Ra mắt từ tháng 1-2022, đến nay “Chuyện tử tế” đã phát sóng được 39 tập. Mỗi tập khoảng 12-15 phút, ngắn gọn nhưng hấp dẫn và mang đến những thông điệp sống ý nghĩa. Như ở tập “Con trẻ”, một cậu bé cứ năn nỉ hết cha rồi mẹ dạy em học bài nhưng họ đều than bận. Thật ra, cha em đang mải chơi game, còn mẹ thì “nấu cháo” điện thoại với bạn. Qua đó “Chuyện tử tế” chia sẻ thực trạng một số cha mẹ trẻ vô tư đến vô trách nhiệm, đẩy con vào cảnh cô độc ngay trong chính mái ấm của mình. Hay trong “Tâm sự ngày cuối năm”, kể về một diễn viên trẻ mới vào nghề phân vân giữa “chạy sô” hay về quê ăn Tết với cha mẹ. Câu chuyện thể hiện sự đồng cảm của nhóm tác giả về trách nhiệm lập thân, thành công của người trẻ và tình thân, gia đình... khiến người xem phải suy nghĩ. Mỗi tập phim “Chuyện tử tế” mang đến một câu chuyện rất quen và rất đời, có thể người xem đã trải qua hằng ngày nhưng lại lướt qua, không để ý. Ðể rồi, ai đó phải giật mình soi rọi lại mình đã sống tử tế chưa?
 |
NSND Việt Anh (bên phải) chia sẻ chuyện đời, chuyện nghề trên “Chuyện tử tế”.
|
Ðằng sau “Chuyện tử tế” là tấm lòng của một nghệ sĩ gạo cội, một người thầy hết mực vì học trò. Đó là quãng thời gian TP Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhiều sinh viên ngành nghệ thuật ra trường nhưng không thể làm nghề. Thương học trò vất vả, NSND Việt Anh đã nghĩ đến dự án này để giúp các em có “đất diễn”, nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật.
Nghệ sĩ Ngọc Tưởng, học trò và là người đồng hành với NSND Việt Anh thực hiện dự án cho biết, có người hâm mộ thầy và muốn tặng thầy căn nhà vì hiện tại thầy vẫn đang ở nhà trọ, nhưng thầy không nhận mà chỉ ngỏ lời muốn nhận 10 triệu đồng để cùng học trò làm “Chuyện tử tế”. Biết tâm nguyện của ông, Quỹ Phát triển tài năng Việt của một doanh nghiệp đã hỗ trợ dự án 500 triệu đồng. Cùng với các học trò, NSND Việt Anh đã lan tỏa cái đẹp, nói lại những điều chưa đẹp để thấu hiểu và yêu thương nhiều hơn.
Nói về dự án, NSND Việt Anh cho biết: “Tôi nghĩ rằng, hơn ai hết, người nghệ sĩ phải sống đẹp, cư xử đẹp. Vì chúng ta làm ra những sản phẩm nghệ thuật, chúng ta sáng tạo ra cái đẹp, chúng ta trước hết phải đẹp. Mà muốn đẹp thì phải tử tế cái đã. Tôi cũng muốn nói với các diễn viên trẻ hôm nay là hãy làm nghề một cách tử tế, nghiêm túc. Bởi vì, một diễn viên, dù bắt đầu chỉ bằng những vai diễn quần chúng, nhưng nếu có sự rèn luyện, phấn đấu thì sẽ có cơ hội vào vai chính và chạm tay đến những danh hiệu cao quý. Các bạn phải đọc nhiều để hiểu và thấm nhuần xã hội, con người, triết học, mỹ học, văn học... phải biết đau nỗi đau đời, cảm thương, xót xa với một hoàn cảnh nào đó mới biến thành nghệ thuật để biểu diễn, để mọi người nhìn thấy cái đẹp nằm ở đâu. Đó mới là nghệ sĩ”.
Ở mỗi tập phim, NSND Việt Anh chọn một khách mời là nghệ sĩ hoặc chính những người có liên quan với câu chuyện để cùng bình luận, chia sẻ ý kiến. Từ đó có sự tương tác với người xem và tạo sức mạnh liên kết để ông cùng các học trò tiếp tục sáng tác nhiều kịch bản hay hơn.
Dù đã ở tuổi 70, rất bận rộn với vai trò đạo diễn, diễn viên nhưng NSND Việt Anh vẫn gắn bó với bục giảng, truyền dạy những kinh nghiệm diễn xuất cho các diễn viên ở Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh, các lớp học của Sân khấu kịch Hồng Vân... “Là người thầy rất mực yêu thương, tận tâm với học trò nhưng NSND Việt Anh cũng nổi tiếng là người khó tính trong giảng dạy. Chính sự khắt khe, nghiêm túc của anh đã tạo nên những lớp học trò làm được nghề, giỏi nghề”, NSND Hồng Vân nói về đồng nghiệp của mình.
Bài và ảnh: THANH THANH