Những bài thơ viết bằng chữ Hán tiêu biểu
LÝ THƯỜNG KIỆT
(Phiên âm Hán - Việt)
Nam quốc sơn hà
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
Dịch nghĩa:
Sông núi nước Nam
Sông núi nước Nam, vua Nam ở
Rành rành phân định tại sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.
Dịch thơ:
Sông núi nước Nam
Nước Nam là của vua Nam
Sách trời đã định, biết làm sao đây
Giặc sang xâm phạm đất này
Chóng chầy thì cũng đến ngày bại vong.
(Đỗ Trung Lai chuyển lục bát)
* * *
MÃN GIÁC THIỀN SƯ
Phiên âm Hán - Việt:
Cáo tật thị chúng
Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
Dịch nghĩa:
Có bệnh bảo mọi người
Xuân đi, trăm hoa rụng,
Xuân đến, trăm hoa nở.
Việc đời theo nhau ruổi qua trước mắt,
Tuổi già về trên đầu rồi
Đừng nghĩ rằng xuân tàn thì hoa rụng hết,
Sân trước, đêm qua, vừa nở một nhành mai.
Dịch thơ:
Có bệnh bảo mọi người
Xuân tàn, tàn cả trăm hoa
Xuân về, lại thấy trăm hoa khoe màu
Việc đời trước mặt chen nhau
Già về cho tóc trên đầu vội phai
Xuân tàn hoa cạn, mặc ai
Một nhành mai nở sân ngoài, đêm qua.
(Đỗ Trung Lai chuyển lục bát)
* * *
TRẦN NHÂN TÔNG
Phiên âm Hán - Việt:
Xuân hiểu
Thụy khởi khải song phi
Bất tri xuân dĩ quy
Nhất song bạch hồ điệp
Phách phách sấn hoa phi.
Dịch nghĩa:
Buổi sớm mùa xuân
Ngủ dậy, mở cửa sổ
Còn chưa biết là xuân đã về
Có một đôi bướm trắng
Phấp phới bay về phía hoa xuân.
Dịch thơ:
Buổi sớm mùa xuân
Tan giấc, mở cửa sổ
Nào hay xuân đã về
Kìa, đôi con bướm trắng
Bay vào hoa ngoài kia.
(Đỗ Trung Lai dịch)
* * *
TRẦN QUANG KHẢI
(Phiên âm Hán - Việt)
Tòng giá hoàn kinh
Đoạt sáo Chương Dương độ
Cầm Hồ Hàm Tử quan
Thái bình tu trí lực
Vạn cổ thử giang san
Dịch nghĩa:
Theo xe vua về kinh
(Đã) cướp giáo (giặc) ở bến (trận) Chương Dương
(Lại) bắt sống giặc ở cửa (trận) Hàm Tử
Từ nay, thái bình (rồi), phải cùng gắng sức
(Để) nước non này bền vững vạn đời.
Dịch thơ:
Theo xe vua về kinh
Chương Dương cướp giáo giặc
Hàm Tử bắt quân thù
Thái bình nên gắng sức
Non nước ấy nghìn thu.
(Trần Trọng Kim dịch)
* * *
NGUYỄN TRÃI
(Phiên âm Hán - Việt)
Thính vũ
Tịch mịch u trái lý
Chung tiêu thính vũ thanh
Tiêu hao kinh khách chẩm
Điểm trích sổ tàn canh
Cách trúc khao song mật
Hòa chung nhập mộng thanh
Ngâm dư hồn bất mị
Đoạn tục đáo thiên minh.
Dịch nghĩa:
Nghe mưa
Trong phòng tối tăm tịch mịch
Suốt đêm nghe tiếng mưa rơi
Khiến động cả gối khách
Giọt nước điểm mấy canh tàn
Cành trúc bên ngoài khua vào cửa sổ đóng kín
Tiếng chuông đi vào giấc mơ tạm
Ngâm thơ rồi nhưng vẫn không ngủ được
Chập chờn mãi đến lúc trời sáng.
