Mường Khụ nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn-Ngổ Luông, thuộc địa bàn 7 xã của 2 huyện Tân Lạc và Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, có diện tích gần 19.254ha. Khu bảo tồn nằm ở trung tâm của khu sinh cảnh Cúc Phương-Pù Luông; là đại diện một phần sót lại rất có ý nghĩa của loại rừng đá vôi miền Bắc nước ta, quần thể đá vôi quan trọng mang tính toàn cầu, có tính đa dạng sinh học và tỷ lệ cao về các loài đặc hữu.
Vì có tên là Mường Khụ-xứ sở của đá nên trên con đường vào xã Tự Do để chiêm ngưỡng thác Mu, một dòng thác đẹp cao 30m nằm giữa những chân ruộng bậc thang vàng rực lúa mùa, tôi phải đi qua một quãng đường dài chừng 5km, thực sự là “đi trên sóng đá”, đá lượn sóng nhấp nhô, nhiều chỗ, xe máy không biết… đặt bánh vào đâu. Con đường gian khổ này là kết quả của sức người bao năm trước đã vạt núi đá san đường, nối các vùng dân cư với nhau.
Mu là tên một loại măng đắng đặc trưng ở rừng này. Có một rừng Mu từ xa xưa còn vi vút đến ngày nay. Măng Mu đắng ngọt, là đặc sản xứ sở, được thu hoạch vào tháng Hai, tháng Ba âm lịch. Một dòng suối trong mát được bắt nguồn từ Đồi Cao, chảy 2km quanh xóm bản thì gặp một vực đá, hai bên bờ là cánh đồng với những chân ruộng bậc thang xinh xắn. Từ đây, dòng nước trong suốt buông đổ từ độ cao 30m, tạo nên dòng thác bạc trắng đẹp mắt, mát lành xuyên suốt bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Nơi này rất nhiều nước. Quanh xóm là những dòng chảy lớn nhỏ, trong suốt, tưới mát cho khắp cánh đồng…
Thác Mu đã trở thành điểm du lịch tham quan từ lâu. Những du khách đầu tiên đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thác lại không phải người Việt. Họ là những người phương Tây vác ba lô nặng trĩu trên vai tìm đến. Hiện giờ khách đến thác Mu chủ yếu là những người trẻ, gọi cho hiện đại là “dân phượt”. Họ tìm đến cắm trại, đốt lửa, nướng gà và nhảy múa bên thác.
Du lịch Thác Mu mới chỉ có vậy, và đã đáp ứng được nhu cầu chiêm ngưỡng, tắm mát của du khách. Nhưng nét đặc sắc của xóm Mu không nằm ở đó. Trên những con đường vào xóm, người ta dễ dàng bắt gặp những thanh niên phóng xe máy đeo tai nghe được cắm từ chiếc Iphone hiện đại. Nhưng ngoài công nghệ, ngoài đồ dùng điện tử tiện nghi, xóm Mu đem đến một không khí của một miền đất trong lành, thánh thiện. Người ta nói do yếu tố địa hình, nên đời sống nơi đây khá là khu biệt, con người sống hài hòa với thiên nhiên, bảo lưu khá toàn vẹn những nét đặc trưng văn hóa của người Mường.
Không khí, nếp sống và cảnh quan nơi đây cho tôi một cảm giác về một nơi chưa từng được sinh ra, hoặc đã mất từ hàng chục năm rồi. Những ngôi nhà sàn thuần gỗ bạc phếch nắng mưa ẩn dưới ngàn vạn mặt trời xanh tỏa bóng. Những cây cọ ở xóm Mu đã được trồng từ hàng chục năm trước. Cọ xòe bóng mát, cọ lợp mái nhà, cọ cho ta chút cảm giác về một miền trung du đồi chè gió lộng. Chiều mát, những người đàn ông trong xóm thong thả dong trâu về. Tiếng mõ trâu lốc cốc thả vào từng vạt nắng, từng ngọn gió. Họ tắm mát, rồi tụ tập ở nhà văn hóa đầu xóm, rôm rả bàn tán về cuộc sống thường ngày, về mùa vụ, về trận bóng đá đêm trước, hay chơi một vài môn thể thao đơn giản. Chiều mát, trẻ con kéo nhau ra tắm suối, đứa trẻ nào cũng bơi giỏi, dù chúng còn nhỏ xíu. Những bà mế cao tuổi vận trang phục truyền thống cũng lặng lẽ đắm mình trong làn nước suối trong mát chảy quanh ngôi nhà của họ hàng chục năm rồi, từ khi họ được sinh ra, hay từ khi họ về làm cô dâu son trẻ. Dường như chiều mát, cả xóm Mu thả lỏng cơ thể và tâm hồn họ trong lòng dòng suối tự nhiên ấy, ngay cả những con ngan, con vịt sau một ngày bơi lội thư thả, đang chầm chậm bước từng bậc đá lên ngôi nhà của chủ nó ở tít lưng đồi cũng cho tôi cảm giác về một sự yên bình.
