Cũng có khi tiếng ru là để gửi gắm nỗi niềm: Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/ Một lòng thờ mẹ kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Có người hỏi: Đứa trẻ biết gì mà người mẹ hát ru như thế? Không, người xưa rất thâm thúy. Tiếng hát ru ấy chính là bài học về đạo lý, bài học về làm người sau này.
Hát ru thường là bài ca dao lục bát. Dân gian cho thêm những từ "à ơi". Ví như: À… à…ơi… Đêm qua mới gọi là đêm/ Ruột xót như muối dạ mềm như dưa/ Mong chàng như cá mong mưa/ Nhớ chàng như nhớ bữa trưa đói lòng...
Trên cơ sở hát ru, có nhiều nhạc sĩ đã sáng tác những ca khúc mới mang âm điệu những khúc ru dân gian, như bài: "Mẹ yêu con" của Nguyễn Văn Tý; “Lời ru trên nương” của Trần Hoàn, phổ thơ Nguyễn Khoa Điềm; “Ru con mùa đông” của Đặng Hữu Phúc...
Nhiều công trình nghiên cứu khoa học cho rằng, khi còn là bào thai, nếu sớm được tiếp xúc với hát ru, em bé sẽ nhanh chóng nảy nở năng khiếu âm nhạc và sau này tạo cho trẻ tâm hồn nhân hậu.
Người con gái thời xưa biết hát ru từ nhỏ. Lúc bé được nghe mẹ hát, lớn lên nghe mẹ ru em. Trong gia đình thường dạy con gái công-dung-ngôn-hạnh, trong đó phải biết hát ru. Người phụ nữ ngày xưa có một niềm hạnh phúc, ấy là khi vắt bầu sữa cho con bú và nhè nhẹ cất tiếng hát ru con ngủ. Dường như trong khoảnh khắc ấy, mọi ưu phiền, toan lo vất vả, mọi sự khốn khó trắc trở đời thường tan biến hết. Khi tiếng hát ru cất lên, lòng mẹ thấy bao dung…
Không biết từ khi nào ở làng quê vắng dần tiếng hát ru. Thỉnh thoảng mới có tiếng bà ru cháu, hiếm thấy tiếng chị ru em. Có người đổ cho suốt ngày các cháu đi nhà trẻ. Có lẽ do các bà mẹ trẻ quá nghèo nàn về vốn liếng ca dao dân ca. Có phải vì thế mà bây giờ tuy trẻ em có thể thông minh hơn nhưng không bằng thế hệ trẻ em ngày xưa về lòng khoan hòa, dung dị?
Thật đáng buồn bây giờ thay cho sự vỗ về, nựng nịu qua tiếng hát ru, rất nhiều người mẹ khi con khóc chỉ biết rung, lắc và… quát tháo. Lại có người mẹ bật những bài hát ru cho trẻ nghe mong chóng ngủ. Dẫu có đạt mục đích thì đó chỉ là cho trẻ nghe thuần túy âm nhạc, mất hẳn yếu tố giao lưu tình cảm của người mẹ.
Ngày xưa hát ru không có nhạc. Tiếng đệm duy nhất là tiếng kẽo kẹt của cánh võng và tình cảm thân thương của người mẹ. Có em bé chỉ ngủ say khi có tiếng hát ru. Người mẹ mệt thiếp đi, hoặc bỏ đi đâu đó, trẻ lại khóc và khi mẹ quay trở lại hát nhè nhẹ thì con lại ngủ yên.
Ngày xưa hát ru là để giãi bày tâm sự, nhưng bây giờ được xã hội hóa mang ra trình diễn cho cộng đồng nghe và xem. Đấy là tính phổ biến để giữ gìn, bảo lưu hát ru không bị mai một. Chỉ có điều nhiều khi cải biên quá trớn, mất đi cái thần của hát ru, ví như người ta cho nhạc organ, trống phách ồn ã quá.
Hát ru là một loại hình văn hóa phi vật thể, một kho tàng văn hóa dân gian quý giá của ông cha từ nghìn xưa để lại. Do vậy cần bảo tồn, phát triển để góp phần nuôi dưỡng, bồi đắp nhân cách con người từ lúc trẻ thơ.
KHÚC HÀ LINH