Độc đáo nhà dài

Nằm lọt thỏm giữa núi rừng Tà Đùng, nhà của gia đình bà K'Riêk ở buôn B'Đăng, thôn 2, xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng) vẫn lưu giữ được gần như nguyên vẹn nét đặc trưng của nhà dài truyền thống. Mang ché rượu cần đặt giữa nhà, bà K'Riêk mở đầu câu chuyện: "Nhà dài từ lâu đã là nơi sinh sống của người Mạ, là chốn thần linh hiện hữu, nơi chứa đồ cổ của dòng họ truyền lại cho thế hệ sau". Và như muốn để cho những người khách từ xa hiểu thêm về nét văn hóa của người Mạ, già làng K'Diệp (72 tuổi) từ từ đứng dậy, đưa ống lồ ô dùng để uống rượu cần tiến về chính giữa ngôi nhà bắt đầu khấn: Hỡi Yàng Đất, Yàng Núi, Yàng Nhà, Yàng Kho thóc! Hôm nay có khách phương xa đến, tôi uống ché rượu báo cho Yàng Chum ché biết. Mong các Yàng phù hộ cho mọi người sức khỏe, mùa màng năm nay tươi tốt...

Nhà dài của người Mạ tại xã Lộc Bắc, (huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng). 
Nhà của gia đình bà K'Riêk dài hơn 10 sải (mỗi sải dài khoảng 2m), hiện là nơi sinh sống của 3 thế hệ. Nhà có cột, kèo bằng gỗ, vách và sàn dựng bằng phên nứa, mái lợp lá mây rừng. Trong nhà, mọi thứ đều được bố trí, sắp xếp rất hài hòa, toàn bộ vật dụng lao động gồm: Xà gạc, gùi, xá đựng lúa cùng nhiều nhạc cụ, chum, chóe cổ, những bộ cồng chiêng quý cho đến bếp lửa linh thiêng đều như được phủ lên lớp thời gian dài thăm thẳm. Không gian sinh hoạt giữa các hộ gia đình không hề có sự ngăn cách, sự độc lập, riêng tư có chăng chỉ được thể hiện bằng bếp lửa (mỗi hộ 1 bếp). Mới nghe, nhiều người chắc hẳn sẽ hình dung cuộc sống dưới mái nhà dài sẽ rất phức tạp, tuy nhiên với sự đoàn kết, thương yêu và những luật tục rõ ràng, nghiêm khắc, các thành viên rất ít khi xảy ra mâu thuẫn khi cùng chung sống dưới một mái nhà.

Phì phèo điếu thuốc rê quấn bằng lá rừng, già làng K'Diệp kể: "Ngày xưa ở buôn B'Đăng, Hang Bon, B'Lạch, B'Tạch, có hơn chục mái nhà dài cả năm, bảy mươi mét, nhà dài nhất lên đến trăm mét, đến nỗi từ đầu nhà, xuyên suốt dãy hành lang hun hút, người ta chỉ nhìn thấy mọi thứ mờ mờ ảo ảo phía cuối nhà". Dưới mỗi mái nhà ấy sẽ có cả chục bếp lửa, tương đương với chục gia đình nhỏ có cùng huyết thống sinh sống hòa đồng với nhau. Lúc đầu, "hìu rọt" (nhà dài) chỉ có 2 sải thôi (tức khoảng 4m), khi ấy gọi là nhà ngắn, sau số gia đình tăng thêm thì mới là nhà dài". Trong tâm thức của người Mạ, nhà dài được đo bằng thiết chế đại gia đình chứ không phải là những con số cơ học.

Như một phần tiếp nối không gian ra bên ngoài là kho thóc của người Mạ. Dù chung sống trong 1 nhà dài nhưng mỗi hộ gia đình đều có kho thóc riêng, được dựng lên độc lập với nhau tại những vị trí thuận lợi. Tuy nhiên, trong lúc khó khăn, mọi người sẵn sàng chia sẻ lương thực cho nhau. Trong không gian độc đáo ấy, nền văn hóa của người Mạ đã định hình, phát triển rực rỡ và được lưu giữ qua hàng ngàn năm lịch sử.

Nhà dài "ngắn lại"

Vùng "đất Mạ" hôm nay có nhiều khởi sắc so với trước đây, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào đang ngày càng khấm khá. Tuy nhiên, khi về với những buôn làng, bên cạnh niềm vui thì không ít người cảm thấy luyến tiếc bởi không gian sinh tồn đặc trưng của người Mạ là nhà dài đang dần biến mất. Nếu từ năm 2010 trở về trước, ở vùng Lộc Bắc còn khá nhiều nhà dài thì nay chỉ còn sót lại duy nhất 1 ngôi nhà của bà K'Riêk. Những người hàng xóm và lũ cháu con của bà giờ đây đều đã ở nhà xây.

Anh K'Thân, con trai bà K'Riêk bảo, bây giờ làm nhà dài rất khó vì tốn kém, mất nhiều công sức, trong khi nguyên vật liệu ngày càng khan hiếm. Nếu như trước kia, người Mạ sống chủ yếu dựa vào những sản vật có trong tự nhiên hoặc làm nương rẫy với sản phẩm ít ỏi thì nay đã có "của ăn của để", tư tưởng "tư hữu" và sự rạch ròi, độc lập trong cuộc sống khiến cho nhiều người không còn tha thiết sống chung trong ngôi nhà dài. Thay vào đó là những nhà xây mái ngói, mái tôn vừa dễ làm, tiết kiệm chi phí, vừa đáp ứng được xu thế "tiểu gia đình".

Nhà dài đang dần "ngắn lại", đó là một thực tế khó có thể đảo ngược. Tuy nhiên, để giữ gìn cho con cháu đời sau biết về nơi sinh sống của tổ tiên, những nghệ nhân cùng với chính quyền địa phương nơi đây đang nỗ lực nhằm bảo tồn và khôi phục lại nhà dài. Ông K'Tư, Chủ tịch UBND xã Lộc Bắc cho biết, sắp tới địa phương sẽ vận động kinh phí để dựng một ngôi nhà dài khoảng 15 sải (hơn 30m) để làm nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng và cũng để cho thế hệ trẻ sau này có nơi tìm hiểu về văn hóa nguồn cội, tránh nguy cơ mất đi nét văn hóa đậm bản sắc vùng nam Tây Nguyên.

Bài và ảnh: QUANG ANH