QĐND Online - Không khí của mùa xuân đang tràn về khắp phố phường Hà Nội. Bên cạnh sắc đào hồng thắm, sắc mai vàng ấm áp, có một loài hoa mang vẻ đẹp bình dị nhưng hương thơm nồng đượm, quyến rũ, chất chứa sự tinh tế, góp phần làm Tết cổ truyền càng thêm phong phú, đó là hoa thủy tiên.

Tìm đến ngôi nhà nằm trong ngõ 236 đường Khương Đình (Thanh Xuân, Hà Nội), chúng tôi gặp anh Nguyễn Huy Vũ – người nghệ nhân trẻ mà gia đình đã ba đời trồng hoa thủy tiên. Qua cuộc trò chuyện với anh, chúng tôi có dịp hiểu hơn về loài hoa này và càng thêm trân trọng công sức, sự tỉ mỉ, khéo léo mà người trồng hoa thủy tiên gửi gắm trong đó. 

Củ thủy tiên khi chưa gọt tỉa (bên trái) được bọc trong đất để hút ẩm. Hầu hết thủy tiên được nhập từ Đài Loan và Ma-cao (Trung Quốc). Mỗi dịp Tết đến, gia đình anh Vũ nhập gần 1000 củ thủy tiên để phục vụ nhu cầu chơi hoa của khách hàng. Thủy tiên sau khi được gọt và ngâm nước sẽ lộ mầm lá và mầm hoa (bên phải).

 

Nghệ nhân Huy Vũ đang bóc lớp đất và các bẹ lá khô bên ngoài của củ thủy tiên. Anh Vũ cho biết: “Công đoạn ban đầu là vệ sinh củ thật sạch, điều này rất quan trọng vì nó giúp củ hoa sau này không bị đen”.

  

Đây là dụng cụ chính để gọt thủy tiên, gồm một đầu là dao nhọn, một đầu là thuổng. Ngoài ra, việc gọt, tỉa hoa thủy tiên cần một số dụng cụ khác như nhíp, dao mổ, kéo tỉa.

 

Công đoạn đòi hỏi nhiều thời gian và sự kiên nhẫn nhất là gọt, tỉa củ hoa thủy tiên. Người gọt phải tỉ mẩn bóc tách từng lớp vỏ trắng, phải khéo léo để không gọt vào mầm hoa ẩn sâu bên trong. Sau khi gọt xong thì ngâm vào nước sạch. Một tuần sau, củ sẽ lên lá và nụ. Trong điều kiện thời tiết từ 18 đến 200C thì khoảng 24 ngày sẽ ra hoa.

 

Ngay từ khi gọt tỉa, cần phải tính toán sao cho các móng rồng sẽ ôm vào thân cây. Đồng thời, tùy vào dáng củ mà gọt để khi lên lá, cây sẽ có lá cao, lá thấp, đăng đối nhau và phù hợp với bình đựng hoa. Cái hay của thủy tiên gọt bằng tay là có thể tùy ý tạo dáng cho cây, hoa nở to, lá cao vừa phải. Còn thủy tiên giâm cát sẽ có lá dài xum xuê, về sau sẽ đổ rạp xuống.

  

Một cây hoa thủy tiên đẹp thì phải hội tụ được 5 điểm: Thứ nhất, rễ dài và trắng; thứ hai, dáng củ tròn đều, củ chính phải căng; thứ ba, có lá cong, lá thẳng, màu xanh đậm; thứ tư, hoa có 6 cánh, bao lấy phần nhị; thứ năm, hương của hoa thơm ngọt.

 

Thủy tiên có khoảng hơn 20 loại với màu sắc và kích thước khác nhau, phân bố chủ yếu ở châu Á và châu Âu. Người châu Á, trong đó có Việt Nam thường chuộng thủy tiên trắng bởi nó có mùi thơm nồng đượm, ngào ngạt hòa với không khí ấm cúng của ngày Tết, tạo nên một nét rất riêng biệt. Không chỉ vậy, người xưa còn quan niệm rằng hình ảnh hoa thủy tiên trắng tựa như “chén vàng trong mâm bạc”.

  

Nghệ nhân Huy Vũ (trái) đang hướng dẫn khách hàng cách chọn những cây hoa thủy tiên đẹp. Anh Vũ cũng dặn dò khách hàng cách chăm sóc để những bình hoa thủy tiên luôn giữ được vẻ đẹp, cần phải thay nước thường xuyên, khi cây còn non thì nên để ra ngoài trời để lá không bị vàng, nếu để trong nhà thì nên bật đèn bóng vàng.

 

Mỗi độ Tết đến, gia đình nghệ nhân Huy Vũ lại tất bật với công việc gọt, tỉa, chăm sóc những cây hoa thủy tiên để phục vụ nhu cầu chơi hoa của khách hàng. Không chỉ có những khách đến tận vườn để mua, mà còn có nhiều khách đặt mua từ mọi miền đất nước. Người ta yêu hoa thủy tiên vì vẻ đẹp thuần khiết của nó, yêu luôn cả cái cảm giác hồi hộp, đợi chờ hoa nở đúng đêm 30 Tết với mong ước một năm mới may mắn, tốt đẹp.

Bài, ảnh: HẢI ANH