương ở đơn vị. Ngược lại, tâm hồn cởi mở, tình cảm vô tư, ý thức tập thể- cộng đồng trong sáng, ứng xử chan hòa với tất cả bạn bè, đồng chí, đồng đội mà không phân biệt quê quán, thành phần, dân tộc, tôn giáo... chính là thể hiện tinh thần đồng hương đúng mực nhất. Thực tiễn đã minh chứng rằng, chỉ có giữ gìn đoàn kết, chân thành học hỏi, tiếp thụ những cái hay, cái đẹp của đồng chí, đồng đội trên mọi vùng miền, tôn trọng tính cách, phong cách sống của mỗi người, lấy đạo lý “Bầu ơi thương lấy bí cùng” của dân tộc ta để giao tiếp, ứng xử, đối đãi với nhau là cơ sở, tiền đề để ươm mầm, vun đắp cho tình đồng hương ở đơn vị ngày càng nảy nở, lan tỏa và phát triển bền vững. Đó cũng là một cách đối nhân xử thế giàu lòng nhân ái để góp phần giữ gìn tình đồng hương mãi mãi sáng trong và trở thành ký ức đẹp đẽ trong cuộc đời quân ngũ của mỗi chúng ta.
THIỆN VĂN