QĐND - Hành trang tinh thần một thời đuổi giặc của người lính là những dòng thơ và tình yêu mộng mơ ban đầu. Trong vắt, nguyên sơ và thánh thiện. Tâm hồn, tình yêu người lính là như vậy. Nhờ đó đã góp phần tạo ra sức mạnh ở họ để làm nên chiến thắng.
Nói đến tư duy thơ ca là nói đến tư duy hình tượng. Thơ ca thời chống Mỹ đã sử dụng một hệ thống hình tượng phong phú và độc đáo, phong phú vì nó phản ánh một cuộc sống đầy biến động của thời chiến, độc đáo vì nó mang cảm quan sử thi đậm nét. Chúng ta dễ dàng tìm thấy những hình tượng mang tính biểu trưng cao mang tầm vóc vũ trụ với tính khái quát lớn: Mặt trời, ngọn lửa, biển, sóng, con đường, cây cầu... Chất lý tưởng trong tình yêu là sự khao khát được cống hiến tuổi trẻ của mình cho cách mạng, đem tình yêu của đôi lứa hòa vào tình yêu quê hương đất nước. Chúng ta hãy cùng đọc lại một đoạn thơ trong bài "Cuộc chia ly màu đỏ" (Nguyễn Mỹ):
Chiếc áo đỏ rực như than lửa
Cháy không nguôi trước cảnh chia ly
Vườn cây xanh và chiếc nón trắng kia
Không giấu nổi tình yêu cô rực cháy
Không che được nước mắt cô đã chảy
Những giọt long lanh, nóng bỏng, sáng ngời
Chảy trên bình minh đang hé giữa làn môi
Và rạng đông đang hừng trên nét mặt
Một rạng đông với màu hồng ngọc
 |
Chiến lũy và hoa. Tranh của Kiều Hải. |
Chia tay để đi xa, hơn nữa để đi ra trận thì tránh sao được những giọt nước mắt. Đấy là một thực tế. Nhưng chia tay mà không hề buồn rầu thảm thương, sầu đau bi lụy vì cả đoạn thơ là giọng nhiệt tình lý tưởng thông qua cách sử dụng hình ảnh với gam màu đỏ chủ đạo: Đỏ rực, than lửa, cháy, rực cháy, nóng bỏng, sáng ngời, bình minh, rạng đông, hồng ngọc. Màu đỏ ở đây không đơn thuần là màu sắc nữa mà là màu của lý tưởng, màu của nhiệt tình cách mạng. Thế cho nên bài thơ khép lại bằng hai câu tưởng như thừa về câu chữ nhưng lại rất hợp lý trong lô-gích hình tượng cuộc chia ly màu đỏ:
Nghĩa là màu đỏ ấy theo đi
Như không hề có cuộc chia ly
Chúng ta cùng đọc lại một đoạn thơ thời trung đại trong thi phẩm "Chinh phụ ngâm" nổi tiếng, cũng là chia ly để ra trận, cũng có nước mắt nhưng đầy sầu bi não nề:
Cùng quay lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai
Cả hai vợ chồng đều khóc, nước mắt giàn giụa nên cùng quay lại nhìn nhau mà chẳng thấy nhau. Giữa họ đã là khoảng cách "mấy ngàn dâu”, ngàn dâu vẫn xanh ngắt vô tình đâu có hiểu nỗi lòng kẻ đi người ở đớn đau thế nào.
Cùng một hoàn cảnh nhưng ở hai thời đại khác nhau, tâm thế khác nhau, tính chất ra đi khác nhau nên có cách biểu hiện khác nhau.
Dễ tìm thấy trong thơ tình yêu thời chống Mỹ những hình tượng giàu tính sử thi với hạt nhân bên trong mang ý nghĩa của sự nhiệt tình, thủy chung, sắt son tình nghĩa. Đó là hình tượng ngọn lửa trong thơ Xuân Quỳnh: Tình yêu như tháng năm/ Mang gió nồng nắng lửa/ Anh hãy là đầm sen/ Anh hãy là phượng đỏ (Tháng năm). Đó là hình tượng mặt trời, hoa mặt trời trong thơ Phan Thị Thanh Nhàn: Dù bão lớn có làm nghiêng trái đất/ Thì mặt trời vẫn mọc giữa lòng ta (Những người yêu); Nhớ lời anh dặn/ Dù gió mưa thét gào/ Dịu mềm mà rắn rỏi/ Hoa mặt trời vươn cao (Hoa mặt trời)...
