Với dung lượng gần 700 trang, gồm 5 chương, “Dấu ấn khơi dòng văn hóa Việt” là công trình trăn trở, ấp ủ, thai nghén trong suốt hơn 20 năm của tác giả với văn hóa Việt. Cuốn sách đề cập đến các danh nhân có công khai sinh, gây dựng, phát triển đất nước, dân tộc; các vị tổ ngành nghề mộc, dệt lụa, thêu thùa, dệt chiếu, đúc đồng, in ấn, ca hát...; những người tiên phong trong các ngành nghề mới du nhập vào Việt Nam như kéo xe, làm đèn, tráng gương, làm diêm... Cuốn sách cũng đề cập câu chuyện về những danh tài sáng tạo, tiên phong thời cận, hiện đại như: Cao Thắng, Bạch Thái Bưởi, Cao Văn Lầu, Trần Đại Nghĩa, Tôn Thất Tùng, Phạm Ngọc Thạch... Mỗi nhân vật mỗi dáng vẻ, cốt cách, công đức, nhưng toát lên điểm chung về trí tuệ tinh anh, nét văn hóa độc đáo của người Việt trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, nói như tác giả chiêm nghiệm: “Khi khảo sát về ngành nghề, các vị tổ nghề hoặc các nhân vật tiên phong trong lĩnh vực đó thì cũng là lúc ta thấy được sự phản chiếu, các giá trị văn hóa, tinh thần văn hóa của một dân tộc”.
 |
Bìa cuốn sách. |
Trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu, tác giả cũng thừa nhận, ông đã gặp rất nhiều những câu hỏi thú vị mà bản thân ông không biết cách lý giải như thế nào. Và ông hy vọng rằng, thế hệ sau sẽ tiếp nối việc tìm ra câu trả lời như một sự tiếp nối, kế thừa bền vững. Ông cũng nhận ra thêm một điều rất đáng quý đã thuộc phẩm chất của văn hóa Việt đó là “ăn quả nhớ người trồng cây”, “uống nước nhớ nguồn”-hễ những ai có công truyền bá, cải thiện nghề nghiệp nhằm nâng cao đời sống thì thế hệ sau bao giờ cũng tôn vinh, biết ơn từ máu thịt.
Có thêm một điều độc đáo nữa là các ngành nghề, trải qua năm tháng, chính người Việt đã bổ sung, ngày một hoàn thiện hơn. Người đọc dễ dàng nhận ra người dân Việt Nam luôn cầu tiến và luôn có suy nghĩ tích cực; chịu khó tiếp thu giá trị văn hóa mới bao giờ cũng chọn lọc, cải tiến, nâng cao những gì đang có; nếu chưa có thì làm theo nhưng vận dụng phù hợp với tâm lý, tính cách của dân tộc mình, tùy vào điều kiện thực tế. Việc làm của các nhân tài đất Việt như Cao Thắng, Trần Đại Nghĩa... chế tạo vũ khí; bác sĩ Đặng Văn Ngữ, bác Phạm Ngọc Thạch... bào chế “thuốc tây” là một trong những ví dụ.
Có thể nói, với nguồn tư liệu đồ sộ, được chắt lọc một cách cẩn trọng, với lối hành văn đậm chất văn chương, dễ đọc, dễ hiểu, “Dấu ấn khơi dòng văn hóa Việt” của Lê Minh Quốc đã dẫn dắt người đọc ngược dòng thời gian, tìm hiểu về cội nguồn những danh nhân đã có công dựng xây và bồi đắp nền văn hóa của dân tộc Việt Nam. Đọc cuốn sách này không chỉ có thêm kiến thức mà còn bồi đắp thêm niềm tự hào về lịch sử văn hóa đất nước, con người Việt Nam từ bao đời nay.
YẾN VŨ