Đêm xuống, đom đóm lập lòe giữa thênh thang trời rộng, trên trán những người đàn ông trong làng là chiếc đèn pin, một chiếc giỏ mây tre bên hông và một tấm lưới tiến về bên suối để thả bắt cá. Dòng suối rất trong, dưới ánh mặt trời rực rỡ mùa hạ, nhìn kỹ lắm mới có thể thấy một vài con cá cũng trong suốt đang bơi lội. Chúng trốn đi đâu hết, và chỉ xuất hiện về đêm. Người dân đánh cá được không nhiều mỗi tối. Họ dùng chúng làm thức ăn. Cuộc sống của người xóm Mu chủ yếu dựa vào nông nghiệp, ngoài đồng áng và chăn nuôi, họ không có nguồn thu nhập nào khác. Một đôi vợ chồng cựu chiến binh kết hôn 40 năm, đã có “sáu cái con và mười cái cháu” bảo: Xóm từ dăm bảy nóc nhà trước đây, nay đã xấp xỉ bảy mươi nhà. Một số người trẻ đã ra khỏi xóm làm ăn xa, khắp mọi miền đất nước.
Chưa hề có một thứ tệ nạn nào ở xóm Mu. Dọc theo bờ suối, mỗi nhà đều có một vuông ao nho nhỏ, rất nông, nước cũng rất trong để có thể thấy những đàn cá trắm, chép, trôi nhẩn nha bơi. Cá trong ao có sẵn, nhưng chưa một ai thấy mất một con cá nào. Người xóm Mu có thể đánh cá trong suối vài tiếng chỉ để có một hoặc hai cân cá suối, nhưng họ không bao giờ tắt mắt trước những đàn cá bên ao nhà người khác. Lòng suối tuyệt đối an toàn, không có gai góc hay mảnh thủy tinh vỡ. Họ lội trong lòng suối với một sự tự tin thoải mái vô cùng.
Đã từ lâu, người xóm Mu tự phát huy ý thức bảo vệ môi sinh của mình. Họ không xả rác ra môi trường chung. Rừng mu mùa măng, người ta chỉ vào rừng hái măng khi ban quản lý rừng cho phép, và việc hái măng phải được tôn trọng, phải dừng lại khi đã đến lúc cần những lứa măng cho những mùa sau. Đó là lý do rừng măng đắng đặc sản này còn tồn tại. Không có lòng tham, sự tận diệt thiên nhiên ở nơi này.
Người cựu chiến binh có “sáu cái con và mười cái cháu” cứ băn khoăn vì dù không có tiền, nhưng không nỡ lấy tiền trọ của chúng tôi. Bà băn khoăn vì không có gì làm quà cho khách phương xa ngoài mấy bắp ngô nếp trong vườn. Bà băn khoăn vì tiếng nước đổ ngoài suối hay một vài con muỗi nhỏ có thể làm mất giấc ngủ ngon của khách. Tôi mang theo tấm lòng của đôi vợ chồng già ấy trở về phố thị với lời hứa một ngày trở lại, nơi những rừng vầu, mu, luồng, hóp, những họ hàng nhà tre trúc như xanh hơn, lớn hơn, xào xạc hơn bên những đỉnh đá vôi Mường Khụ ngàn năm u u trong gió.
Ghi chép của THẢO DUY