Giáo sư, nhạc sĩ Ca Lê Thuần.
Tin nhạc sĩ Ca Lê Thuần lâm trọng bệnh đến với anh, chị em văn nghệ sĩ từ nhiều tháng nay. Ông mắc cùng lúc nhiều chứng bệnh: Gan, thận, tim mạch, tai biến..., bệnh nào cũng nặng nên mặc dù đã được các thầy thuốc Bệnh viện Thống Nhất tận tình cứu chữa, nhưng không thể qua khỏi. Sự ra đi của người nghệ sĩ tài năng, tâm huyết ngay trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu khiến đông đảo nghệ sĩ và người hâm mộ bày tỏ lòng tiếc thương, ngưỡng vọng...
Ca Lê Thuần sinh năm 1938, tại tỉnh Bến Tre, trong một gia đình trí thức có truyền thống hiếu học, yêu nghệ thuật. Thân phụ ông là nhà giáo Ca Văn Thỉnh, bậc chuyên gia hàng đầu về Hán Nôm, từng là Giám đốc Sở Giáo dục Nam Bộ thời kháng chiến chống Pháp. Các anh, chị em trong gia đình đều tham gia hoạt động nghệ thuật và có những đóng góp to lớn cho kháng chiến. Ông là anh trai của nhà thơ Lê Anh Xuân (Ca Lê Hiến) và NSƯT, đạo diễn Ca Lê Hồng.
Ca Lê Thuần tham gia hoạt động nghệ thuật từ nhỏ, trưởng thành từ chiếc nôi Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Những năm đầu thập niên 1960, ông được Nhà nước cho đi học lý luận âm nhạc tại Nhạc viện Odessa (Liên Xô trước đây), sau đó làm công tác giảng dạy, sáng tác và nghiên cứu tại Trường Âm nhạc Việt Nam. Nhiều công trình nghiên cứu của ông và các đồng nghiệp lúc bấy giờ là nền tảng, được phát triển thành hệ thống giáo trình giảng dạy âm nhạc tại các học viện, trường âm nhạc sau này.
Sau ngày thống nhất đất nước, ông trở về miền Nam công tác tại Nhạc viện TP Hồ Chí Minh và lần lượt đảm đương các chức vụ: Giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin TP Hồ Chí Minh, Giám đốc Nhạc viện TP Hồ Chí Minh, Tổng thư ký (sau này là Chủ tịch) Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh, Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam... Giai đoạn 1987-1997, ông là đại biểu Quốc hội, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Dù ở cương vị nào, ông vẫn dành thời gian cho sáng tác và nghiên cứu. Phần lớn các sáng tác, công trình nghiên cứu của ông đều có giá trị, đóng góp xứng đáng cho nền âm nhạc cách mạng Việt Nam.
Ông đã được trao nhiều giải thưởng lớn về âm nhạc trong nước, được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý. Trong sự nghiệp sáng tác của mình, Ca Lê Thuần có nhiều tác phẩm có giá trị về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng. Tác phẩm mới nhất của ông về mảng đề tài này là vở nhạc kịch “Người giữ cồn”, một khúc tráng ca hào hùng về Bộ đội Cụ Hồ ở vùng đất Đồng bằng sông Cửu Long...
NGUYỄN PHÚC NY