Sử thi thiên về ngợi ca, thiên về cái cộng đồng. Tình yêu là cá nhân, là riêng tư. Thơ tình yêu thời chống Mỹ đã kết hợp hài hòa cái cá nhân riêng tư với cái cộng đồng tạo ra một cặp hình tượng đặc sắc chỉ thấy xuất hiện ở thời này, trước đó và sau này không có, cặp hình tượng: Người yêu - đất nước, quê hương:
Anh yêu em như yêu đất nước
(Nhớ - Nguyễn Đình Thi)
Ôi chín năm nhớ thương
Mặt em là quê hương
(Mặt quê hương - Tế Hanh)
Em chính là quê hương ta đó
(Trở về quê nội - Lê Anh Xuân)
Em đứng bên đường, như quê hương
Vai áo bạc, quàng súng trường
(Lá đỏ - Nguyễn Đình Thi)
...
Tình yêu thời đó hòa vào cái chung, hòa vào quê hương đất nước, thứ tình yêu trong vắt của suối nguồn sử thi, dù yêu nhau tha thiết thế nào, đẹp thế nào thì vẫn cứ ý thức tình yêu của chúng mình nằm trong tình yêu quê hương đất nước. Thậm chí có nhà thơ còn nói cho rõ ra: Đời đẹp thế, đời chiều ta đến thế/ Anh yêu đời, càng tha thiết yêu em/ Còn có gì tách được nỗi chung riêng (Cảm ơn tình yêu và cuộc sống - Bằng Việt). Chúng tôi cho rằng, không nên nhìn thơ của ngày hôm qua bằng cái nhìn của ngày hôm nay. Thời thế hôm nay khác, hiện đại và tỉnh táo, với tâm trạng ấy, lý trí ấy làm sao có thể cảm và hiểu hết chất men say lý tưởng cách mạng ở cái thời "cả nước lên đường”. Phải sống lại cuộc sống ở cái thời đó, phải nhập hồn mình vào lý tưởng của cái thời đó may chăng mới nắm được tinh thần thơ ca thời đó. Có như vậy ta mới hiểu lời thơ của Chế Lan Viên viết về tình yêu đắm say và nồng nàn, rất riêng tư nhưng cũng thật lý tưởng, rất chung:
Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét
Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng
Như xuân đến chim rừng lông trở biếc
Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương
(Tiếng hát con tàu - Chế Lan Viên)
Chế Lan Viên đã diễn tả thật hay nỗi nhớ như một thuộc tính của tình yêu qua cách dùng cặp hình tượng không tách rời: Đông/rét. Không rét sao có thể gọi là mùa đông cũng như không nỗi nhớ thì sao có tình yêu được. Tình yêu thật đẹp, thật quý "như cánh kiến hoa vàng”. Tình yêu luôn đem lại điều mới mẻ với bao hy vọng, ước mơ "Như xuân đến chim rừng lông trở biếc”. Say đắm và sâu sắc như vậy thế mà vẫn tỉnh táo trí tuệ để có một câu cuối: Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương thấm đẫm tinh thần ý thức công dân cao cả. Cũng cách sử dụng hình ảnh này nhưng ở vào một thời khác, thời hết chiến tranh thì chỉ còn thấy cái riêng mà không hề thấy bóng dáng cái chung: Đứng một ngày đất lạ thành quen/ Đứng một đời em đất quen thành lạ (Lời bài hát "Đợi" - nhạc Huy Thục, phỏng thơ Vũ Quần Phương). Lời hát quặn một nỗi đau, xót xa nhức nhối, khi tình yêu còn thì mọi cái lạ cũng thành thân quen, khi tình yêu hết thì mọi cái thân quen cũng thành xa lạ. Đúng là phải đặt tác phẩm vào bối cảnh lịch sử ta mới hiểu sâu hơn cái kết của bài thơ "Sóng" của Xuân Quỳnh mà thực ra cắt nó đi thì bài thơ vẫn hay nhưng có nó thì bài thơ mới trọn nghĩa, rõ ra cái chủ đề tình yêu riêng hòa vào tình yêu chung: Làm sao được tan ra/ Thành trăm con sóng nhỏ/ Giữa biển lớn tình yêu/ Để ngàn năm còn vỗ. Thế mà trong bài lại có những câu thơ cứ mê đi, mụ đi đầy trăn trở và khắc khoải của cái tôi tình yêu tưởng như cả trời đất này mới có một tình yêu sâu sắc, da diết như thế: Con sóng dưới lòng sâu/ Con sóng trên mặt nước/ Ôi con sóng nhớ bờ/ Ngày đêm không ngủ được/ Lòng em nhớ đến anh/ Cả trong mơ còn thức.
(Còn nữa)
NGUYÊN THANH