Chủ tịch UBND xã Đường Lâm Phạm Thị Lệ Thủy cho biết, chương trình “Trung thu làng cổ” có nhiều hoạt động đặc sắc như: Hội thi mô hình đèn Trung thu và diễu hành đèn tại không gian Cổng làng cổ Đường Lâm với sự tham dự của 9 cơ sở thôn.

Các mô hình đèn Trung thu được mô phỏng theo hình tượng nhân vật lịch sử, truyền thuyết dân gian, con vật yêu thích trong truyện cổ tích, ngụ ngôn, cũng như những hình ảnh được coi là biểu tượng văn hóa, là sản vật đặc trưng của đơn vị mình. Điển hình mô hình Chim hòa bình (chim bồ câu) của đội thi thôn Văn Miếu, là biểu tượng cho sự hòa bình, yên vui và hạnh phúc. Màu trắng của bồ câu tượng trưng cho sự thuần khiết, trong trắng và thanh cao. Đội thi thôn Văn Miếu đem đến hội thi chú chim bồ câu trắng với ước muốn hòa bình cho nhân loại.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel

Các mô hình trình diễn trong Chương trình “Trung thu làng cổ”. 

Hay như đèn hình voi con của đội thi thôn Phụ Khang. Trong truyền thuyết đầu tiên của người Việt có nhắc đến voi chín ngà là một trong số những đồ sính lễ mà Vua Hùng bắt buộc Sơn Tinh, Thủy Tinh phải mang đến để cầu hôn Mị Nương. Voi còn được các triều đại phong kiến Việt Nam sử dụng rất nhiều vào trong quân sự và dân sự. Voi đã trở thành người bạn thân thiết, biểu tượng của sự giàu sang sung túc, là sức mạnh, cát tường và thông minh. Đội thi thôn Phụ Khang chọn mô hình con voi để cầu chúc cho nhân dân thôn Phụ Khang và xã Đường Lâm một năm sức khỏe, may mắn.

Đội thi thôn Cam Thịnh mang đến hội thi đèn lồng hình trâu vàng, ngồi vắt vẻo trên lưng trâu là một mục đồng ngồi thổi sáo. Con trâu đi vào văn hóa Việt, trở thành hình ảnh quen thuộc, biểu trưng cho sự chăm chỉ, hiền lành, khỏe mạnh, chất phác; là nét văn hóa đồng quê bình dị, mộc mạc. Con trâu vốn gắn liền với tuổi thơ của trẻ em tại nông thôn qua hình ảnh của những chú bé mục đồng chăn trâu, cưỡi trên lưng trâu thả diều...

leftcenterrightdel
 Ngày hội thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.

Chủ tịch UBND xã Đường Lâm cho biết: Các nội dung, hoạt động của chương trình còn có ý nghĩa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, khôi phục những nét đẹp, đậm đà bản sắc dân tộc ở vùng quê xứ Đoài, đồng thời tạo không gian văn hóa, điểm đến du lịch cho làng cổ Đường Lâm, nhằm thu hút du khách trong nước và quốc tế. Chương trình góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng và toàn xã hội đối với sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, mang đến cho các em một ngày tết Trung thu thực sự ý nghĩa và tràn đầy niềm vui.

leftcenterrightdel
 Ban tổ chức trao giải Đặc biệt cho Đội thôn Cam Thịnh.

Kết thúc hội thi, Ban tổ chức trao giải Đặc biệt cho Đội thôn Cam Thịnh với mô hình đèn lồng hình con trâu có chú cuội ngồi trên lưng thổi sáo. Đội thôn Đông Sàng đạt giải Nhất với mô hình con rồng; hai đội thôn Hưng Thịnh và Cam Lâm đạt giải Nhì; các đội Phụ Khang, Văn Miếu, Đoài Giáp, Hà Tân, Mông Phụ đạt giải Ba. Ban tổ chức cũng trao giải phụ Thân thiện môi trường cho các đội thôn Phụ Khang, Đoài Giáp, Hà Tân.

NGÂN GIANG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.