QĐND - Tôi chứng kiến câu chuyện xảy ra trên bãi tập trong giờ giải lao của một đơn vị, một chiến sĩ nói với đồng đội: “Này, ông còn chiếc kẹo cao su nào không, cho tôi một chiếc nhai cho đỡ buồn mồm”. Cậu kia tưng tửng: “Tôi còn nhiều kẹo lắm, nhưng vẫn để nhờ ở căng-tin ấy”. Cậu này bực mình: “Không còn thì bảo là hết rồi, lại còn ra vẻ sĩ diện hão”. Cậu kia vẫn đùa dai: “Tôi cứ thích nói thế đấy. Ông làm gì được tôi nào?”. Cậu này vằn mắt lên: “Này, ông có mồm có miệng thì giữ gìn cẩn thận nhé, kẻo mấy cái răng cửa không còn cơ hội ăn cơm đâu”!
Đúng lúc đó, chính trị viên đại đội xuất hiện. Gương mặt anh nghiêm nghị: “Tôi nghiêm khắc phê bình hai đồng chí. Từ một chuyện rất nhỏ là xin nhau chiếc kẹo cao su, nhưng các đồng chí đã dùng những từ ngữ thái quá như vậy có thể dẫn đến mối bất hòa không đáng có. Điều này hoàn toàn trái với quân kỷ, quân phong và không phù hợp với môi trường giao tiếp, ứng xử trong quân đội”. Bị cấp trên bắt lỗi, cậu chiến sĩ cố ý trêu chọc bạn, nói lí nhí: “Em xin lỗi thủ trưởng. Thực lòng là trong khi nghỉ ngơi, em chỉ muốn chọc bạn cho vui thôi ạ”. Chính trị viên bảo: “Vui gì thì cũng không được quá giới hạn cho phép. Việc các em sử dụng từ “ông, tôi” vừa chưa lịch sự, vừa không phù hợp với nếp sống văn hóa quân sự mà đơn vị chúng ta đang xây dựng”.
 |
Niềm vui của các chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Gia Lai trong ngày nghỉ cuối tuần. |
Nói đến đây, chính trị viên ngẫm ngợi, suy tư chốc lát rồi tâm sự ân cần với hai chiến sĩ trẻ: Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, chắc hẳn các em đã được học bài thơ “Đồng chí” của nhà thơ Chính Hữu rồi đúng không? Ngày xưa, cha anh chúng ta từ khắp xứ, mọi miền đến với nhau để cùng chung một chiến hào đánh giặc giữ nước, dù bao gian khổ: “Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh /Sốt run người, vừng trán ướt mồ hôi/ Áo anh rách vai /Quần tôi có vài mảnh vá/ Miệng cười buốt giá/ Chân không giày”, nhưng vẫn coi nhau như anh em một nhà: “Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ” và “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”. Chính tình cảm đồng chí thân thương, tinh thần đồng đội cao cả là một trong những động lực tinh thần giúp cha anh chúng ta vượt qua mọi gian lao thử thách, hiểm nguy để giữ vững ý chí chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Kể lại vài điều như vậy, anh muốn nói với các em rằng, hai tiếng “đồng chí” thiêng liêng lắm. Là thế hệ con cháu, nối tiếp truyền thống cha anh, chúng ta không được phép lãng quên điều tưởng chừng như bình dị nhưng vô cùng sâu sắc ấy. Nhất là khi đang học tập, công tác trong môi trường quân đội với nếp sống chính quy, mẫu mực và kỷ luật chặt chẽ, nghiêm minh, chúng ta càng phải trân trọng danh xưng “đồng chí”! Bởi khi tôn trọng, sử dụng danh xưng đó là chúng ta đã thể hiện phong cách giao tiếp, ứng xử có văn hóa của người quân nhân cách mạng.
Những lời giải thích của chính trị viên tuy nhẹ nhàng mà thấm thía. Bởi đã từ lâu, hai tiếng “đồng chí” trở nên thân thương trong ký ức, trái tim của bao thế hệ Bộ đội Cụ Hồ. Đối với giai cấp công nhân và chiến sĩ cộng sản, hai tiếng “đồng chí” phản ánh khát vọng của những người cùng chung một lý tưởng vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Trong quân đội, danh xưng “đồng chí” bao hàm ý nghĩa là những người có chung một chí hướng, một mục tiêu chiến đấu, một lẽ sống cao đẹp là “Trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định. Không những vậy, danh xưng “đồng chí” còn thể hiện tình cảm thân thiết, trìu mến dành cho nhau của những người sống trong cùng một đội ngũ và cùng ăn ở, học tập, lao động, công tác, chiến đấu ở một tập thể đơn vị.
Trong xã hội hiện đại, dù cuộc sống có nhiều thay đổi, mối quan hệ của con người cũng đa dạng, phong phú và phức tạp hơn, nhưng không vì thế mà hai tiếng “đồng chí” trở nên “khuôn sáo, sách vở” hay “giáo điều” như ai đó từng quan niệm khô khan, phiến diện. Tự thân hai tiếng “đồng chí” đã bao hàm cả hình thức mô phạm, nội dung trang trọng, ý nghĩa thiêng liêng mà cả người nói và người nghe đều cảm thấy nhã nhặn, văn minh. Với ý nghĩa đó, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong quân đội cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục để thế hệ chiến sĩ hôm nay hiểu biết đúng đắn, nhận thức thấu đáo và thấm nhuần sâu sắc danh xưng “đồng chí”. Mặt khác, cần quan tâm chăm lo xây dựng bầu không khí tập thể quân nhân lành mạnh, kiến tạo môi trường văn hóa ứng xử nhân văn, bồi đắp tình cảm, niềm tin cho tuổi trẻ quân đội thường xuyên coi trọng, sử dụng danh xưng “đồng chí” một cách tự nguyện, tự nhiên. Đó là một trong những việc làm thiết thực nhằm góp phần giữ gìn, phát huy những nét đẹp văn hóa ứng xử của Bộ đội Cụ Hồ.
Bài và ảnh: THU THẢO