Tướng quân Cao Lỗ (277-179 trước Công nguyên) còn có tên là Đô Lỗ hoặc Đô Lỗ Thạch Thần. Quê ông ở xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Ông là người có công lớn trong việc dời đô từ Phong Châu về vùng đồng bằng. Là cận thần của An Dương Vương, ông là tổng công trình sư xây dựng thành Cổ Loa, là người chế ra nỏ thần liên châu, giúp vua xây dựng và bảo vệ Nhà nước Âu Lạc trong thời kỳ đầu, cách đây hơn 2.000 năm. Tên ông đã gắn liền với lịch sử oai hùng của dân tộc Việt Nam.

Trong cuộc Hội thảo khoa học năm 2013 “Cao Lỗ-danh tướng thời dựng nước”, các nhà nghiên cứu nhận định rằng: Nếu các Vua Hùng có công tạo nên Nhà nước Văn Lang đầu tiên cho người Việt thì người có công đầu tạo nên nước Âu Lạc dưới thời An Dương Vương chính là Cao Lỗ. Hội thảo cũng đã rút ra những bài học quý giá cho hậu duệ họ Cao và nhân dân cả nước, đó là: Luôn phải đề cao cảnh giác với bọn xâm lược, phải có kế sách giữ nước ngay từ khi nước còn mạnh. Phải biết trọng dụng người hiền tài và tăng cường sự đoàn kết toàn dân tộc để bảo vệ, xây dựng đất nước hùng mạnh.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa: dongatrans.com 

Để ghi nhớ công ơn to lớn của Cao Lỗ Vương, nhân dân ta đã xây dựng đền thờ ông ở nhiều nơi trong cả nước, như: Khu di tích Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội); phường Bồ Đề (Long Biên, Hà Nội); phường Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội); phối thờ tại nhà thờ tổ họ Cao ở làng Nho Lâm (nay thuộc xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An)... Tên ông đã được đặt cho một con đường đẹp ở trung tâm huyện Đông Anh. Lăng mộ của ông đã được xây dựng vững chắc, to đẹp ở xã Vạn Ninh, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Hằng năm, Lễ hội Cao Lỗ Vương được tổ chức vào hai ngày 9 và 10 tháng Ba âm lịch tại hai xã Cao Đức và Vạn Ninh, huyện Gia Bình...

Noi gương tổ tiên, hậu duệ họ Cao luôn kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa của dòng họ, đoàn kết với các dòng họ khác trong cả nước, cùng nhau xây dựng quê hương, đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh. Các thế hệ họ Cao tự hào, ghi nhớ và làm theo những lời ông cha gửi lại trong câu đối “Tiên tổ anh linh khai nguyên khí/ Duệ tôn hiếu nghĩa luyện đức tài”.

CAO HƯNG