Dịch thơ:
Nghe mưa
Mình ta trong phòng tối
Nghe mưa rơi đêm dài
Lời mưa về vỗ gối
Giọt giọt buông canh chầy
Ngoài song, nghe động trúc
Chuông vào lay giấc ai
Ngâm thơ, không ngủ được
Nhìn lên, trời sáng rồi!
(Đỗ Trung Lai dịch)
****
ĐẶNG DUNG
(Phiên âm Hán - Việt)
Cảm hoài
Thế sự du du nại lạo hà
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca
Thời lai đồ điếu thành công dị
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa
Trí chủ hữu hoài phù địa trục
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch
Kỷ độ Long Tuyền đới nguyệt ma
Dịch nghĩa:
Cảm hoài
Việc đời cuồn cuộn như sông mùa lũ
Trời đất mênh mang trong mỗi câu ta hát
Gặp thời, người câu cá kia cũng dễ thành công(*)
Lúc lỡ vận, anh hùng đành nuốt bao nỗi hận
Ý chúa những muốn xoay đất chuyển trời
Nhưng không có đường kéo sông Ngân xuống để rửa giáp
Thù nước chưa trả được mà đầu đã sớm bạc
Bao lần ta mang thanh Long Tuyền ra mài dưới trăng!
(*). Lã Vọng xưa ngồi câu cá bên sông Vị Thủy, gặp được Văn Vương mà thành công.
Dịch thơ:
Cảm hoài
Thế thời như lũ trên sông
Một câu ca cũng mênh mông đất trời
Dễ sao câu cá gặp thời
Anh hùng lỡ vận đầy vơi ly sầu
Chúa mong xoay đất chuyển lầu
Ngân Hà rửa giáo, giờ đâu thấy đường!
Giặc còn, tóc đã pha sương
Bao phen dưới nguyệt mài gươm Long Tuyền!
(Đỗ Trung Lai chuyển lục bát)
* * *
NGUYỄN DU
(Phiên âm Hán - Việt)
Độc Tiểu Thanh ký
Tây hồ hoa uyển tẫn thành khư
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư
Chi phấn hữu thần liên tử hậu
Văn chương vô mệnh lụy phần dư
Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Phong vận kỳ oan ngã tự cư
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như
Dịch nghĩa:
Đọc truyện nàng Tiểu Thanh
Tây hồ, nơi đẹp đẽ ấy nay đã hóa ra gò hoang
Thổn thức bên song, chỉ còn mảnh sách tàn
Người con gái đẹp có thần, chôn đi rồi, còn biết hận
Văn chương dù không có số mệnh, vẫn vương lại hồn cốt
Nỗi hờn (của người ta) xưa nay, đến trời còn khó hỏi
Cái kỳ án của kẻ phong lưu, tự mình phải mang lấy
Không biết 300 năm sau
Có ai dưới trời này còn biết mà nhỏ nước mắt vì Tố Như chăng?
Dịch thơ:
Đọc truyện nàng Tiểu Thanh
Tây Hồ cảnh đẹp hóa gò hoang
Thổn thức bên song mảnh giấy tàn
Son phấn có thần, chôn vẫn hận
Văn chương không mệnh, đốt còn vương
Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi
Cái án phong lưu khách tự mang
Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa
Ai người còn khóc Tố Như chăng?
(Cao Xuyên dịch)
* * *
CAO BÁ QUÁT
(Phiên âm Hán - Việt)
Bạc vãn túy quy
Mính đính quy lai bất dụng phù
Nhất giang yên trúc chính mô hồ
Nam nam tự dữ liên hoa thuyết
Khả đắc hồng như tửu diện vô
Dịch nghĩa:
Buổi chiều bên sông, say rượu trở về
Chếnh choáng say, trở về chưa cần người đỡ
Cả một dải sông, mịt mờ những khói cùng tre trúc
Khe khẽ ghé hỏi hoa sen:
Hoa có hồng bằng mặt rượu của ta không?
Dịch thơ:
Buổi chiều bên sông, say rượu trở về
Chếnh choáng say về, không đợi dắt
Mịt mùng khói trúc một dòng sông
Thì thầm cúi xuống hoa sen hỏi:
Hoa có hồng như mặt rượu không?
(Nguyễn Văn Bách dịch)
|